Sáng hôm qua (12.2), 27 hộ dân nuôi cá bè ở ấp 1 xã Phú Ngọc, huyện Định Quán lại kéo nhau lên UBND xã ngóng tiền bồi thường. Tuy nhiên, vị đại diện xã đã lắc đầu, trả lời: đã chuyển hồ sơ lên tỉnh
Những người dân nuôi cá bè bị tước mất “cần câu”
Mất hơn bảy tỉ đồng
Hành trình thương lượng tiền bồi thường giữa công ty men thực phẩm Mauri La Ngà và công ty Mía đường La Ngà, hai đơn vị gây thiệt hại và 27 hộ dân bị chết cá có lẽ đã rơi vào ngõ cụt. Hàng chục con người, vừa tức giận, vừa thất vọng vì đã gần một năm qua, kể từ khi gần 300 tấn cá bị chết vì nước thải công nghiệp. Mọi việc không như cam kết của chính quyền: sẽ buộc thủ phạm gây ô nhiễm, làm chết cá bồi thường thiệt hại. Lời hứa này thỉnh thoảng được lặp lại mỗi khi vào dịp lễ tết vì chính quyền ngại dân kéo lên nhà máy đòi tiền, thành điểm nóng vì sợ mất an ninh trật tự.
Gần 300 tấn cá, hầu hết là cá điêu hồng, vào thời điểm năm ngoái, các hộ nuôi cá có thể bán đến 30 ngàn đồng/kg. Năm nay, tuy thấp hơn, nhưng vẫn được 25 ngàn/kg. Tổng cộng, hơn bảy tỉ đồng trôi theo ô nhiễm, để lại các khoản nợ hàng tỉ đồng vì hầu hết 27 hộ dân đều vay ngân hàng. Người ít dăm chục triệu, người nhiều dăm bảy trăm triệu. Nặng hơn, thiếu nợ tiền thức ăn, cám bã. Nuôi nhiều như ông Tèo, ông Giang, ông Hùng, số nợ thức ăn lên đến cả tỉ đồng. Giống như ngân hàng, các đại lý bán thức ăn đều tính tiền lãi mỗi ngày.
Bồi thường: không tín hiệu
Theo một lãnh đạo UBND xã Phú Ngọc, sau khi UBND huyện đề nghị bồi thường, công ty men thực phẩm Mauri La Ngà lấy lý do tổng giám đốc vừa mới qua đời nên chưa tính việc bồi thường. Còn công ty Mía đường La Ngà chỉ chấp thuận đền bù 200 triệu đồng. Nếu nhiều hơn phải chờ ý kiến của hội đồng quản trị. Có lẽ, con đường hợp pháp nhất là 27 hộ dân phải khởi kiện ra toà đòi bồi thường. Lúc đó, sự vụ sẽ lại nhiêu khê gấp bội.
Mấy ngày qua, nước thải từ hai công ty vẫn chảy ra sông và cá vẫn chết lai rai, ông Trần Phi Hùng thông báo, nhưng do hiện tại nước sông còn đầy nên nước thải bị pha loãng nên cá chết ít. Ông Hùng cảnh báo, nếu nước cứ thải, đến tháng 4 tới, thời điểm cuối mùa khô, cá lại chết hàng loạt như năm rồi.
Cuối tháng 1 và đầu tháng 2.2009, sau khi tổ chức kiểm tra, sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Đồng Nai đã ra hai công văn gởi chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị xử phạt công ty Mía đường La Ngà và công ty men thực phẩm Mauri La Ngà với tổng số tiền 54 triệu đồng. Với Men thực phẩm Mauri, sở đề nghị đóng cửa cho đến khi làm xong hệ thống xử lý môi trường, còn với Mía đường La Ngà, sở yêu cầu khắc phục chất lượng nước thải, nếu không sẽ đóng cửa. Nửa năm trước, chính quyền tỉnh Đồng Nai đã phạt tiền và đình chỉ xả nước thải hai công ty trên. Tuy nhiên, mọi việc vẫn như cũ.
Theo SGTT
▪ Nắng rực rỡ trong ngày Lễ tình nhân (13/02/2009)
▪ Vết nứt ở hầm Thủ Thiêm tiếp tục phát triển (13/02/2009)
▪ Hậu Giang: Cần phát huy nhiều nguồn lực và tiềm năng sẵn có (13/02/2009)
▪ Chính quyền phải văn minh để nêu gương (13/02/2009)
▪ “Xén” tiền Tết của người nghèo để xây cổng văn hóa (13/02/2009)
▪ Thời tiết đẹp trong ngày Valentine (13/02/2009)
▪ Du khách Mỹ bị rơi khỏi tàu Thống Nhất (13/02/2009)
▪ Kiểm tra các dự án trọng điểm: Nhiều khả năng lỗi hẹn (13/02/2009)
▪ Diễn biến dịch sởi: Vẫn phức tạp (13/02/2009)
▪ Chiến dịch tăng cường chăm sóc SKSS/KHHGĐ đợt 1 năm 2009 ở Quảng Ngãi:Quyết tâm giành thắng lợi (13/02/2009)