Chúng tôi tìm đến nhà ông Đinh Jứt khi ông đang cho lũ gà ăn sau vườn. Nhìn vóc người tầm thước với cái khăn vắt ngang vai, tôi không thể tin được trước mắt mình là một ông cụ đã sống qua ba thế kỷ! Ông nhìn chúng tôi một hồi lâu khi biết chúng tôi từ miền xuôi lên, rồi cười hiền từ, chòm râu bạc cứ rung lên từng hồi. Ông ôm lấy tôi, tay nắm thật chặt như người ông gặp đứa cháu sau nhiều năm xa cách. Ông gật gù khi chúng tôi hỏi ông bao nhiêu tuổi: “À, ai gặp ta cũng hỏi cái này trước mà, tính đến hôm nay ta đã được 116 tuổi rồi đấy, sống nhiều càng thương cái lũ làng nhiều...”. Để chứng tỏ mình còn khỏe, ông vào nhà ôm ra một ché rượu cần to đùng để mời khách!
Là người dân tộc Ba Na, có lẽ không ai không biết cụ Đinh Jứt, người được tín nhiệm giữ chức già làng trong suốt 60 năm của làng Công Hoa anh dũng. Trong giấy tờ mà bok Đinh Jứt đưa tôi xem thì ông sinh năm 1890, là người bạn chiến đấu thân thiết nhất của anh hùng Núp trong những ngày kháng chiến chống Pháp. Cắm cần rượu vào ché một cách trịnh trọng, ông Đinh Jứt đứng lên làm lễ theo tục lệ của người Ba Na. Ông lẩm nhẩm khấn: “Hôm nay nhà có khách, nó là người của bok Hồ ở dưới xuôi lên, mong Giàng phù hộ cho các cháu được mạnh khỏe, làm ăn khấm khá...”.
Cụ Đinh Jứt khơi ngọn lửa bếp, ngọn lửa tý tách bùng lên, Bok Jứt nói: “Lửa cười đấy, lửa cười là lửa vui, năm nay sẽ no ấm đấy”. Khơi gợi lại chuyện ngày xưa đánh Pháp, cụ cười lớn: “Ối, mình được anh Núp giao cho đi làm hầm chông và bẫy đá. Làm xong rồi bỏ đi, thằng Tây mò vào thì chết thôi”.
Ngày trẻ, cụ Đinh Jứt là người có đôi chân khỏe nhất và là già làng có uy tín nhất Tây Nguyên. Ông đi khắp nơi, từ Gia Lai qua Đác Lắc rồi ngược lên Kon Tum, có khi vào tận Lâm Đồng để đi thăm, giúp đỡ đồng bào cùng sắc tộc, dạy họ cách canh tác, chọn giống, đi theo con đường của ông và anh hùng Núp đã đi. Nơi nào có người Ba Na, cho dù là một ngôi làng chỉ vài chục nóc nhà trong rừng sâu hay trên đỉnh những ngọn núi cao chót vót đều có dấu chân ông. Đã có hàng trăm trai tráng đi theo Fulro quay súng trở về với buôn làng theo tiếng gọi của Đinh Jứt.
Cụ Đinh Dom, phụ trách Mặt trận Tổ quốc của làng Công Hoa, tự hào nói về vị “thủ lĩnh” 116 tuổi của làng: “Công Hoa trở thành làng kiểu mẫu của Tây Nguyên cũng là do công của Đinh Jứt. Đi nhiều không chỉ giúp cho bà con Ba Na, mà Đinh Jứt đi đến đâu thấy điều gì lạ, hay có lợi cho làng là học bằng được rồi mang về áp dụng cho làng”. Nhưng bok Đinh Jứt nghe xong chỉ cười mà nói: “Muốn lũ làng nghe thì trước tiên mình phải làm. Ngày trước mình kêu người ta góp lúa nuôi du kích thì trước tiên mình phải góp cái đã. Mang hạt giống tốt về mình phải gieo và cho lũ làng thấy năng suất cao gấp đôi thì mới dám đưa ra cho bà con cùng làm”.
Như hồi bạo loạn xảy ra ở Tây Nguyên, Đinh Jứt lo lắm, vì sao những người anh em lại làm chuyện dại dột đến thế cho dù Công Hoa chẳng có một người nghe theo bọn xấu. Thế là Đinh Jứt lại lên đường. Ông đi khắp nơi, từ Ayun Pa, Chư Sê, Dak Đoa, Chư P’rông, Đức Cơ... để động viên bà con Ba Na không nghe theo bọn xấu. Nhiều nơi ông chỉ nói: “Tôi là bok Jứt ở Công Hoa đây!” là nhiều người đã nghe theo ông trở lại buôn làng. Nhiều người không biết ông, nhất là những người trẻ tuổi, nhưng cha mẹ của họ biết, ông bà của họ biết.
“Bok Jứt là già làng của các già làng và là bạn của bok Núp đấy. Ông ấy không bao giờ nói sai điều gì, nghe ông ấy đi!” - một người Ba Na ở Chư P’rông đã nói với tôi như vậy.
|