Đề án dạy nghề, giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện, với thành phố Hồ Chí Minh vẫn rất cần thiết
Các Website khác - 24/05/2008
Trong phiên thảo luận tại tổ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng chống ma túy và nên hay không chấm dứt thực hiện Nghị quyết 16 của Quốc hội về thí điểm tổ chức dạy nghề, giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện, có hai luồng ý kiến trái chiều nhau được đưa ra. Các đại biểu của thành phố Hồ Chí Minh đều muốn tiếp tục thực hiện đề án, trong khi những đại biểu khác đều muốn kết thúc vì “lãng phí”.

Đường Huyền Trân Công Chúa trước đây từng là nơi chích hút của con nghiện rất nhầy nhụa, nay đã trong lành
Trong buổi thảo luận, đại diện Ủy ban Tư pháp, Ủy ban Dân nguyện, Ủy ban về các vấn đề xã hội, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, các đại biểu Hà Nội, Bình Dương... đều nêu ra những hạn chế của việc thực hiện đề án, như: tập trung quản lý sau cai nghiện như thành phố Hồ Chí Minh tốn kém, giải quyết việc làm chưa tương xứng với số tiền bỏ ra, tỉ lệ người tái nghiện chưa được đánh giá chính xác, mô hình chỉ phù hợp với địa phương “giàu có”... Nên hầu hết đều ủng hộ quan điểm cho ngưng thực hiện đề án. Tuy nhiên, tất cả các đại biểu của thành phố Hồ Chí Minh, những người đã “vào sinh ra tử” với chương trình phòng chống tội phạm của thành phố trong nhiều năm qua và có thể ví chính người “ở trong chăn” nên hiểu rõ thực trạng của thành phố, đều đề nghị được tiếp tục thực hiện đề án. Nếu không, hình ảnh về tệ nạn ma túy nói riêng và các loại tệ nạn, tội phạm khác hết sức tệ hại lại tái diễn tại thành phố.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết phân tích: “Trước đây, có gia đình nửa đêm gọi công an dậy đưa con họ đi cai nghiện. Sau năm năm thực hiện thí điểm đề án, trong khi tội phạm cả nước tăng 10%, nhưng ở thành phố lại giảm 10%. Tội phạm về ma túy giảm mạnh, hạn chế được sự lây lan của ma túy, đảm bảo an ninh trật tự. Ngoài ra nó còn mang ý nghĩa nhân văn sâu xa”. Đại biểu Huỳnh Thành Lập nêu thực trạng trước đây của thành phố: “Thời điểm 1996 - 2001, người dân thành phố rùng mình vì công viên, vỉa hè, nhà vệ sinh công cộng đều có kim tiêm. Phụ huynh, gia đình lo lắng vì không biết ma túy xâm nhập vào con em họ lúc nào. Người nghiện đưa đi cai về hôm trước, hôm sau đã tái nghiện. Nay, sau năm năm thực hiện đề án, thành phố Hồ Chí Minh đã giảm hẳn các loại tội phạm, các địa bàn, điểm đen về ma túy đã được chuyển hóa. Số tiền thành phố chi ra không phải là lãng phí như một vài ý kiến được”.

Cùng quan điểm, đại biểu Trần Đông A nói: “Số tiền hơn 1.200 tỷ mà thành phố bỏ ra sao có thể xem là lãng phí được. Bỏ chừng ấy tiền để đánh đổi cho sự bình yên, sự phát triển của thành phố, thu hút được du khách, là một sự đầu tư cần thiết”.

Một lớp học nghề tại Trung tâm Phú Văn
Ủng hộ quan điểm của thành phố Hồ Chí Minh, đại biểu Nguyễn Thị Kim Ngân (Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) nêu: “Thực hiện đề án thời gian qua đã tiết kiệm cho xã hội hàng ngàn tỉ đồng. Nếu tính bình quân một người nghiện một ngày sử dụng 50.000 đồng ma túy, thì mỗi năm, riêng thành phố Hồ Chí Minh đã đỡ tiêu tốn 3.000 tỉ đồng rồi. Hàng ngàn người trong độ tuổi lao động được chữa trị, học nghề, hàng ngàn gia đình có người nghiện không bị vướng vào các tệ nạn xã hội khác, vi phạm pháp luật, thoát cảnh chia ly, nghèo khó”. Ông Lê Thành Tâm, Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh, nêu quan điểm: “Thành phố mong muốn đề án được luật hóa để thực hiện. Như thế sẽ tốt cho cả thành phố, cả nước, tốt cho toàn xã hội”.

Đã đến lúc, những người có trách nhiệm nên nhìn nhận vấn đề theo đặc thù của thành phố Hồ Chí Minh về vấn đề này. Không thể nêu thực trạng thực hiện đề án, từ các địa phương khác chỉ với khoảng 1.000 người nghiện để đánh đồng với thành phố Hồ Chí Minh. Càng không nên “vạch lá” một vài khiếm khuyết của quá trình thực hiện đề án mà không nhìn nhận những kết quả thiết thực mang lại cho thành phố trong năm năm qua. Nếu ai đã từng chứng kiến hình ảnh thành phố vào thời điểm trước năm 2001 sẽ rất dễ hiểu. Lúc đó, người nghiện có thể nói là ngồi vật vờ, chích hút tràn lan, từ công viên, đường phố, đầu hang ngõ hẻm, nghĩa địa, bến xe... Thời điểm đó, thành phố bắt đầu thực hiện chương trình mục tiêu “ba giảm”, được nhân dân thành phố đồng tình ủng hộ và hưởng ứng rất cao. Báo CATP lúc đó mở hẳn chuyên mục các điểm đen về ma túy, hàng ngày đều tiếp nhận hàng trăm cuộc gọi điện thoại, thư từ, cũng như bạn đọc trực tiếp đến tòa soạn cung cấp thông tin về hàng trăm tụ điểm chích hút, mua bán ma túy. Chuyên mục về tệ nạn ma túy ấy đã “sống rất khỏe mạnh” suốt năm năm trời với hàng trăm bài báo. Nhưng rồi, quá trình thành phố thực hiện đồng loạt các chương trình, trong đó có đề án tập trung dạy nghề sau cai nghiện đã đẩy lùi hẳn tình trạng trên. Chuyên mục về ma túy trên Báo CATP vì thế cũng ngừng lại. Có thể nói, những ai ở thành phố đều cảm nhận được hai hình ảnh về tệ nạn ma túy trước và nay tại thành phố. Hẳn ai “ở trong chăn” mới biết “chăn có rận”.
T.T.S