Sáng 21/11, trong cuộc họp với đại diện của trên 70 tổ chức phi chính phủ, ông Vũ Xuân Hồng, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, đã kêu gọi quốc tế hỗ trợ khẩn cấp cho VN phòng chống dịch cúm. Việt Nam mong muốn nhận được ít nhất 50 triệu USD trong giai đoạn 2006-2007 để phòng chống cúm.
Ông Hồng nói: "Qua cuộc họp này, mong các bạn báo cáo gấp với tổng hành dinh về tình hình dịch cúm trên người và cúm trên gia cầm ở Việt Nam, những nhu cầu của Việt Nam để đối phó với dịch cúm. Thông qua mối quan hệ của các tổ chức phi chính phủ, hy vọng các bạn có thể liên hệ và kêu gọi các nhà tài trợ giúp đỡ Việt Nam".
Là ủy viên Ủy ban công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, ông Hồng cũng thẳng thắn nhìn nhận tình hình dịch cúm gia cầm ở Việt Nam là rất nghiêm trọng, trong khi khả năng của Chính phủ có hạn. "Vì thế, tôi kêu gọi các bạn hãy tự bảo vệ mình trước, bảo vệ gia đình và cơ quan của mình. Nếu Việt Nam có thể hỗ trợ về vấn đề gì thì mong nhận được sự đề xuất", ông nói.
![]() |
Nỗ lực bắt và tiêu hủy gia cầm trong vùng có nguy cơ cao. Ảnh: N.T. |
Chia sẻ khó khăn với Việt Nam, đại diện của nhiều tổ chức phi chính phủ cho biết, trước mắt các chương trình, dự án mà họ đang triển khai sẽ tập trung vào tuyên truyền về đại dịch cúm gia cầm, tập huấn cho cán bộ thú y cấp tỉnh, huyện và cơ sở về quản lý thông tin dịch bệnh, hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu vật nuôi, tạo thu nhập thay thế nguồn thu đã bị mất từ chăn nuôi gia cầm.
Cuộc họp cũng đi đến thống nhất sẽ thành lập một nhóm công tác chuyên trách gồm đại diện một số tổ chức phi chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Ủy ban công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, nhằm thúc đẩy và phối hợp viện trợ trong việc kiểm soát dịch cúm gia cầm và phòng chống virus H5N1.
Tuy nhiên, điều mong muốn nhất của Việt Nam là nhận được sự cam kết tài trợ về tài chính thì tại cuộc họp này lại không được các tổ chức phi chính phủ hứa hẹn. Trước đó, Việt Nam đã nhận được sự tài trợ 10 triệu USD từ các tổ chức quốc tế. Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bùi Bá Bổng, mong muốn của Việt Nam là nhận được ít nhất 50 triệu USD trong giai đoạn 2006-2007 và đến năm 2010, tổng số tiền cần hỗ trợ là 150 triệu USD.
Theo Bộ Y tế, Việt Nam đang ở giai đoạn thứ 3, tức là cận kề với ngưỡng cửa của đại dịch cúm lây từ người sang người. Nếu xảy ra đại dịch, Việt Nam sẽ có 8,2 triệu người mắc bệnh và 820.000 người có thể chết. Trong khi đó, các cơ sở điều trị của Việt Nam đang rất thiếu máy thở, thuốc kháng virus, trang bị bảo hộ cho nhân viên y tế. Việt Nam cũng đang thiếu các chuyên gia y tế về dịch tễ học, xét nghiệm, tập huấn cho cán bộ y tế dự phòng, điều trị.
Đại diện Cục Thú y, ông Đỗ Hữu Dũng, cho biết, Việt Nam đang cần sự hỗ trợ của quốc tế trong chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng chống bệnh cúm; cần trợ giúp để tập huấn cho thú y viên cơ sở về phát hiện, báo cáo dịch và có biện pháp can thiệp kịp thời. Việc hoạch định chiến lược ngành chăn nuôi, tiêu thụ và chế biến gia cầm, đặc biệt là việc ổn định đời sống những người chăn nuôi nhỏ bị ảnh hưởng bởi dịch cúm cũng rất cần sự tham mưu của các chuyên gia quốc tế dày dạn kinh nghiệm.
Như Trang
Theo dòng sự kiện: |
▪ Ở nước ta, dân chủ là mục tiêu, động lực phát triển (21/11/2005)
▪ Ngày hội Di sản văn hoá Việt Nam 2005 (21/11/2005)
▪ 'Người mẫu' quán nhậu (21/11/2005)
▪ Một doanh nghiệp gây ô nhiễm bị người dân đập phá (21/11/2005)
▪ 'Mua bán' người (21/11/2005)
▪ Truyền hình Mỹ khẳng định hậu quả của chất độc da cam (21/11/2005)
▪ Phó thủ tướng và 8 bộ trưởng trả lời chất vấn (21/11/2005)
▪ Có trên 100.000 Việt kiều về TP.HCM ăn Tết Bính Tuất (21/11/2005)
▪ Phi vụ mua rác sân bay: Đang chờ hồi kết (21/11/2005)
▪ UBTVQH đề xuất chất vấn 9 quan chức Chính phủ (21/11/2005)