Đây là mong mỏi chung của hầu hết cử tọa tại buổi tọa đàm “Hiến kế giải pháp thực hiện nếp sống văn minh đô thị” do báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức sáng 12-2.
|
Ông Trương Trọng Nghĩa (trái) nói vui: “Nhiều cán bộ, công chức của ta khi sang Singapore không dám vứt rác bừa bãi vì sợ bị phạt nhưng về tới xứ mình thì thói quen sống lại” - Ảnh: Minh Đức |
Nhiều ý kiến cho rằng TP.HCM mong muốn cải thiện ý thức người dân theo hướng văn minh hơn nhưng chính hình ảnh của bộ máy công quyền lại chưa đủ đẹp để người dân học tập.
“Trước hết nên nhìn thẳng sự thật, nếu không chúng ta sẽ tự bằng lòng với những gì mình đã làm được mà không thấy hết những yếu kém. Thời gian qua, chúng ta thấy đường sá TP còn lộn xộn nên phát động dân thực hiện mà không có nghiên cứu khoa học vì thế còn lúng túng, không có tính căn cơ” - ông Lê Hiếu Đằng, phó chủ tịch MTTQ TP.HCM, nhận xét.
Xung đột lợi ích
Cho phép sản xuất trong khu dân cư! Một tồn tại khác, theo ông Trương Trọng Nghĩa, hiện nay các cơ quan chức năng cấp phép cho sản xuất, kinh doanh tràn lan trong các khu dân cư - vốn có chức năng chính là phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi của người dân - mà không tính đến các yếu tố giao thông, môi trường nên tất yếu dẫn đến kẹt xe, nhếch nhác. |
Ông Đằng đưa ra dẫn chứng nhiều khu phố đường nào, hẻm nào cũng lấn chiếm, lộn xộn mà vẫn được công nhận là khu phố văn hóa. Ngay cả một số tuyến đường trọng điểm của các quận như Ngô Gia Tự, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Mạc Đĩnh Chi... cũng xảy ra tình trạng lấn chiếm vỉa hè làm chỗ buôn bán, để xe hết sức lộn xộn.
Trước các công sở, trường học, bệnh viện nơi nào cũng rác thải, nước thải tràn lan mà không thấy cơ quan chức năng nào xử phạt. Ông Đằng đặt vấn đề: “Chúng tôi băn khoăn là có phải việc dọn dẹp lòng lề đường có liên quan đến lợi ích của chính quyền phường?”.
Đồng tình với ông Lê Hiếu Đằng, đại biểu HĐND TP Trương Trọng Nghĩa cũng cho rằng chuyện buôn bán vỉa hè, lấn chiếm lòng lề đường tồn tại được là do có sự thỏa hiệp của chính quyền cấp phường, quận. Theo ông Nghĩa, nhiều nơi chính lực lượng buôn bán quán cóc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường đóng góp nguồn thu cho địa phương, có nơi còn giúp đời sống cán bộ khá hơn. “Nói dẹp khơi khơi thì khác gì bảo dẹp nồi cơm của họ. Do đó vấn đề là phải làm thế nào giải bài toán xung đột lợi ích này” - ông Nghĩa đề nghị.
Ông Nguyễn Văn Phước, phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường TP, nhìn nhận đi trên tuyến đường nào cũng thấy lộn xộn và trong năm qua TP đã ra quân chấn chỉnh rất nhiều đợt nhưng hiệu quả chưa cao. “Tôi còn nhớ có nhà nghiên cứu nói rằng dân chúng ta có tập quán buôn bán và sinh hoạt ở lòng lề đường, có lẽ chúng ta cũng cần tôn trọng” - ông Phước nói.
TS Nguyễn Đức Nghĩa, Đại học Quốc gia TP.HCM, không đồng tình và cho rằng chính quyền không nên chiều theo những tập quán không tốt của người dân, mà phải tuyên truyền để người dân thay đổi nếp sinh hoạt. Vấn đề cần lưu ý là việc tuyên truyền phải trên cơ sở hài hòa giữa pháp luật hiện hành và những tập tục của người dân để tránh xung đột về nhận thức, về lợi ích.
Pháp luật bị vô hiệu hóa
Một giải pháp được các cử tọa đề cập là tăng cường kiểm tra, xử phạt để giữ nghiêm pháp luật thay vì chỉ tuyên truyền, vận động suông. TS Nguyễn Hữu Nguyên - Viện Nghiên cứu phát triển TP - cho rằng hệ thống pháp luật của chúng ta có nhưng bị vô hiệu hóa vì những người thực thi không gương mẫu. “Cứ coi luật pháp như một cái thùng đựng nước, mỗi người chấp pháp không nghiêm là một lỗ thủng, chỉ cần vài lỗ thủng là hết đựng nước” - TS Nguyễn Hữu Nguyên ví von.
Đó là chưa kể không ít người được giao quyền thay vì xử phạt người này lại đi phạt người khác khiến dư luận bất bình. Ông Trương Trọng Nghĩa kể chuyện vui rằng nhiều cán bộ công chức của ta khi sang Singapore có cho tiền cũng không dám khạc nhổ, hút thuốc hay vứt rác bừa bãi vì sợ bị phạt nhưng khi về xứ mình thì “thói quen sống lại”.
Từ góc độ quản lý nhà nước, bà Ung Thị Xuân Hương - phó giám đốc Sở Tư pháp - cho rằng trên thực tế việc kiểm tra nhiều nơi còn bỏ ngỏ và xử phạt chưa nghiêm, chưa công bằng. “Để một vài chiếc xe trước cửa nhà thì bị phạt trong khi nhà hàng, quán ăn chiếm cả vỉa hè, lòng đường để giữ xe thì không ai phạt. Những trường hợp như vậy tôi thấy rất nhiều” - bà Hương nói.
Báo cáo chứ không chỉ đạo
Tuy nhiên, theo các cử tọa, việc xử phạt không phải là chiếc đũa thần mà cần phải thực hiện song song với công tác tuyên truyền để cán bộ công chức, người dân cùng có nhận thức và tự nguyện thực hiện. Nhiều ý kiến cho rằng TP nên chọn ba trọng tâm chính để tập trung thực hiện là giữ vệ sinh môi trường, giữ trật tự an toàn giao thông và xây dựng văn hóa ứng xử văn minh, lịch sự.
Theo TS Nguyễn Hữu Nguyên, việc làm gương của chính quyền trong việc thực hiện nếp sống văn minh đô thị là hết sức quan trọng, trách nhiệm và sự văn minh của chính quyền phải đi trước, dẫn đường cho sự văn minh của người dân. “Tôi thấy trên tivi mấy lần lãnh đạo Sở Tài nguyên - môi trường hỏi ngược rằng lấy chứng cứ ở đâu mà xử phạt các đơn vị gây ô nhiễm. Làm chính quyền mà nói thế thì đòi hỏi dân làm tốt sao được” - ông Nguyên nói.
Ông Nguyên đề xuất hằng tháng hoặc hằng quý, lãnh đạo TP nên nói chuyện định kỳ với người dân trên truyền hình, báo chí để báo cáo tình hình về những gì làm được, những gì khó khăn và giải pháp ra sao để người dân thấu hiểu, chia sẻ cũng như chung tay góp sức để thực hiện. Ông Nguyên khẳng định: “Tác phong của người lãnh đạo hiện đại là báo cáo cho dân chứ không phải chỉ đạo dân”.
Lắng nghe từ đầu đến cuối buổi tọa đàm, Chủ tịch HĐND TP Phạm Phương Thảo và Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Thu Hà đều nhìn nhận những tồn tại mà các cử tọa phản ảnh là những trọng điểm mà sắp tới TP phải tập trung giải quyết, khắc phục.
Theo Tuoi Tre Online
▪ Nắng rực rỡ trong ngày Lễ tình nhân (13/02/2009)
▪ Vết nứt ở hầm Thủ Thiêm tiếp tục phát triển (13/02/2009)
▪ Hậu Giang: Cần phát huy nhiều nguồn lực và tiềm năng sẵn có (13/02/2009)
▪ Nước vẫn thải, cá vẫn chết (13/02/2009)
▪ “Xén” tiền Tết của người nghèo để xây cổng văn hóa (13/02/2009)
▪ Thời tiết đẹp trong ngày Valentine (13/02/2009)
▪ Du khách Mỹ bị rơi khỏi tàu Thống Nhất (13/02/2009)
▪ Kiểm tra các dự án trọng điểm: Nhiều khả năng lỗi hẹn (13/02/2009)
▪ Diễn biến dịch sởi: Vẫn phức tạp (13/02/2009)
▪ Chiến dịch tăng cường chăm sóc SKSS/KHHGĐ đợt 1 năm 2009 ở Quảng Ngãi:Quyết tâm giành thắng lợi (13/02/2009)