Đà Nẵng đối thoại để kêu gọi, tiếp lửa nhân tài trẻ
Các Website khác - 28/08/2005

(VietNamNet) - Lần đầu tiên diễn ra cuộc đối thoại trực tiếp giữa Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND Đà Nẵng với hơn 500 sinh viên tốt nghiệp đại học loại khá, giỏi được tiếp nhận về công tác tại TP, các đối tượng thuộc diện tiếp nhận theo chính sách thu hút nhân tài.

Soạn: AM 530531 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng đối thoại với cán bộ trẻ

Thiếu cán bộ trẻ hay lãnh đạo chưa quan tâm?

Theo Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh, đây là dịp để lãnh đạo TP lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, giải đáp vướng mắc của cán bộ trẻ và thông tin về một số chủ trương, chính sách của TP.

Câu hỏi đầu tiên của Nguyễn Văn Quốc (Quận uỷ Hải Châu) được ông Thanh xem là “hóc búa dữ”: “Cái khó nhất trong công tác cán bộ hiện nay ở Đà Nẵng là gì?”.

Ông Thanh đáp: “Cái khó nhất trong công tác cán bộ của TP cũng nằm trong cái khó chung của cả nước. Đó là làm sao để đánh giá đúng về năng lực, phẩm chất của cán bộ. Có đánh giá đúng thì mới bố trí, sử dụng, đề bạt đúng. Hệ thống đánh giá cán bộ của ta cũng chưa chuẩn, chưa khoa học lắm đâu. Riêng với Đà Nẵng không như Hà Nội, TP.HCM vốn có nhiều thuận lợi, lương bổng cao. Về với Đà Nẵng, việc đầu tiên là thấy thu nhập không cao lắm nên cũng chưa hấp dẫn được cán bộ có tài năng!”.

Lê Cảnh Dương (Sở Ngoại vụ Đà Nẵng) tiếp lời: “Năm 29 tuổi, ông đã là Tỉnh uỷ viên. Tuy nhiên, qua hơn 8 năm trở thành TP trực thuộc TƯ và 2 kỳ đại hội Đảng mà Đà Nẵng vẫn chưa có Thành uỷ viên nào dưới 40 tuổi. Có phải cán bộ trẻ hiện nay chưa đủ tầm hay lãnh đạo TP chưa đặt nhiều niềm tin vào cán bộ trẻ như ở thời của ông?”.

Sau gần 1 phút trầm ngâm, ông Thanh chậm rãi trả lời: “Qua 8 năm mà cấp uỷ không chọn được cán bộ dưới 30 - 40 tuổi, khuyết điểm đó trước hết thuộc về lãnh đạo TP, tôi cũng có phần trách nhiệm. Các bạn xem có những gương mặt nào trẻ, xuất sắc mà lãnh đạo phát hiện không kịp thì tiến cử. Với cương vị Bí thư Thành uỷ, tôi trăn trở rất nhiều và đang cùng với tập thể lãnh đạo TP tìm mọi cách để phát hiện cán bộ trẻ, nhưng qua mấy phiên họp tiểu ban nhân sự mà vẫn chưa tìm ra ai dưới 40. Đề nghị các bạn hỗ trợ phát hiện thêm!”.

Soạn: AM 530533 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Cán bộ trẻ Đà Nẵng đặt caâ hỏi với Bí thư Thành uỷ

Cán bộ Nhà nước đàng hoàng thì không đủ sống?

Nguyễn Thị Như Tuyết (Sở Tài chính Đà Nẵng) đầy vẻ xúc động: “Hiện giá cả tăng cao, xăng tăng lên 10.000 đồng/lít, trong khi thu nhập của đa số cán bộ trẻ còn thấp, chỗ ở không ổn định nên nhiều người có xu hướng rời cơ quan Nhà nước để chuyển sang công ty liên doanh, công ty nước ngoài hoặc vào TP.HCM tìm cơ hội tốt hơn. Từ đó có quan niệm rằng, cán bộ trẻ hiện nay không có lập trường tư tưởng vững vàng. Ông nghĩ như thế nào về vấn đề này và sắp tới TP sẽ có chính sách nào tích cực hơn để khắc phục tình trạng trên?”.

Ông Thanh cười: “Xăng tăng giá trên toàn quốc chứ có riêng ở Đà Nẵng đâu? Mới xăng tăng giá mà đã đòi bỏ đi TP.HCM thì lập trường như thế làm sao gọi là vững vàng được? Đã quyết tâm về chung tay góp sức xây dựng TP thì xăng lên 10 nghìn chứ 15 nghìn cũng phải tiếp tục chiến đấu. Trước hết phải như thế cái đã. Có những cái không tính bằng tiền được đâu mà rất cần tấm lòng.

Về phía TP, trước những khó khăn của cán bộ trẻ, sáng nay tôi đã hội ý với Chủ tịch UBND TP và thống nhất từ tháng 9/2005, sinh viên tốt nghiệp loại khá được thu hút về làm việc ở Đà Nẵng sẽ được hỗ trợ thêm 200.000 đồng/tháng, số tốt nghiệp loại giỏi được hỗ trợ 400.000 đồng/tháng”. Cả hội trường rần rần tiếng vỗ tay.

Bất ngờ ông Thanh quay sang bà Như Tuyết: “Bức xúc nhất hiện nay của em là cần một chỗ ở riêng, một căn hộ chung cư phải không? Cô sẽ được giải quyết trong tuần tới. Sẽ có chung cư”. Như Tuyết không kìm nỗi xúc động, bật lên: “Cám ơn Bí thư rất nhiều ạ”. Hội trường lại rần rần tiếng vỗ tay.

Ông Thanh giải thích, cách đây 1 tuần, ông được phản ảnh về trường hợp cô cán bộ trẻ tốt nghiệp loại giỏi này và cũng biết một số đơn vị ở TP.HCM đang muốn mời cô đi nên ông rất chú ý. Đây cũng là một trong 3 trường hợp được ông Thanh giải quyết nguyện vọng cụ thể ngay tại chỗ, từ chỗ ở đến học hành nâng cao trình độ...

Ông Thanh cũng cho biết, sinh viên giỏi được tiếp nhận làm việc tại Đà Nẵng đạt hiệu quả cao, có hoàn cảnh đặt biệt thì sẽ được giải quyết căn hộ chung cư trong năm 2005, đến năm tới sẽ giải quyết chỗ ở, hộ khẩu cho toàn bộ sinh viên khá, giỏi được tiếp nhận. Đồng thời ông khẳng định, từ năm 2006, sẽ luân chuyển cán bộ trẻ từ quận huyện, xã phường lên tuyến trên và từ TP xuống tuyến dưới chứ không ở yên một chỗ. “Xuống dưới đó để tiếp xúc với dân chúng, để biết cái khó cái khổ của cơ sở, sau này lên làm lãnh đạo ở tuyến trên thì không lạc hậu với tình hình bên dưới!” - ông Thanh nói.

Một bạn gái đứng dậy ngấn nước mắt: “Tôi tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm năm 2004 loại khá nhưng không đậu biên chế vì không thuộc diện ưu tiên, hợp đồng cũng không có người quen nên không xin được. Trường Hoà Tiến còn thiếu giáo viên, thầy hiệu trưởng bảo tôi xuống Sở xin hợp đồng trước để Sở phân về, nhưng xuống tới nơi thì không ai tiếp nhận hồ sơ của tôi cả. Nên đến bây giờ tôi vẫn chưa có việc làm...”. Ông Thanh bảo ngay: “Thôi được rồi, nội dung rứa tôi biết rồi”. Và ông ghi vào sổ!

Tuy nhiên với ý kiến của anh Hoàng Sơn Trà (Văn phòng UBND TP) cho rằng đàng hoàng, lương thiện thì không đủ sống nên có cán bộ trẻ phải dính vào tiêu cực thì ông Thanh bác ngay: “Đúng là hiện nay có mâu thuẫn như vậy, nhưng đừng nghĩ làm Nhà nước thì không có cách kiếm sống đàng hoàng. Anh rủ thêm vài anh giỏi giỏi nữa nghiên cứu đề tài đóng góp, hiến kế cho TP. Ngoài tiền lương, anh nhận thêm tiền cho đề tài nghiên cứu thì đó là tiền đàng hoàng... Còn nhận tiền bất hợp pháp thì dù cha đau, mẹ ốm... cũng phải xử lý. Không thể vin vào hoàn cảnh để làm chuyện đó. Hoàn thành nhiệm vụ được giao rồi, tranh thủ ngoài giờ, ngày nghỉ để làm thêm thì vẫn là cán bộ Nhà nước đàng hoàng!”.

Soạn: AM 530535 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Ông Nguyễn Bá Thanh tặng 2 cuốn nhật ký để tiếp lửa cho cán bộ trẻ

Tiếp lửa “Tuổi 20” cho cán bộ trẻ

Nhân Nguyễn Công Tiến (Sở Ngoại vụ Đà Nẵng) hỏi ông Thanh đã đọc “Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm" và “Mãi mãi tuổi 20” của Nguyễn Văn Thạc chưa, ông hỏi lại: “Các bạn ở đây ai đã đọc hai cuốn sách đó?”. Không nhiều lắm những cánh tay đưa lên. “Tôi đã đọc hai cuốn sách đó - ông Thanh nói - “Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm” đọc hai đêm, tới 3 giờ sáng. “Mãi mãi tuổi 20” thì chỉ trong một đêm. Vậy mà nhiều bạn trẻ ở đây vẫn chưa đọc. Cho nên tôi trích tiền cá nhân mua tặng mỗi bạn ở đây 2 cuốn sách đó”. Các cán bộ trẻ Đà Nẵng đồng loạt vỗ tay hồi lâu.

Rõ ràng là so với thế hệ trước thì thế hệ bây giờ thông minh hơn, nhanh nhẹn hơn, trình độ hơn, tri thức được cập nhật nhiều hơn, nhưng... hình như lửa ít hơn (giọng ông trầm xuống). Tại sao? Một là lãnh đạo chưa khơi dậy một cách nghiêm túc, đầy đủ, đầy trách nhiệm cho lửa tiếp tục cháy. Bên cạnh đó, bản thân từng người cũng quá lo lắng cho phần của mình nên lửa nguội dần, thậm chí có anh tắt lửa luôn, làm sao thổi bùng lên được?

Đã có 42 câu hỏi được ông Nguyễn Bá Thanh trả lời qua gần 2 tiếng rưỡi đồng hồ, cho thấy không khí sôi động thật sự của cuộc đối thoại. Lời cuối cùng, ông nhắn nhủ các cán bộ trẻ phải luôn tự rèn luyện, giữ cho được ngọn lửa nhiệt tình; phải có bản lĩnh, dẫu gặp khó khăn thì cũng không được nản chí; phải tập thích ứng với hoàn cảnh để cống hiến, để không rơi vào dao động, đứng núi này trông núi nọ và nhất là sống phải có hoài bão làm cho đất nước, dân tộc mình ngẩng mặt lên với thiên hạ, ngày càng giàu có, văn minh hiện đại hơn. Rồi ông nhắc lại mấy câu thơ của Tố Hữu: “Và vạn anh hùng trên gió mây. Và nghìn thế hệ tới sau đây. Đang nhìn ta đó, đi đi bạn. Cất nhẹ thân lên những phút này!”...

  • Hải Châu