Đô thị mới Thủ Thiêm chậm triển khai vì giải tỏa
Các Website khác - 26/08/2005

TP HCM đã chọn năm 2005 khởi công xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm, một đô thị hiện đại mang tầm cỡ quốc tế. Tuy nhiên đến nay đã gần hết quý III nhưng dự án này vẫn chưa thể động thổ vì còn vướng đền bù và giải tỏa.

Dự án đô thị mới Thủ Thiêm là nội dung được chú ý nhất trong buổi làm việc của đoàn kiểm tra số 1 tại quận 2 ngày 25/8. Theo UBND quận, khu đô thị mới Thủ Thiêm được quy hoạch với tổng diện tích 930 ha (trong đó có 160 ha là các khu tái định cư cho khoảng 12.000 dân), được tiến hành giải phóng mặt bằng từ năm 2002. Đến nay, sau gần 4 năm mới chỉ thu hồi được gần 320 ha. Theo UBND quận 12, nguyên nhân chính là dự án cứ kéo dài làm tiền đền bù của năm sau lại cao hơn năm trước, người dân không đồng tình với mức cũ nữa nên không chịu di dời, giao mặt bằng.

Tại phường Bình An, dự án trung tâm Khu đô thị mới Thủ Thiêm chiếm diện tích chưa đến 13 ha với 812 hộ dân, 2 trường học, 4 cơ quan và 4 công ty. Từ khi tiến hành giải phóng mặt bằng đến nay mới chỉ có 4 hộ nhận đền bù

Không riêng gì dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, một số dự án lớn khác của quận 2 như cầu Phú Mỹ (dự tính khởi công năm 2005), Công viên chân cầu Sài Gòn, đường vành đai phía Đông, đường vào Khu Công nghiệp Cát Lái... và 9 dự án về nhà ở khác cũng chưa thể giải quyết dứt điểm công tác đền bù, giải tỏa. Vì vậy, quận 2 được xem là một trong những quận có nhiều dự án chậm triển khai nhất.

Giải thích nguyên nhân gây ra những vướng mắc trên, ông Hà Phước Tài, Chủ tịch UBND quận 2 cho biết, nếu tính từ khi triển khai dự án thì giá đất đã tăng gấp 2, 3 lần mà giá bồi thường vẫn cứ áp theo giá cũ nên đa số người dân không đồng ý. Trưởng đoàn kiểm tra số 1 của Bộ Tài nguyên - Môi trường, Nguyễn Khải cho rằng, nếu mức giá như vậy là quá thấp thì quận nên kiến nghị lên thành phố để điều chỉnh lại, tránh gây thiệt hại cho người dân đồng thời giúp cho các dự án nhanh chóng triển khai.

Người dân Sóc Sơn gửi đơn khiếu nại tới đoàn.

Ngày 26/8, đoàn kiểm tra số 2 làm việc với UBND huyện Sóc Sơn (Hà Nội) và thực địa tình hình thực hiện Luật Đất đai tại xã Minh Trí - khu vực khá nổi tiếng trong giới bất động sản về tình hình mua bán đất trang trại. Ông Trần Đức Hoàn cho biết, do hơn nửa cán bộ phòng địa chính cũ của huyện đang bị truy tố về tội làm sổ đỏ giả nên huyện phải điều động toàn bộ nhân sự mới nên không tránh khỏi những thiếu sót. Sóc Sơn có tới 9 xã diện tích chủ yếu là đồi núi, đất thổ cư nông thôn trải qua nhiều thế hệ nên việc cấp sổ đỏ rất phức tạp. Hiện giấy chứng nhận quyền sử dụng đất huyện đã ký xong nhưng các hộ dân chưa nhận vì không có khả năng thực hiện nghĩa vụ tài chính. Theo ông Hoàn, do phần lớn là dân nghèo, Sóc Sơn lại thuộc địa phận Hà Nội nên khung giá đất của thành phố nhiều nơi cao hơn giá trị thực tế gây khó khăn cho người dân khi thực hiện nghĩa vụ tài chính khi giao đất giãn dân nông thôn. Ngược lại ở ven các trục đường giao thông khu đô thị lại thấp hơn so với giá thực tế gây khs khăn cho đền bù giải phóng mặt bằng.

Ông Hoàn đề nghị, thành phố sớm hướng dẫn thực hiện việ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp. Thực tế, người dân nghèo gắn bó vài chục năm với lâm trường nhưng do quy định ở Sóc Sơn chỉ có rừng phòng hộ, đặc dụng nên họ không được làm sổ đỏ, không có quyền thế chấp hay cầm cố gì.

Việt Hòa - Phong Lan