Công nghệ tạo Hoa hậu Việt Nam đang ở đâu?
Các Website khác - 28/08/2008

Chưa bao giờ, VN lại có nhiều cuộc thi nhan sắc như bây giờ, nhưng đi khắp lượt, chưa có người đẹp nào vẹn toàn khiến nhân gian... lác mắt. Và tại Hoa hậu Việt Nam 2008 cũng thế, đã gần tới đêm chung kết, nhưng vẫn chưa có gương mặt nào thực sự nổi bật.

Có tới hàng chục cuộc thi sắc đẹp cùng diễn ra trong năm: Hoa hậu Hoàn vũ, Hoa hậu các vùng kinh đô Việt, Hoa hậu các dân tộc, Hoa hậu các miền đất võ, Hoa hậu đồng bằng sông Cửu Long, Hoa hậu Đất Mũi, Hoa hậu biển, Nữ hoàng trang sức, Nữ hoàng du lịch, Người đẹp qua ảnh, Hoa hậu Áo dài, Hoa hậu Việt Nam…

ts
Những người đẹp của chúng ta rất ít để ý tới phong thái ngoài sân khấu

Như vậy, từ đất liền đến biển cả, từ vùng đồng bằng tới sông núi, từ quốc gia tới các lĩnh vực, ngành nghề đều dành đất cho các cuộc tranh sắc tranh ngôi.

Nhưng hỡi ôi, kể cả cuộc thi nhan sắc được coi là đình đám và có uy tín nhất Việt Nam hiện nay là Hoa hậu Việt Nam, nơi hội tụ được nhiều gương mặt đẹp nhất đất Việt mà trong suốt 20 năm qua BTC và Hội đồng Giám khảo vẫn mỏi mắt tìm chưa thấy một người con gái tài sắc vẹn toàn, hòng đại diện cho sắc đẹp Việt Nam tỉ thí trên các đấu trường sắc đẹp quốc tế.

Những câu chuyện hậu trường

Gần tới đêm chung kết, dù đã có những gương mặt là ứng viên cho ngôi hoa hậu, song chưa hề có người đẹp nào thực sự chinh phục được những ai có mặt theo dõi cuộc thi.

Cô có hình thể đẹp thì kém ứng xử, người có chiều cao, kiến thức và hứa hẹn một tương lai xứng tầm hoa hậu thì lòng khòng, gù gù, thiếu dáng dấp uyển chuyển của một mỹ nữ; người ứng xử tốt, đi đứng khoan thai thì… làm điệu có phần thái quá…

Nhiều câu chuyện hậu trường đã kịp “truyền miệng” nhau tại đất Hội An làm dân tình phải bật cười. Một trong những người đẹp được coi là sáng giá nhất bởi số đo hình thể và khuôn mặt “bắt” sân khấu, lên hình rất có chiều sâu, khi nhận được câu hỏi: “Vì sao em không đi thi đại học?” đã đáp lại: “Vì em không tin là mình sẽ đỗ”.

VnE11
Dù đã có những gương mặt là ứng viên cho ngôi hoa hậu, song chưa hề có người đẹp nào thực sự chinh phục được những ai có mặt theo dõi cuộc thi (ảnh: VnExpress)

Cũng cô gái đó, một phóng viên ảnh kể: “Khi tôi đề nghị chụp hình, em hỏi tôi ở báo nào, tại sao lại chụp hình em. Tôi giải thích rằng tôi ở đâu và tôi chụp em vì bây giờ, em là một trong 30 người đẹp đại diện cho phụ nữ đẹp cả nước tham dự cuộc thi Hoa hậu, em là người của công chúng... Mỏi mồm! Tưởng em đồng ý, ai ngờ, em bảo: Không, em mệt lắm! Và thế là em nằm ườn ra. Hic!”.

Anh phóng viên ảnh đó cho rằng, số đo và vẻ đẹp hình thể quan trọng hơn. Vì đến lúc này, không “nặn” lại con người ta được nữa. Còn ứng xử có “lởm khởm” một chút thì có thể “nắn” lại được. Nhưng liệu “con người ta” có “nắn” lại bản chất và thói quen ứng xử của mình trong một thời gian ngắn được không? Chỉ có thể chờ đợi một "phép màu" trong đêm chung kết.

Cũng cuộc thi này năm trước, khi trải qua các phần thi phụ, vương miện dường như đã có chủ. Bởi bên cạnh những lời ì xèo về cách xử sự trẻ con và thiếu chiều sâu của Mai Phương Thuý, người ta thấy bật lên ở cô chiều cao, sự thông minh và một người đẹp có tri thức, có “bằng cấp” và vốn ngoại ngữ ổn.

Chính bởi thế, cho tới đêm tổng duyệt, khi nhìn Thuý như… cò hương nhảy nhót trên sân khấu, nhà thơ Dương Kỳ Anh, TBT báo Tiền phong, Trưởng BTC cuộc thi đã rời bàn danh dự, đi xuống trước sân khấu và ngồi bệt trên bệ xi măng của khán đài đảo Hòn Tre thở dài.

Ông nói: “Thế mới hiểu vì sao trong truyện cổ, người xưa phải nhờ gương thần đi miệt mài khắp nhân gian để tìm ra người đẹp. Thật khó quá!”. Nhưng rồi, vương miện vẫn trao cho Thuý, bởi cô là người xứng đáng nhất của cuộc thi.

Bên cạnh những lời ì xèo về cách xử sự trẻ con và thiếu chiều sâu của Mai Phương Thuý, người ta thấy bật lên ở cô chiều cao, sự thông minh và một người đẹp có tri thức (ảnh: Ngôi Sao)

Trông người lại ngẫm đến ta

Cho tới thời nay, gương thần chỉ là truyện cổ và người ta có những “lò” để tạo nên người đẹp. Vì sao cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ được đón xem và ca tụng, được người người tôn vinh là cuộc thi danh giá nhất thế giới? Đó có phải là một cuộc thi của công nghệ?

Và vì sao Riyo Mori được nhận ngôi Hoa hậu Hoàn vũ 2007 trong sự ngạc nhiên mà vẫn khiến mọi người phải tâm phục khẩu phục? Vì sao trong cả rừng người đẹp chợp ngợp, Dayana Mendoza của vương quốc Hoa hậu Venezuela đã bật sáng, lấn át những người đẹp cùng là ứng cử viên sáng giá trong cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2008 và giành vương miện danh giá trong sự cổ vũ nhiệt thành của khán giả?

Có nhiều lý giải, nhưng hãy học ở họ sự chuyên nghiệp, sự đầu tư kỹ càng và có chiều sâu ngay khi đặt mục tiêu tham dự vào cuộc thi nhan sắc chuyên nghiệp hàng đầu thế giới này.

Không nói tới những người đẹp tham dự cuộc thi nhờ vào may mắn và ngẫu hứng thì những người đẹp đoạt giải kể trên đã phải bỏ công sức và thời gian rất nhiều trước khi đăng ký tham dự.

Qua các nguồn thông tin về các người đẹp có thể dễ thấy, ngoài việc luyện tập miệt mài để có sức khoẻ dẻo dai, các số đo hình thể chuẩn và nắm chắc nội dung cũng như những quy định khắt khe của cuộc thi, các người đẹp còn phải trang bị nguồn kiến thức chắc, đặc biệt là kiến thức về ngoại ngữ và những ứng xử chung về đời sống.

Trong khi đó, nhìn lại các cuộc thi nhan sắc của nước ta, nếu các người đẹp giành vương miện không phải trong vội vàng, qua quít thì cũng chẳng mấy người đủ sức theo một cuộc thi dài hơi.

VTC
Bao giờ công nghệ đào tạo hoa hậu chuyên nghiệp mới có ở Việt Nam?

Mọi so sánh sẽ là khập khiễng, nhưng người dân Hội An sẽ vô cùng chán ngán khi ngắm nhìn những gương mặt mệt mỏi, những cái ngáp dài che miệng và những vết phấn bị trôi trên gương mặt người đẹp trong Hoa hậu Việt Nam 2008 lúc đi ra phố.

Trước đó, họ vừa mới háo hức xem những người đẹp rực rỡ, lôi cuốn bởi sự khoẻ khoắn tươi vui và không khí rầm rập của cuộc thi Hoa hậu hoàn vũ 2008 vừa đi qua.

Thay cho lời kết của bài viết, tôi muốn trích dẫn câu của một nhiếp ảnh trẻ, nói rằng: “Có mất công theo sát các cuộc thi nhan sắc trong nước, mới thực sự thấy “thèm” có được một người đẹp xứng tầm để mà ca tụng và săn đuổi”.

Theo Thục Nhi