Theo số liệu của Sở Nội vụ Khánh Hòa, trong nhiệm kỳ 1999 - 2004, ở cấp xã, phường, thị trấn (gọi tắt là cơ sở), toàn tỉnh có 2.706 cán bộ trong định biên, hưởng chế độ sinh hoạt phí theo quy định của Chính phủ. Có tính chất nòng cốt là thế, nhưng trong số nói trên, tỷ lệ cán bộ chưa đủ chuẩn chiếm khá cao.
Cụ thể, có đến 1.141 cán bộ có trình độ văn hóa tiểu học, THCS, chiếm 42,17%. So với chuẩn tốt nghiệp THPT thì có tới 1.771 người chưa đủ chuẩn, chiếm đến 63,2%. Về trình độ chuyên môn, nếu tính theo chuẩn trung cấp thì có 2.247 người, tính theo chuẩn sơ cấp cũng đến 1.984 người chưa đủ chuẩn. Tương tự, về trình độ quản lý Nhà nước, lý luận chính trị, tin học... con số cán bộ chưa đủ chuẩn cũng không nhỏ. Ðến nay, tỉnh vẫn phải chấp nhận một tỷ lệ nhất định cán bộ chưa đạt chuẩn trong đội ngũ ở cơ sở. Do đó, ở một số địa phương, bộ máy chính quyền ở cơ sở chưa thật sự đáp ứng được yêu cầu công việc.
Trong khi đó, hằng năm, lượng sinh viên, học sinh (SVHS) của Khánh Hòa tốt nghiệp từ các trường đại học, cao đẳng, trung học (ÐH, CÐ, TH) chưa tìm được việc làm không ít. Ðây là lực lượng trẻ, khỏe, phần lớn có trình độ, có năng lực và thiết tha mong muốn có một chỗ làm việc.
Từ thực tế nói trên, nhằm tăng cường nguồn lực cho UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, năm 2002, tỉnh Khánh Hòa tổ chức thử nghiệm đưa SVHS vừa tốt nghiệp các trường ÐH, CÐ, TH về công tác tại cơ sở. Ðợt I-2002, tỉnh Khánh Hòa đưa 116 SVHS tình nguyện về cơ sở. Qua thực tế, nhận thấy bước đầu có hiệu quả. Ðến tháng 8-2005, tỉnh đưa tiếp 67 SVHS về cơ sở.
Khó khăn ban đầu
Ông Lê Xuân Hạnh, giám đốc Sở Nội vụ Khánh Hòa cho biết: Ðây là công việc mới mẻ. Cho nên phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Trước hết, Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh xây dựng quy chế tạm thời về quản lý sử dụng SVHS tốt nghiệp ÐH, CÐ, TH tình nguyện công tác ở cơ sở; quy định tạm thời về mức sinh hoạt phí và các chế độ khác. Bên cạnh việc đầu tư xây dựng hệ thống văn bản pháp quy, Sở Nội vụ phối hợp Trường Chính trị tỉnh tổ chức bồi dưỡng một số kiến thức cơ bản về nhà nước, quản lý nhà nước, một số nghiệp vụ về kỹ năng hành chính... nhằm giúp SVHS nhanh chóng hình dung và nắm bắt công việc ở cơ sở.
Ðược trang bị như thế nhưng bước đầu tiếp cận công việc cụ thể ở cơ sở, nhiều SVHS tỏ ra lúng túng. Công việc theo định hướng, không chỉ có đơn thuần tác nghiệp trên lĩnh vực được giao, SVHS còn phải đầu tư, suy nghĩ để tham mưu cho chính quyền địa phương một số công việc quan trọng. Ðiều đó đòi hỏi SVHS phải công phu trong việc thâm nhập thực tế, điều tra, khảo sát, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng người dân địa phương. Ðây được coi là cây cầu sát hạch khá khắc nghiệt. Những SVHS thật sự có trình độ, năng lực, tâm huyết với công việc ở cơ sở nhanh chóng có "chỗ đứng". Ngược lại, một số SVHS lúc đầu xác định công tác lâu dài tại cơ sở nhưng sau đó phải bỏ cuộc.
Nguyên nhân không trụ được, theo Sở Nội vụ Khánh Hòa, do SVHS không vượt qua được những khó khăn ban đầu (về điều kiện sinh hoạt, làm việc...), hoặc do không chịu được cảm giác là "người thừa" khi không được cơ sở tạo điều kiện thuận lợi để hòa nhập, phát huy năng lực. Có một số địa phương "ngại" SVHS tình nguyện, vì sợ bị lấn lướt, sợ bị thế chỗ do SVHS có trình độ cao hơn mình. Từ đó, ít quan tâm giúp đỡ, hoặc bố trí công việc không phù hợp, làm cho SVHS không phát huy được khả năng. Ngoài ra, một số nơi chưa thật sự coi SVHS là lực lượng cán bộ của mình, xuất phát từ tư tưởng bảo thủ, cục bộ địa phương.
Những bước chuyển
Khó khăn ban đầu là thế, nhưng theo nhận xét, đánh giá của một số UBND xã, phường, thị trấn, trong tổng số 116 SVHS đợt năm 2002 về công tác cơ sở, có 105 SVHS hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được cơ sở tín nhiệm, người dân tin tưởng.
Trong đợt bầu cử đại biểu HÐND các cấp nhiệm kỳ 2004 - 2009, tuy mới nhận nhiệm vụ chưa đầy một năm nhưng đã có tám SVHS được giới thiệu ra ứng cử, và có đến bảy SVHS trúng cử. Trong số đó, có trường hợp đặc biệt là SVHS Nguyễn Ngọc Tiên. Từ chỗ là người chân ướt chân ráo ở nơi khác đến, SV Nguyễn Ngọc Tiên đã nhanh chóng được bầu làm đại biểu HÐND xã, rồi làm Phó Chủ tịch UBND xã. Bí thư Chi bộ xã Cam An Bắc Lê Tỉnh, nơi SV Nguyễn Ngọc Tiên công tác, cho biết: Xã luôn coi anh Tiên như con em ở chính địa phương mình, mạnh dạn giao việc. Buổi đầu mới về bỡ ngỡ, xã tạo điều kiện thuận lợi để anh tham gia các phong trào, tham gia họp giải quyết các vấn đề ở địa phương, sau đó, giao hẳn cho anh những công việc quan trọng. Có năng lực, nhiệt tình, tinh thần trách nhiệm cao, anh Tiên đã trưởng thành rất nhanh.
Nhiều việc làm của các SVHS được các địa phương đánh giá cao. Có thể thí dụ như: Ðiều tra, khảo sát thực tế để thực hiện có hiệu quả hơn các chương trình xóa đói, giảm nghèo, 132, 135; điều tra lập sổ bộ ngày công nghĩa vụ; nắm lại nguồn lực đất đai chưa sử dụng ở địa phương để đưa vào quy hoạch sử dụng; thực hiện hòa giải những tranh chấp ở cơ sở một cách hiệu quả... Cạnh đó, ngoài nhiệm vụ được phân công, SVHS còn tham gia khá nhiều các công việc của văn phòng UBND như soạn thảo văn bản hành chính, thống kê, tổng hợp, văn thư lưu trữ, luân chuyển và xử lý công văn đi, đến, hướng dẫn sử dụng máy vi tính... Nhờ đó, hoạt động văn phòng ở cơ sở ngày càng có chuyển biến tốt hơn.
Ðến nay, có 29 SVHS trở thành công chức, cán bộ chuyên trách ở cơ sở. Nhiều SVHS được kết nạp đảng; được học trung cấp chính trị, đại học hành chính, v.v.
Hướng mở
Cũng theo ông Lê Xuân Hạnh, kết quả bước đầu của việc đưa SVHS về công tác ở UBND các xã, phường, thị trấn đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của xã hội về việc sử dụng nguồn nhân lực của địa phương một cách đa dạng, phong phú. Ðây cũng là bước thử nghiệm việc tăng cường người có trình độ được đào tạo cơ bản về công tác ở cơ sở, không nhất thiết phải là người địa phương để chuẩn bị cho việc thực hiện chế độ công chức ở cơ sở. Ðây cũng là một trong những cơ sở vững chắc trong việc từng bước định hướng cho công tác đào tạo với mục tiêu hướng về cơ sở. Từ đó, tiến tới chấm dứt tình trạng tuyển rồi mới đưa đi đào tạo, vừa chắp vá, vừa tốn kém ngân sách mà chất lượng không đạt yêu cầu.
Hiện nay, tỉnh Khánh Hòa đang tiếp tục xây dựng chế độ, chính sách cho SVHS tình nguyện về cơ sở theo các quy định mới. Chủ trương chung là tạo điều kiện thuận lợi để SVHS yên tâm công tác.
|