Muốn xấu xí thì hãy ăn thật khuya
Các Website khác - 03/04/2006
(yallahroadhouse)

Dân gian Nga có câu “bữa sáng ăn cho mình, bữa trưa chia sẻ với bạn, bữa tối ăn cho kẻ thù”. Ăn tối quá nhiều và quá muộn sẽ khiến bạn xấu xí và không khỏe mạnh.

Bác sĩ Galina Khanmơgarova, Trung tâm y tế dự phòng quốc gia Nga khẳng định, ban đêm, chúng ta tự “tiêu hóa” chính mình.

Bạn ăn tất cả vào bữa tối và đi ngủ với cái bụng căng phồng. Bạn đang ngủ và cũng đúng lúc này, dạ dày và hành tá tràng - nơi mà bạn vừa đưa vào đây một lượng lớn thức ăn - cũng đang “ngủ”. Vì vậy, nó sẽ không tiết ra các chất cần thiết để vận chuyển thức ăn trong ống tiêu hóa. Tất cả thức ăn sẽ ở lại đây đến sáng.

Hành tá tràng bị căng phồng bởi thức ăn sẽ là tín hiệu báo cho mật sản xuất dịch mật để chuyển hóa thức ăn. Vì vậy, ít nhiều tín hiệu này sẽ “đánh thức” cả tuyến tụy sản xuất các men phân giải protit, lipit, glucid. Tất cả “xưởng” hóa học này cố hết sức làm việc một cách vô ích - bởi dịch mật không thể vào được hành tá tràng khi hành tá tràng không co bóp. Vì thế, dịch mật bị ứ đọng trong mật, quánh lại và dần dần tạo thành sỏi mật.

Tại tuyến tụy, tình trạng có thể còn bi đát hơn. Các men của tuyến tụy được điều đến hành tá tràng nhưng hành tá tràng không tiếp nhận chúng. Thất vọng, chúng quay ngược trở lại tuyến tụy, làm cho tuyến này bị viêm, thậm chí gây hoại tử.

Ngoài ra, khi quá trình tiêu hóa bị phá vỡ, tại ruột, các quá trình lên men bắt đầu phát triển, “bản đồ” vi khuẩn bị biến dạng, dẫn đến hiện tượng dị ứng và nhiễm độc (do các sản phẩm cuối cùng của quá trình phân giải bị thẩm thấu vào máu).

Ăn tối muộn còn phá hoại giấc ngủ, gây căng thẳng thần kinh (stress) và cũng dễ dẫn đến béo phì... Tất cả hình thành một vòng khép kín: ăn vào ban đêm - mất ngủ - lo lắng - căng thẳng thần kinh - lại mất ngủ. Đó là nguyên nhân gia tăng các bệnh mạn tính. Và với các bệnh tật trên, làn da bạn chắc chắn sẽ mất vẻ tươi đẹp vì làn da phản ánh sức khỏe. Trông bạn sẽ mệt mỏi và sa sút nhan sắc.

Cần phải làm gì?

Ăn tối trước khi ngủ ít nhất 2-3 giờ. Sau khi ăn, không ngồi lỳ một chỗ trước màn hình mà cần tạo điều kiện cho cơ thể tiêu hao đường glucô tại các cơ: vận động nhẹ nhàng (làm việc nhà, đi dạo...).

Cố gắng không ăn vào bữa tối những món chứa đường “nhanh” như bánh kẹo, khoai tây... Gọi là đường “nhanh” vì nó gây ra sự tăng nhanh đường trong máu, làm tăng việc sản xuất insulin. Cần ăn những loại đường “chậm” như: cà rốt, bắp cải, cải củ, cháo kê... Chúng chuyển hóa lâu hơn và không gây ra sự tăng nhanh insulin trong cơ thể.

Cần rải các bữa ăn trong ngày một cách khoa học: 25% lượng calo vào bữa sáng, 30-40% cho bữa trưa, sau đó là bữa ăn nhẹ giữa ngày, còn 15-20% cho bữa tối. Đó là cách phân bổ calo ở mức cân bằng trong một ngày. Điều quan trọng nhất, trước 3-4 giờ chiều, bạn cần phải ăn khoảng 60-70% tổng calo trong một ngày. Trong thời gian này bạn đang hoạt động tích cực, thức ăn sẽ được chuyển hóa thành năng lượng và được giải phóng ra khỏi cơ thể, chứ không tích trữ lại thành mỡ trong cơ thể.

Để không ăn quá nhiều sản phẩm từ đường “nhanh”, cần tránh xa các loại đồ ngọt, không tích trữ bánh kẹo trong nhà. Ăn bánh ngọt trước khi đi ngủ 2-3 giờ cũng được coi là một bữa tối muộn. Cơ thể cần khoảng cách giữa bữa ăn tối và bữa sáng hôm sau là 12 giờ.

(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)