"Tha" các vụ lấn chiếm đất công do... lịch sử!
Các Website khác - 26/08/2005

(VietNamNet) - Giải đáp các than phiền về lấn chiếm đất công ở phường Tứ Liên, quận Tây Hồ (Hà Nội), Thứ trưởng Đặng Hùng Võ cho biết: Theo Luật Đất đai, các trường hợp lấn chiếm đất công trước 15/10/1993 hiện không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch là đất ở vẫn được công nhận và cấp "sổ đỏ".

Soạn: AM 529315 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Quận Tây Hồ, TP Hà Nội.
Trong buổi làm việc của Đoàn kiểm tra thi hành luật đất đai số 2 (Bộ TN&MT) tại phường tứ Liên, quận Tây Hồ (25/8), một người dân sống lâu năm tại phường Tứ Liên cho biết, trước đây phường Tứ Liên rất nhiều đất nhưng giờ chẳng còn bao nhiêu do nạn lấn chiếm và mua bán trao tay. Đến mức hiện nay phường muốn xây nhà trẻ, trạm y tế, trường học cũng không sẵn đất mà làm!

Ông Trần Ngọc Lưu, Bí thư Chi bộ cụm 5, phườngTứ Liên, quận Tây Hồ than, từ năm 2000, san lấp ao, lấn chiếm đất công trở thành ''phong trào'' do một số trường hợp lấn chiếm không xử lý kịp dẫn đến các trường hợp khác cứ thế lấn tới. Trong khi việc san lấp diễn ra không phải trong chốc lát nhưng hàng tháng sau chính quyền mới họp để... làm rõ nguồn gốc đất, sau đó mới bàn tiếp biện pháp xử lý! Vậy trách nhiệm của cơ quan quản lý ở đâu?”. Ông Lưu ''bức xúc''.

Chủ tịch UBND phường Tứ Liên Nguyễn Hữu Chân cũng thừa nhận tình trạng lấn chiếm đất công tràn lan trên địa bàn phường nhưng ông này cho rằng tất cả là tồn tại lịch sử. “Nhiều vi phạm diễn ra từ năm 1995 khi chưa thành lập phường. Có nơi giờ đã thành khu dân cư nên rất khó xử lý dứt điểm”. Đây là nguyên nhân dẫn đến thiệt hại về vật chất và còn dẫn đến các vụ khiếu nại tố cáo kéo dài do quá trình xử lý nảy sinh nhiều sai phạm và tiêu cực.

Đoàn kiểm tra số 2 cũng phân tích, lấn chiếm đất công là hiện tượng khá phổ biến ở Việt Nam do các cơ quan quản lý lơ là, buông lỏng và không đáp ứng được nhu cầu nhà ở, đất ở của nhân dân nên vi phạm trở thành tràn lan.

Trước bức xúc của dân, Thứ trưởng Bộ TN&MT Đặng Hùng Võ cho biết, Luật Đất đai mới đã “tha” cho một số trường hợp lấn chiếm. Chẳng hạn, nếu đất có nguồn gốc lấn chiếm trước 15/10/1993 hiện không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch là đất ở thì vẫn được công nhận và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nếu Nhà nước thu hồi sẽ được đền bù như mọi trường hợp khác. Đối với đất lấn chiếm từ 15/10/1993 đến trước ngày 1/7/2004, cũng sẽ được hợp thức nếu phù hợp quy hoạch nhưng sẽ phải đóng tiền sử dụng đất khi là “sổ đỏ''.

Thứ trưởng Võ nhấn mạnh, những trường hợp lấn chiếm sau ngày 1/7/2004 phải được xử lý kiên quyết. Trách nhiệm này thuộc về chính quyền địa phương, các địa phương cứ thi hành đúng pháp luật đất đai đã ban hành.

  • Kiều Minh

Ý kiến của bạn: