Doanh nghiệp kiện Quản lý Thị trường Vĩnh Long phạt... ẩu
Các Website khác - 13/10/2005

(VietNamNet) - Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Vĩnh Long đứng trước nguy cơ hầu kiện vì lý do niêm phong, xử phạt "ẩu" gây thiệt hại cho doanh nghiệp.

Niêm phong vài chục chiếc xe mang cả chục nhãn hiệu khác nhau suốt cả tháng trời mà không cho doanh nghiệp (DN) biết số xe này vi phạm hay không? Nghi cả chục loại xe máy “vi phạm sở hữu công nghiệp” nhưng chỉ đưa 3 loại đi giám định và lấy kết quả của 3 loại này áp đặt, xử phạt những xe khác… chính là cách hành xử của QLTT Vĩnh Long khiến không ít DN kinh doanh xe gắn máy tại tỉnh này bất bình

Cứ nghi là... niêm phong!?

Điển hình tại cơ sở bán xe máy Tình Lập Hải (xã Tân An Thạnh, huyện Bình Minh) ngày 6/9/2005 bị QLTT kiểm tra, niêm phong 40 xe máy. Ông chủ Nguyễn Thanh Hải cho biết: “Bình thường cửa hàng bán được 2 - 5 xe máy, còn nay chỉ được 1 - 2 xe vì người dân đến mua, thấy cả dãy xe bị dán niêm phong của QLTT khách hàng lại cho là DN “buôn gian, bán lậu” và bỏ đi mua chỗ khác. Đã gần một tháng, nhưng QLTT vẫn chưa trả lời về số phận những chiếc xe bị tạm giữ, niêm phong?!

Soạn: AM 583307 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Dãy xe bị niêm phong, DN gần như "tê liệt"

Tương tự, ông Nguyễn Thanh Hải, chủ cửa hàng kinh doanh xe gắn máy Hồng Đức (số 84, Nguyễn Huệ, Phường 2, thị xã Vĩnh Long) cũng đang “khốn khổ” sau vụ “hỏi thăm” của đội QLTT Vĩnh Long. Ông Minh nhớ lại “Đang bán hàng, tự nhiên thấy xe ôtô xịch đỗ ngoài cửa, mấy cán bộ QLTT chưa bước xuống thì 1 người đàn ông mặc quần áo dân sự chen lên, xộc thẳng vào nhà và chỉ dãy xe máy đang bày bán, miệng hô: “Xe này, xe này vi phạm. Niêm phong ngay!”. Trước sự “chỉ đạo” của người đàn ông, QLTT thản nhiên niêm phong, lập biên bản các xe bị “nghi vi phạm” mà không đếm xỉa đến lời trình bày của gia chủ…

Soạn: AM 583315 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Mẫu niêm phong xe gắn máy của QLTT Vĩnh Long

Còn bà Cao Thị Tuyết Hồng, chủ cơ sở bán xe gắn máy ở số nhà 84A, 84B, Nguyễn Huệ, thị xã Vĩnh Long dẫn chúng tôi vào nhà chứng kiến hàng chục chiếc xe máy dựng xiêu vẹo, bụi phủ kín, dán giấy niêm phong và thở dài: “Đúng sai chưa biết nhưng lô xe này coi như bỏ đi. Thiệt hại gần trăm triệu, chỉ còn nước đi… ăn mày!”.

QLTT Vĩnh Long: “Bắt nhầm còn hơn bỏ sót”?

Ông Phạm Tứ Phương, Chi cục phó QLTT lý giải căn cứ xử lý các sản phẩm “nghi vi phạm” bằng văn bản số 1863/SHTT-TTKN (30/9/2005) của Cục SHTT do Phó Cục trưởng Hoàng Văn Tân ký.

Đây là công văn là trả lời văn bản số 149/ĐN.QLTT (6/9/2005) và tài liệu gửi kèm của QLTT “yêu cầu thẩm định việc xâm phạm quyền SHCN đối với các kiểu dáng công nghiệp đang được bảo hộ”. Nội dung đề cập đến 2 loại xe máy mang nhãn hiệu “HALIM” , “SUFAT” và 1 “mẫu xe màu đỏ không nhãn hiệu”. Theo đó, 3 loại xe này “xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (SHCN) đối với kiểu dáng” do có một số chi tiết “không khác biệt với kiểu dáng tương ứng xe máy đang được bảo hộ”…

Khi chúng tôi thắc mắc vì sao chỉ trưng cầu 3 mẫu xe, trong khi có gần chục mẫu xe bị niêm phong vì “nghi vi phạm”, ông Phương giải thích: “Quan trọng là kiểu dáng có giống hay không chứ tên, thương hiệu không thành vấn đề!?”

Soạn: AM 583319 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Chủ cửa hàng Tình Lập Hải: "Bao giờ chúng tôi hết bị "hành"?

Liệt kê một số nhãn hiệu xe máy (HONGCIN, NOBLE, WARM, SWEET, BESTFARY…) đang bị niêm phong tại đại lý Tình Lập Hải và đặt câu hỏi với đại diện QLTT Vĩnh Long: “Tại sao không đưa chi tiết nghi vi phạm của tất cả các nhãn hiệu xe này đi giám định?”, cán bộ ở đây cho biết: Những loại xe này giống kiểu dáng của xe Wave Alpha đã được bảo hộ sở hữu độc quyền nhưng tùy hãng mà mang những tên khác nhau. Trong quá trình kiểm tra, sau khi lên kế hoạch, QLTT đã họp nhiều ngành, sau đó liên hệ với Văn phòng Luật sư Phạm và liên danh (đại diện Công ty Hon da Việt Nam) để họ xuống, đứng ra chủ trì việc nhận định. Trong quá trình kiểm tra, nếu đại diện Honda nhận định sản phẩm vi phạm, QLTT sẽ niêm phong, chụp ảnh, làm văn bản gửi Cục SHTT (thông qua Văn phòng Luật sư Phạm và liên danh) xem có vi phạm kiểu dáng hay không. Có kết luận của Cục SHTT, QLTT Vĩnh Long mới tiến hành xử lý…

T&T sẽ kiện QLTT Vĩnh Long!?

Ngày 7/10/2005, Tổng giám đốc (TGĐ) Công ty T&T Đỗ Quang Hiển (trụ sở đóng tại Hà Nội) gửi đơn tới ông Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho rằng: “Thương hiệu xe máy MAJESTY, FANLIM, GUIDA, NOBLE… do T&T sản xuất, lắp ráp cũng đã được Cục Sở hữu công nghiệp xác nhận, bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa và kiểu dáng công nghiệp.

Soạn: AM 583321 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Mẫu xe đăng ký độc quyền của T&T

“Căn cứ theo xác nhận của Cục SHTT thì xe máy do T&T sản xuất không vi phạm kiểu dáng công nghiệp” “Công văn 1863 chỉ nêu xe máy nhãn hiệu HALIM và SUFAT vi phạm kiểu dáng công nghiệp, nên không thể… “chụp mũ” xe NOBLE vi phạm để ra quyết định xử phạt hành chính” – ông Hiển bức xúc.

Ông Hiển cho rằng: “QLTT Vĩnh Long đã làm trái luật bởi đã không hiểu hoặc cố tình không hiểu thế nào là kiểu dáng công nghiệp, thế nào là vi phạm sở hữu công nghiệp”, ông đề nghị: “Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long cần hủy bỏ ngay quyết định xử phạt hành chính, gỡ bỏ niêm phong toàn bộ số xe của T&T nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, đồng thời tránh tổn thất, thiệt hại không đáng có về kinh tế cũng như uy tín của T&T và đại lý”.

Cuối cùng ông Hiển nói sẽ kiện QLTT Vĩnh Long ra Tòa nếu các quyết định xử phạt vẫn được áp dụng, gây thiệt hại cho DN?

Nhiều DN ở tỉnh Ninh Thuận cũng “kêu trời” vì bị hành?

Trao đổi với P.V VietNamNet, ông Lê Quang Duyệt - Chi Cục trưởng QLTT Ninh Thuận cho biết trong thời gian qua, QLTT Ninh Thuận đã kiểm tra 6 điểm buôn bán xe gắn máy trên địa bàn, phát hiện 2 điểm vi phạm về kiểu dáng công nghiệp.

“Thực ra QLTT không biết cái nào là hàng nhái, cái nào là hàng thật mà nhờ phía công ty Phạm và liên danh chỉ giúp..Ngay cả việc lấy mẫu giám định và gửi mẫu ra Cục Sở hữu trí tuệ QLTT cũng giao cho công ty này thực hiện… Việc này cốt để cho nhanh, hạn chế làm mất thời gian, phiền DN?” ông Duyệt nói.

Khi chúng tôi đặt câu hỏi: Đặt giả thiết phía Phạm và liên danh thay đổi nội dung mẫu giám định (thay hình ảnh xe chẳng hạn), trách nhiệm sẽ thuộc về ai? Ông Duyệt thừa nhận “nếu xảy ra sai sót, trách nhiệm thuộc về cơ quan QLTT và cá nhân tôi” (?!)

  • Thái Thiện - Hoàng Long