Thời gian gần đây, Ban chỉ đạo Chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại Trung ương (Ban chỉ đạo 127) cùng các bộ, ngành liên quan liên tục có những công văn yêu cầu triển khai các biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng. Tuy nhiên, tình trạng buôn bán hàng giả vẫn diễn biến rất phức tạp. Trước thực trạng đó, ngày 8/9, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện một số biện pháp cấp bách, đẩy mạnh hơn nữa công tác đấu tranh với nạn sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng. Gia tăng hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc... Theo số liệu thống kê của Chi cục quản lý thị trường Hà Nội, trong tháng 8, chi cục đã tiến hành kiểm tra 459 vụ, xử lý 397 vụ, trong đó có 67 vụ kinh doanh hàng lậu, hàng cấm; 19 vụ kinh doanh hàng giả, 190 vụ kinh doanh trái phép, 45 vụ vi phạm quy chế nhãn mác và 76 vụ vi phạm khác với tổng số tiền thu nộp ngân sách đạt gần 1,6 tỷ đồng. Trên thực tế, nhiều mặt hàng đã xuất hiện hàng giả, hàng kém chất lượng nhưng nhiều nhất vẫn là các loại rượu nhập lậu, bánh kẹo, thuốc lá, đồ gia dụng, thuốc tân dược... không có nguồn gốc xuất xứ, nhái thương hiệu của các doanh nghiệp nổi tiếng hoặc đã quá hạn sử dụng. Ngày 12/9, lực lượng liên ngành thành phố Hà Nội đã thu giữ một lượng lớn thuốc tân dược đang vận chuyển từ chợ đầu mối Ngọc Khánh chở đi các tỉnh tiêu thụ, qua kiểm tra 2 xe tải đã phát hiện có trên 200 thùng carton đựng thuốc, trong đó có rất nhiều thuốc không rõ nguồn gốc, hoá đơn chứng từ.
Ngày 5/9, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Công an, Sở Y tế Hà Nội kiểm tra tại 3 cơ sở sản xuất bánh kẹo trên địa bàn huyện Hoài Đức (Hà Nội), phát hiện và lập biên bản thu giữ 8.520kg kẹo mềm đã sản xuất có pha “bột đá”, 2.935kg “bột đá” chưa sử dụng (là phụ gia thực phẩm không có trong danh mục các nguyên liệu đã công bố tiêu chuẩn chất lượng và không đạt yêu cầu về độ tinh khiết trong chế biến thực phẩm). Trước đó, ngày 15/6 và 24/8, lực lượng phòng chống hàng giả, hàng kém chất lượng thành phố phát hiện thu giữ hàng chục nghìn gói bột canh giả mang nhãn hiệu bột canh Hải Châu, mì chính của hãng Ajinomoto. Điều nguy hại ở chỗ, các đối tượng vi phạm đều sử dụng các công cụ rất thô sơ, mất vệ sinh và các phụ gia thực phẩm không nguồn gốc, trôi nổi trên thị trường để tiến hành làm giả, lừa dối người tiêu dùng nhằm thu lợi bất chính... Nếu người mua không tinh ý, rất dễ mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng. Kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng ngày càng phức tạp Theo ghi nhận của phóng viên, ngay sau khi có chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành đẩy mạnh công tác phòng chống hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, tuy nhiên, ngay tại một số cửa khẩu biên giới, tình trạng vận chuyển, buôn bán hàng lậu, hàng giả vẫn ngang nhiên tái diễn. Thậm chí hàng được vận chuyển ngay trước mắt lực lượng hải quan, không hiểu vì yếu nghiệp vụ, ít nhân lực hay vì một lý do nào đó mà lực lượng này "phớt lờ" và... hàng lậu, hàng giả vẫn ngang nhiên "tung hoành". Theo ông Nguyễn Đăng Khoa, Đội phó Đội quản lý thị trường số 14, Chi cục quản lý thị trường Hà Nội cho biết, tình trạng kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng đang ngày càng phức tạp, với các biến tướng ngày càng tinh vi cho nên rất khó kiểm soát về chất lượng sản phẩm, xuất xứ hàng hóa. Rất nhiều trường hợp khi bị bắt giữ, kiểm tra cho thấy hàng hóa được sản xuất ở nước ngoài nhưng lại dán mã vạch của Việt Nam và tuồn vào thị trường trong nước tiêu thụ, điển hình như vụ bắt giữ 22.000 chai nước trà xanh C2, sản xuất tại Philippines. Ngoài ra, các mặt hàng mỹ phẩm nhập lậu thẩm thấu qua biên giới vào thị trường nội địa rất nhiều nhưng vẫn chưa được kiểm soát triệt để. Mặt hàng rượu lậu được nhập chủ yếu từ Trung Quốc và một số nước lân cận thì nay lại được làm giả ngay trong nước. Trước thực trạng trên, ông Vương Trí Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, chi cục đã chỉ đạo các đội quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, trên cơ sở đó ngăn chặn việc buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu. Đồng thời, tập trung vào các cơ sở sản xuất, gia công, lắp ráp... có dấu hiệu vi phạm các quy định của Nhà nước về sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm về đo lường, xuất xứ hàng hóa. Đẩy mạnh việc xử lý các vi phạm về quy chế ghi nhãn mác hàng hóa đối với các mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người như đồ ăn, đồ uống, rượu bia, nước giải khát, bánh mứt kẹo... Các vụ vi phạm mà các tang vật buôn lậu có trị giá từ 100 triệu đồng trở lên, hàng giả có trị giá từ 30 triệu đồng trở lên dự kiến sẽ bị khởi tố hình sự. Đây là điểm mới trong dự thảo Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi đầu cơ, găm hàng và đưa tin thất thiệt đang trình lên Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo Hồng Phú - Lệ Thủy |
▪ Cây cầu "nuốt người" (24/09/2008)
▪ Sơ tán dân tránh bão xong trước 18h tối 24/9 (24/09/2008)
▪ VN có thể có hơn 400.000 người nhiễm HIV/ AIDS vào 2010 (24/09/2008)
▪ Cô gái rơi từ tầng 4 khu đô thị (24/09/2008)
▪ Đâm xe vào lề đường, một sinh viên tử nạn (24/09/2008)
▪ Tréo ngoe trong chỉ đạo "vụ Ethanol E5"? (24/09/2008)
▪ Người dân vây DN vì nước axít xả thẳng ra sông! (24/09/2008)
▪ Công bố quyết định thu hồi đất tại 178 Nguyễn Lương Bằng để làm công viên cây xanh (24/09/2008)
▪ Công ty Takyung Vina ’thất hứa" trả lương, công nhân đình công (24/09/2008)
▪ Xăng dầu theo giá thị trường:Kiểm soát giá bán như thế nào? (23/09/2008)