Cấm
Các Website khác - 12/02/2009
 Đầu năm con Trâu, lại nhói chuyện nhiều hộ tiểu thương buôn chuyến trên chiếc xe máy cà khổ, chiếc xích lô cà tàng, sắp sửa phải "đắp chiếu nằm queo" hoặc bán tống bán tháo đi... đong gạo.
Cả nhà sống nhờ vào những cuốc xe xuôi ngược sắp phải đói dài vì từ nay, gà qué, lợn bò hết chỗ để "ngự". Một lệnh cấm mới đã được ban hành: Cấm gà qué, lợn bò từ ngoài vào nội thành, nội thị. Thế thì hết đất sống còn gì! Thủ đô mở rộng, lượng dân cư làm nông nghiệp ở vùng ngoại thành chiếm thế áp đảo.
 

Rất may, lệnh cấm đã bị bãi bỏ.( Ảnh: VnExpress)

Khi đất đai thu hẹp, người ta lấy chăn nuôi làm kế sinh nhai. Người quê rau cỏ cũng quen, chắt chiu được con gà, con vịt, con lợn đem bán không lẽ chỉ đưa ra chợ quê bán cho nhau?

Hàng triệu người dân nội đô là một lượng khách hàng lớn, có tiền và có nhu cầu bỗng dưng bị loại ra khỏi danh sách được cung cấp thứ mặt hàng quê sạch sẽ. Một khoản thu nhập lớn của người dân ngoại ô nguy cơ bị mất. Vậy thì họ làm gì đây, sống sao đây?

Rất may, sau khi Bộ Tư pháp có công văn phản bác, UBND TP Hà Nội đã họp và quyết định tiếp tục cho phép người dân dùng xe máy để chở gia súc, gia cầm.

Nghe chuyện này mới buốt vì nhớ tới cuối năm con Chuột, xem chương trình "Gặp nhau cuối năm" của nhà đài. Anh "Táo thoát nước" tung hoành khắp Bắc - Trung - Nam mà khán giả vẫn cười ủng hộ vì mỗi cái chuyện xưa nay hiếm là... "bắt cá trong xe ô tô".

Cái duyên dẫn chuyện của anh càng lúc càng hấp dẫn vì người ta từng mục kích nó xảy ra ngay trên đường phố Hà Nội, nơi được coi là... "trung tâm chính trị kinh tế văn hoá xã hội" của cả nước. Nếu để ý một chút, trong lúc mặn chuyện, anh đã kể tội hết cả bàn dân thiên hạ, từ "ông xây dựng" đến "bà quy hoạch", từ "chàng môi trường" đến "nàng ô nhiễm".

Theo Táo ta, quy hoạch lộn xộn, ngổn ngang, ao hồ lấp tiệt, khắp nơi nơi bung ra xây dựng, từng centimet đất bị "bê tông hoá" chính là nguyên nhân khiến Hà Nội thành... Hà "lội". Chung quy lại, Táo ta muốn hỏi, sao có những chuyện nhiễu nhương thế mà thành phố không... cấm, không dẹp để nguy cơ đi thuyền trong phố vẫn còn tiếp diễn?

Mục kích hai câu chuyện, mới thấy một điều rằng: có những thứ người ta hay thích làm... ngược. Cái lớn như đàn voi, tác động đến cả xã hội cần hạn chế, cần cấm, cần xử thì không xử. Cái "nhỏ như con thỏ", nhưng là nồi cơm, tấm áo của một bộ phận dân cư thì lại được "quan tâm"?!

Theo Giadinh.net