Loại hình giải trí hấp dẫn
Sức hấp dẫn của trò chơi trực tuyến (game online) là cho phép người chơi hóa thân vào một thế giới ảo, nhập vai các nhân vật cùng nhiều người chơi khác trên mạng. Những trò chơi trực tuyến như MU, Thế giới diệu kỳ, PrisonTale đã khá quen thuộc và thu hút người chơi ở Việt Nam. Nhưng gần đây, phong trào trở nên rầm rộ hơn với sự xuất hiện của một loạt game mới, cụ thể là Võ lâm truyền kỳ. Trò chơi này có các nhân vật tung hoành với những tính cách, phương thức hành xử và nội dung giống như tiểu thuyết kiếm hiệp của nhà văn Kim Dung, giúp người chơi thỏa mãn trí tưởng tượng và thực hiện được ý tưởng trong một thế giới ảo do công nghệ game tạo ra. Nó có sức mê hoặc khó cưỡng lại với nhiều người. Khi được đưa ra thị trường, nó chiếm ngay vị trí đầu bảng.
Theo báo cáo của thanh tra Bộ Văn hóa - Thông tin, năm 2005, Võ lâm truyền kỳ đã tạo ra số lượng người chơi game tăng đột biến,từ 500 nghìn người lên hơn 800 nghìn người và đến nay số người chơi tiếp tục tăng mạnh, chủ yếu là giới trẻ, tuổi từ 14 đến 25. Nhiều "con nghiện" của trò chơi trực tuyến có thể "ngồi thiền" trước màn hình máy tính và đắm chìm trong thế giới ảo suốt hàng giờ, thậm chí cả ngày.
Từ chỗ chỉ là loại hình giải trí, giúp người xem tiêu khiển và thư giãn, sự phát triển của trò chơi trực tuyến đang đặt ra nhiều vấn đề trong công tác quản lý, gây tác động tiêu cực đến xã hội và quá trình giáo dục, hình thành nhân cách ở những người trẻ tuổi, bởi sự đam mê thái quá trò chơi này sẽ dẫn đến các lệch lạc trong nhận thức về cuộc sống. Nhiều người "nghiền" game đã bỏ làm, bỏ học để "đốt tiền" vào các cuộc chơi thâu đêm, suốt sáng. Bên cạnh sự lãng phí thời gian, tiền của, đam mê trò chơi trực tuyến còn ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Kết quả nghiên cứu cho thấy, người nghiện game online hay có triệu chứng bất thường về thần kinh như hung hăng, cáu gắt, bẳn tính, tâm thần không ổn định và thường lẫn lộn cảm giác giữa cái tôi thực tế và cái tôi ảo, bị ám ảnh bởi thế giới game online, giảm sút khả năng làm việc và kiểm soát bản thân, thường có tâm trạng bồn chồn, nóng ruột.
Nhiều vấn nạn từ việc "luyện công" của các con nghiện game online đã được báo chí các nước lên tiếng, như việc một số người bị chết và đột quỵ tại Hàn Quốc, Trung Quốc, do ngồi chơi liên tục, rồi các vụ án mạng ở Ðài Loan bởi những ảo giác bạo lực từ game online, v.v. Ở nước ta, gần đây nhất là vụ bắt một băng cướp nhí ở TP Hồ Chí Minh, mà động cơ phạm tội của chúng là nhằm có tiền thỏa mãn "cơn ghiền game". Một vụ việc đáng báo động khác là "game thủ" Triệu Quốc Cường, ở hẻm 73, đường Hùng Vương, TP Hồ Chí Minh, bị đột quỵ bởi chơi game quá lâu.
Sự say mê "game online" thái quá không những gây tổn hại sức lực, tinh thần, cản trở giáo dục, làm xao nhãng trách nhiệm với gia đình, xã hội ở những người trẻ tuổi mà còn làm họ xa rời truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc. Việc các doanh nghiệp tổ chức quảng bá rầm rộ trò chơi trực tuyến thông qua thi đấu game và đại hội game, với sự tham gia của nhiều diễn viên, ca sĩ, đã góp phần cổ động cho "giới nghiện game" phát triển, làm các bậc phụ huynh và nhà trường mất phương hướng trong giáo dục con, em, bởi họ tưởng rằng trò chơi trực tuyến được Nhà nước cổ động, khuyến khích. Bên cạnh đó, một loại thị trường bất hợp pháp giữa các "game thủ" và các "công ty ảo" cũng đang hình thành, mà ở đó, những tay chơi chuyên nghiệp kiếm tiền qua việc sử dụng các mánh khóe gian lận để kiếm lời trong buôn bán đồ vật ảo và "lính đánh thuê", giúp tăng "công lực" cho những người khả năng chơi quá thấp. Sự phát triển của thị trường này vì mục đích lợi nhuận đang kéo theo những hệ lụy đáng lo ngại về mặt xã hội đối với giới trẻ.
Những việc cần làm ngay
Thời gian tới, dự kiến ngành công nghiệp trò chơi trực tuyến của Việt Nam tăng trưởng cao, đòi hỏi các cơ quan nhà nước tăng cường quản lý để hạn chế tác hại. Việt Nam hiện chưa có văn bản pháp luật nào để kiểm soát vấn đề này. Thông tư 08 của Bộ Văn hóa - Thông tin chỉ kiểm soát trò chơi trên đĩa điện tử, còn Thông tư liên tịch quản lý dịch vụ internet công cộng không đề cập trò chơi trực tuyến.
Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa - Thông tin Phan An Sa cho rằng: "Khi mở rộng dịch vụ trò chơi trực tuyến, cần đặt lợi ích của toàn xã hội lên trên lợi ích kinh tế của một bộ phận doanh nghiệp. Nói cách khác, kinh doanh trong lĩnh vực văn hóa - thông tin thì ngoài mục đích lợi nhuận, nhất thiết phải bảo đảm hiệu quả xã hội và trong mọi trường hợp, phải đặt hiệu quả xã hội lên trên. Cần coi đây là tư tưởng chỉ đạo trong việc điều hành về kinh doanh, quản lý đối với game online trong những năm tới". Ở các nước có trình độ kinh tế, xã hội phát triển, tác hại của việc buông lỏng quản lý internet và trò chơi trực tuyến đã được cảnh báo. Chính phủ các nước đó đã áp dụng những biện pháp quản lý kiên quyết, ngăn chặn tối đa tác hại của trò chơi trực tuyến, nhằm phục vụ một chiến lược giáo dục, phát triển toàn diện, lâu dài.
Trước vấn đề bức xúc nêu trên, thanh tra Bộ Văn hóa - Thông tin đã có nhiều kiến nghị, Bộ Văn hóa - Thông tin và Chính phủ nhanh chóng thực hiện một số biện pháp. Trước hết, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền tác hại và mặt trái của trò chơi trực tuyến; giáo dục, nâng cao nhận thức trách nhiệm của gia đình, nhà trường, đoàn thể và của thanh niên, thiếu niên trong việc khai thác internet một cách hữu ích, biết cân bằng các nhu cầu sinh hoạt với hoạt động giải trí từ internet. Cần khuyến khích thanh niên tham gia vào hoạt động xã hội và những loại hình giải trí lành mạnh khác. Các cửa hàng kinh doanh không được phục vụ khách vị thành niên, không để khách chơi game quá lâu, hoặc mở cửa kinh doanh qua đêm. Ngành văn hóa - thông tin cần phối hợp các ngành hữu quan áp dụng những biện pháp kỹ thuật, quy định quản lý chặt chẽ, gắn trách nhiệm của nhà cung cấp dịch vụ và các chủ hộ kinh doanh cung cấp trò chơi trực tuyến như: cài đặt phần mềm máy chủ cho phép một tài khoản chỉ được chơi liên tục không quá ba giờ. Nếu vượt quá quy định, thì những "nhân vật" trong trò chơi sẽ mất đi năng lực và sức mạnh; cứ tiếp tục quá giờ, các công cụ điều khiển bị treo không hoạt động, tài khoản sẽ bị khóa và sau 24 giờ mới mở lại. Cần hạn chế việc quảng bá trò chơi trực tuyến, mở đại hội "game thủ" và tăng cường quản lý việc chơi game và dịch vụ kinh doanh trò chơi trực tuyến. Bộ Văn hóa - Thông tin nên khẩn trương xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật quản lý trò chơi trực tuyến; đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực này; đồng thời khuyến khích các nhà cung cấp dịch vụ nghiên cứu những trò chơi trực tuyến mang bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc, phù hợp định hướng giáo dục và chiến lược phát triển công nghệ thông tin của đất nước.
|