Báo cáo tham nhũng chưa sát với thực tế
Các Website khác - 29/10/2005
Đại biểu góp ý cho dự luật.

"Tội tham nhũng được quy định ở một loạt điều, chỉ nhận hối lộ 500.000 cũng đã bị xử lý hình sự. Con số hơn 200 vụ tham nhũng trong báo cáo của ngành toà án, tôi có cảm giác không sát với thực tế", đại biểu Lê Quang Bình phát biểu tại Quốc hội, chiều 28/10.

Dẫn giải hàng loạt các vụ tham nhũng bị phanh phui thời gian qua, Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội Lê Quang Bình đề nghị ngành toà án cần làm rõ nguyên nhân tại sao số vụ tham nhũng xét xử lại ít như vậy. Trong khi, cử tri đang rất bức xúc về tình trạng tham nhũng, cố ý làm trái diễn ra khá phổ biến.

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Võ Minh Phương cho rằng, báo cáo của ngành toà án năm nào cũng chung chung với điệp khúc "tình hình tội phạm diễn biến phức tạp", nhưng không chỉ rõ nguyên nhân, hướng giải quyết cụ thể. Theo đại biểu này, chỉ cần điểm qua những vụ án nổi bật thời gian qua như rút ruột công trình, thanh tra giao thông nhận hối lộ, cũng đủ thấy báo cáo của ngành toà án "chưa khớp" với thực tế.

Oan sai nhiều, trách nhiệm ngành toà án đến đâu?

"Vừa rồi, tôi được biết một vụ kiện, toà án huyện xử cho nguyên đơn thắng, nhưng đến toà tỉnh lại bác đơn của nguyên đơn. Lên đến toà án tối cao, nguyên đơn lại thắng kiện. Những vụ việc loanh quanh kiểu này tuy không nhiều nhưng cũng không phải cá biệt", đại biểu Lê Quang Bình bức xúc.

Theo dòng sự kiện:
Công an xã trách nhiệm cao, quyền lợi ít (28/10)
Khung học phí mới vượt quá chịu đựng của dân (28/10)
Xem xét cấm học sinh chơi game online trong giờ học (27/10)
Thủ trưởng chịu trách nhiệm về quyết định gây lãng phí (26/10)
Có nên giao trọng trách chống tham nhũng cho Chính phủ? (25/10)
Xem tiếp»

Theo ông Bình, qua tập hợp kiến nghị của cử tri, không ít đơn thư tỏ ý bức xúc trước những tiêu cực của cán bộ cơ quan bảo vệ pháp luật, đặc biệt là cán bộ toà án và thanh tra. Báo chí cũng đăng hàng loạt vụ thẩm phán nhận hối lộ, thư ký toà án tham gia đường dây chạy án, "xã hội đen" lộng hành cũng nhờ sự bảo kê của cán bộ bảo vệ pháp luật địa phương như vụ Hai Chi, Năm Cam...

Mặc dù Quốc hội đã có Nghị quyết 388 về bồi thường oan sai nhưng theo nhiều đại biểu, đây vẫn là một trong những bức xúc lớn nhất của cử tri. Với quy định hiện hành, người bị hàm oan ít có điều kiện tập hợp dữ liệu để minh oan cho bản thân. Nhiều vụ án xử đi xử lại mà người dân không biết tin vào toà án cấp nào.

Dẫn chứng về vụ phá rừng Tánh Linh, đại biểu Lê Quang Bình đề nghị phải có hình thức bảo vệ, khen thưởng thích đáng người tố cáo tội phạm. Trong vụ phá rừng Tánh Linh, những công dân dũng cảm tố cáo tội phạm phải tha phương cầu thực, gia đình tan nát, bệnh tật. Thế nhưng 8 năm qua, họ vẫn chưa được cơ quan nào khen thưởng.

Việt Anh