Hội Nhà báo Việt Nam và các kỳ Ðại hội
Các Website khác - 13/08/2005
Như tin đã đưa, từ ngày 11 đến 13-8-2005, tại Hà Nội diễn ra Ðại hội lần thứ VIII Hội Nhà báo Việt Nam. Nhân dịp này, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu những nét chính về bảy kỳ đại hội trước.
Dưới chế độ thực dân Pháp, những người làm báo nước ta không có tổ chức nghề nghiệp. Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, từ đầu năm 1946, những người viết báo Việt Nam đã tập hợp lại trong Ðoàn báo chí Việt Nam. Ðây là tổ chức tiền thân của Hội Nhà báo Việt Nam ngày nay. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Ðoàn đổi tên thành: Ðoàn báo chí kháng chiến.

Trong điều kiện khó khăn của những ngày đầu kháng chiến, Ðoàn báo chí chưa có hoạt động gì đáng kể. Ðến tháng 4-1949, với sự giúp đỡ của Tổng bộ Việt Nam, Ðoàn báo chí kháng chiến đã mở được lớp đào tạo cán bộ viết báo mang tên :"Huỳnh Thúc Kháng" cho gần 60 học viên. Ðó là lớp học về báo chí đầu tiên trong lịch sử nước ta, nhằm đào tạo cán bộ cho phong trào báo chí đang phát triển mạnh mẽ.

Ðầu năm 1950, do yêu cầu của việc nâng cao vị trí của Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời cũng là yêu cầu nâng cao nghiệp vụ báo chí, Ðoàn báo chí kháng chiến được chấn chỉnh lại thành Hội những người viết báo Việt Nam.

Ðại hội lần thứ nhất (Ðại hội thành lập) Hội Nhà báo Việt Nam họp vào tháng 5-1950, tại chiến khu Việt Bắc. Ðại hội đại diện 185 hội viên cả nước ta thống nhất thông qua Ðiều lệ, bầu BCH Hội gồm mười nhà báo, do đồng chí Xuân Thủy làm Hội trưởng; các đồng chí: Hoàng Tùng, Ðỗ Ðức Dục làm Phó hội trưởng. Ðến ngày 2-6-1950, Chính phủ có quyết định chính thức công nhận Hội những người viết báo Việt Nam và sau đó Hội gia nhập Mặt trận Liên Việt.

Tháng 7-1950, Ðại hội lần thứ III Tổ chức quốc tế các Nhà báo (OIJ) họp ở Phần Lan, đã quyết định công nhận Hội những người viết báo Việt Nam là một thành viên chính thức của tổ chức này.

Ðại hội lần thứ II Hội những người viết báo Việt Nam có 123 đại biểu, đại diện hơn 700 người viết báo cả nước họp tại thủ đô Hà Nội trong hai ngày 16 và 17-2-1959. Ðại hội đã bầu BCH gồm 25 nhà báo, do đồng chí Xuân Thủy làm Chủ tịch. Các đồng chí: Hoàng Tùng, Huỳnh Văn Tiểng, Phùng Bảo Thạch làm Phó Chủ tịch.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí Trường-Chinh đã dự và nói chuyện với Ðại hội.

Ðại hội lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức tại Hà Nội trong hai ngày 7 và 8-9-1962, có 160 đại biểu chính thức, đại diện gần 1.500 nhà báo trong cả nước về dự. Ðại hội đã bầu BCH gồm 29 nhà báo, do đồng chí Hoàng Tùng làm Chủ tịch. Các đồng chí Phùng Bảo Thạch, Huỳnh Văn Tiểng làm Phó Chủ tịch.

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự và nói chuyện với Ðại hội.

Sau khi miền nam nước ta hoàn toàn giải phóng, ngày 7-7-1976, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị hợp nhất Hội Nhà báo Việt Nam và Hội Nhà báo yêu nước và dân chủ miền Nam thành một Hội với tên gọi: Hội Nhà báo Việt Nam.

Ðại hội lần thứ IV Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức tại Hà Nội trong ba ngày, từ ngày 8 đến ngày 10-12-1983. Về dự có 170 đại biểu, đại diện hơn 6.000 người làm công tác báo chí trong cả nước. Ðại hội đã bầu BCH Hội gồm 53 nhà báo, do đồng chí Hoàng Tùng làm Chủ tịch. Các đồng chí: Hồng Chương, Hồng Hà, Trần Lâm, Trần Công Mân, Thanh Nho, Ðào Tùng làm Phó Chủ tịch.

Ðồng chí Trường-Chinh, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước thay mặt T.Ư Ðảng và Nhà nước gửi thư tới Ðại hội.

Ðại hội lần thứ V Hội Nhà báo Việt Nam có 250 đại biểu, thay mặt hơn 6.200 hội viên và những người làm báo trong cả nước về dự. Ðại hội tiến hành tại Hà Nội từ ngày 16 đến 18-10-1989, bầu BCH gồm 39 nhà báo, do đồng chí Phan Quang làm Tổng thư ký.

Ðồng chí Ðỗ Mười, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, dự và phát biểu ý kiến.

Ðại hội lần thứ VI Hội Nhà báo Việt Nam tiến hành tại Hà Nội trong hai ngày: 8 và 9-3-1995. Có 330 đại biểu, đại diện 7.260 hội viên cả nước về dự. Ðại hội bầu BCH gồm 35 nhà báo, do đồng chí Phan Quang làm Chủ tịch.

Tổng Bí thư Ðỗ Mười đã dự và phát biểu ý kiến.

Ðại hội lần thứ VII Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức tại Hà Nội trong hai ngày 24 và 25-3-2000. Dự đại hội có 327 đại biểu đại diện hơn 8.000 hội viên từ khắp mọi miền đất nước, trong đó 301 đại biểu (92,05%) có trình độ đại học và trên đại học, 45 đại biểu là nữ, 12 đại biểu người dân tộc thiểu số. Ðại hội đã bầu BCH gồm 39 nhà báo, do đồng chí Hồng Vinh, Ủy viên T.Ư Ðảng làm Chủ tịch.

Thủ tướng Phan Văn Khải dự và phát biểu ý kiến.

Năm năm qua, từ Ðại hội VII đến nay, báo chí nước ta đã phát triển khá mạnh về số lượng, hình thành hệ thống thông tấn, báo chí, phát thanh, truyền hình rộng khắp. Cả nước hiện có hơn 500 cơ quan báo chí với hơn 700 ấn phẩm báo chí được xuất bản và phát hành rộng rãi trong cả nước. Thời lượng và diện phủ sóng của phát thanh và truyền hình tăng lên đáng kể (đến nay đã đạt hơn 90% về phát thanh và hơn 85% về truyền hình) và có các kênh riêng phục vụ thông tin đối ngoại và đồng bào người Việt định cư, sinh sống ở nước ngoài. Hệ thống đài, trạm phát thanh, truyền hình các khu vực, tỉnh, thành phố đến quận, huyện và các vùng dân cư quan trọng đã được hình thành. Công nghệ làm báo có bước tiến nhanh về nhiều mặt, kỹ thuật hiện đại về phát thanh, truyền hình đã giúp đưa nhanh âm thanh, hình ảnh có chất lượng cao đến với người nghe, người xem trên địa bàn rộng. Nước ta đã có 50 đơn vị báo điện tử và nhà cung cấp thông tin và 2.500 trang thông tin điện tử (Web) đang hoạt động. Ðến nay, cả nước có hơn 13 nghìn nhà báo chuyên nghiệp, trong đó số nhà báo có trình độ đại học và trên đại học chiếm 78%. Hội Nhà báo Việt Nam là thành viên Hiệp hội báo chí các nước ASEAN (CAJ) và Tổ chức quốc tế các nhà báo (OIJ).