Trong cơn say hai người đàn ông nhất trí đổi vợ cho nhau, một người đàn bà theo “chồng mới” đi biệt tăm để lại 4 con nhỏ. Kết cục là hai người chồng chết vì ma men, hai đứa con gái chết vì ma túy.
Sống cùng xã nhưng khác làng, Nguyễn Ngọc (những nhân vật trong bài đã được đổi tên) sinh năm 1959, còn Nguyễn Đình sinh năm 1960.
Nhà Nguyễn Ngọc khấm khá hơn, bố từng là cán bộ cao cấp trong Quân đội. Ngọc và Đình quen thân nhau từ sân bóng chuyền của xã P huyện Hương Sơn - Hà Tĩnh.
Đổi vợ đẹp lấy ti vi…
Nhà Ngọc có chiếc máy thu hình sớm nhất vùng, mỗi dịp có bóng đá là nhiều người tụ họp đến xem, cổ vũ và cá cược cho vui. Có lần Đình đưa theo vợ mình tên là Nguyễn Thị Lợi đến nhà Ngọc.
Vợ Đình rất xinh, lấy chồng từ hồi mới 17 tuổi, 18 tuổi sinh con đầu lòng. Bước sang tuổi 27-28 dẫu đã có 4 con nhưng da thịt của Lợi cứ phơi phới, má ửng hồng và mắt vẫn long lanh.
Trận bóng hôm ấy Ngọc ít nhìn lên màn hình mà rất chăm liếc sang phía vợ Đình. Vừa xem bóng vừa khề khà rượu, trong cơn say Ngọc líu ríu nói với Đình: “Nhà mi... chưa có ti vi mà mi lại nghiện bóng đá... có muốn thì tau đổi cho?”.
Cũng đang trong cơn say, Đình hỏi lại: “Anh đổi ti vi lấy cái chi?”. Ngọc nhìn sang Lợi tình tứ nói: “Tau đổi hết tất cả. Cho mi sử dụng cả hai nhà với cái ti vi và vợ tau nữa... còn tau thì chỉ cần có em Lợi”. Trong cơn say Đình gật gù đồng ý bắt tay ngay.
Chuyện tưởng đùa, vì sau bữa rượu ai về nhà nấy. Nhưng những hôm tiếp theo người làng thường thấy Ngọc và Lợi đèo nhau lên phố huyện, họ ăn nói rất tình tứ với nhau.
Rồi một hôm Lợi để 4 đứa con nhỏ lại cho chồng còn Ngọc để 3 đứa lại cho vợ, hai anh chị bắt xe đi biệt tăm chẳng biết đến phương trời nào. Khi bị Ngọc dẫn vợ mình đi rồi, ở nhà vì buồn phiền, không người chăm sóc con cái, Đình đâm ra nát rượu thêm.
Trước cảnh bị chồng phụ bạc bỏ rơi, Liên - vợ Ngọc ở nhà buồn tình cũng chấp nhận sống với Đình như vợ chồng nhưng ai ở nhà nấy.
Chuyện diễn ra được vài năm, thấy cứ kéo dài cảnh này mãi không ổn, người anh trai của Liên ở Đắk Lắk về đưa em gái và 3 cháu vào sinh cơ lập nghiệp. Đình ở nhà buồn tình đành phải cưới thêm một vợ khác.
Biết tin Đình đã có vợ mới, chắc là chẳng đòi lại người xưa, Ngọc quyết định đưa Lợi về quê sinh sống.
Hai con gái lĩnh hậu quả
Hai đứa con gái đầu của Lợi, khi mẹ bỏ nhà đi thì đứa mới 9 tuổi, đứa vừa lên 10 được bà ngoại đón về nuôi. Dẫu xa bàn tay của mẹ nhưng các cháu vẫn lớn lên khỏe mạnh.
Khi đứa em bước sang tuổi 14 và người chị vào tuổi trăng tròn, hai chị em thuộc diện xinh gái nhất vùng. Và tai họa giáng xuống đầu các cháu cũng vì sắc đẹp trời ban phát lộ quá sớm.
Dạo ấy vì dính vào một vụ làm ăn phi pháp, Đình bị đưa đi cải tạo, mọi việc nhà đều nhờ một người anh ruột chăm lo.
Một lần có người từ TPHCM về quê chơi, thấy bé Nguyệt quá xinh, chị ta đến gặp người bác ruột của cháu đề nghị cho phép được đưa cháu vào giúp việc và bán hàng. Nhưng rồi Nguyệt bị gửi vào một hộp đêm.
Với sắc đẹp mặn nồng, Nguyệt không thể cưỡng nổi sự tấn công của những kẻ sành ăn chơi lắm tiền nơi phố xá. Khi nhận được tin em dính vào ma túy, ở nhà không yên thế là Nga liều một phen vào chăm sóc nuôi dưỡng em.
Đến cuối năm 2003, khi đưa em lên giàn hỏa thiêu mang lọ tro về Hương Sơn cho mẹ thì chính Nga cũng đã dính vào ma túy. Cái tổ ấm quen thuộc ngày xưa của gia đình không còn.
Mẹ Nga bây giờ đã trong vòng tay của một người đàn ông khác. Bố Nga hiện đang sống với người đàn bà thứ hai, khi Nga quay về cũng đã thành người xa lạ.
Biết mình không còn nơi nương náu tại quê nhà, Nga buộc phải quay lại đất Sài Gòn để chờ ngày ra đi. Người ta đã đưa cô bé khốn khổ về Trung tâm Giáo dưỡng điều trị và Giải quyết việc làm số 3 tại xã An Ninh, huyện Thụ Giáo, tỉnh Bình Dương.
Sống ở Trung tâm, Nga biết rằng mình cũng sẽ đi tiếp con đường tang thương mà người em gái đã bị đẩy vào. Khi em chết được hỏa thiêu còn có chị đến nhận lọ tro hài cốt đưa về cho mẹ. Đến lượt mình... thì lọ tro ấy có ai đến mang về cho gia đình?
Đầu mùa Xuân 2005, Nga quyết định viết một bức thư gửi mẹ, nói lời trăng trối cuối cùng: “Mẹ ơi, dù sống được một quãng đời rất ngắn ngủi nhưng con cũng đủ thời gian để sắp xếp cái chết một cách êm đẹp và lặng lẽ.
Trước khi chờ ngày phải lìa xa cõi đời, con thương mẹ và các em lắm... Cho con gửi lời xin lỗi cả nhà... Con nhờ mẹ hãy chuyển lời của con đến với Huy... nói với Huy hãy tha lỗi cho con, nếu đã thương con thì hãy sớm xây dựng gia đình.
Hãy yêu thương người con gái ấy nhiều hơn. Kiếp này con không có duyên được đón nhận tình yêu của anh ấy, khi con nhận ra sự thật thì mọi việc đã quá muộn rồi. Kiếp sau con nguyện gặp lại anh ấy để xây dựng ân tình này...”.
Cuối thư Nga còn gói lại một câu: “Nhưng mẹ ơi nếu bây giờ con tìm về quê để nhìn mặt mẹ và các em lần cuối thì mẹ có cho phép không?”.
Và rồi Nga có trốn trại lần về quê. Sau mấy ngày đường chui lủi trên một chuyến xe đò ra Hà Tĩnh, Nga đã về đến nhà thân tàn ma dại. Nga bò vào thềm trong đêm khuya mà không dám gọi mẹ và em.
Sáng dậy, chị Lợi hốt hoảng thấy một hình người ngồi bên góc thềm với đôi mắt trắng dã. Nếu không có tiếng gọi “mẹ ơi” cất lên từ miệng của một hình hài da bọc xương thì chị Lợi không biết đó là đứa con gái đầu lòng của mình.
Lúc này chị Nguyễn Thị Lợi đã gánh trên vai mình quá nhiều nỗi đau. Đứa con gái thứ hai đã chết. Anh Đình, chồng cũ thì bục dạ dày đột tử vì rượu.
Anh Ngọc cũng vì rượu đã qua đời do bị tai nạn giao thông. Tai họa, đau thương chồng chất, chị đã phải gồng mình lên để lo toan cho 3 đứa con còn nhỏ, lại thêm nỗi đau trước tình cảnh bi đát của đứa con gái đầu lòng. Chị đành che một góc phía sau nhà giấu Nga vào đó để chăm sóc cháu những ngày cuối đời.
Chuyện cháu Nga bị HIV tìm về quê đã lọt ra ngoài. Làng xóm ái ngại nhưng vẫn cảm thương đến thăm hỏi. Nhìn một tấm thân da bọc xương ngồi ở xó nhà không ai tin được đó là Nga khỏe mạnh xinh đẹp năm nào.
Mấy tháng sau, chúng tôi tìm đến gặp Nga, cô nói: “Bây giờ cháu đã lên được mấy ký rồi...”. Nga ôn lại quãng đời ấu thơ khi mẹ bỏ đi mấy chị em phải sống vật vờ, tôi nghe mà lòng nặng trĩu, đành nói cô đừng kể nữa.
Nga đưa ra một tập giấy viết tay tố cáo một người trong họ vì hám tiền đã đẩy em ruột mình vào con đường nghiện ngập dẫn đến cái chết, để cô lao đao theo em dẫn đến nông nỗi này.
Gia đình đưa ra tấm ảnh Nga chụp năm 18 tuổi, nhìn người qua hình và người ở trước mặt mới sau có 3 năm mà như là cảnh thiên đường với địa ngục.
Nghe Nga nói về quá trình chuẩn bị cho cái chết mà ai cũng lạnh cả người. Chẳng biết khuyên can người con gái tội nghiệp ấy điều gì, tôi đành gửi cho cháu một ít tiền giúp chi phí khoản tàu xe vào lại trại cai nghiện.
Mấy hôm sau chị Lợi đưa Nga trở lại TPHCM. Khi tôi viết những dòng này thì hay tin Nga đã từ giã cõi đời.
Đọc những lá đơn tố cáo một người thân đã đẩy chị em cháu vào con đường chết, tôi không muốn tin và cũng chẳng dám tin.
Nhưng chẳng nhẽ lời nói của một người sắp từ giã cõi đời mà không có một chút nào là sự thật? Việc ấy, trách nhiệm là của những cơ quan có thẩm quyền.
Võ Minh Châu (Tiền Phong)
▪ HN, Đà Nẵng, TP.HCM: Nhiều phụ gia nguy hiểm trong thức ăn (30/11/2005)
▪ Huyện Kiến Thụy, Hải Phòng tiêu hủy toàn bộ đàn thủy cầm (30/11/2005)
▪ Thủ tướng Phan Văn Khải tiếp Chủ tịch Uỷ ban Kinh tế Nhật - Việt Oka. Motoyuki (30/11/2005)
▪ Lĩnh vực địa chính nhà đất đứng đầu về tham nhũng (29/11/2005)
▪ Từ 1/12 thu hồi máy bắn tốc độ không ghi hình (30/11/2005)
▪ Chạy trốn... mùi thối (30/11/2005)
▪ Tăng 40-60% giá vé ô tô trong dịp Tết (30/11/2005)
▪ Đêm 3/12 miền Bắc sẽ trở rét (30/11/2005)
▪ Thị trường xe máy Hà Nội 'nín thở' chờ HĐND họp (30/11/2005)
▪ Cuộc hội ngộ ở Tiên Ðiền (29/11/2005)