Một người thầy đam mê sáng chế
Các Website khác - 30/09/2005
Là giáo viên Trung tâm Kỹ thuật hướng nghiệp tỉnh Hải Dương từ năm 1981, với sáu công trình nghiên cứu khoa học ứng dụng xuất sắc và nhiều năm liền là giáo viên dạy giỏi, nhà giáo Nguyễn Duy Tiến vinh dự được có mặt tại Đại hội thi đua toàn quốc tại Hà Nội vào ngày 4-10 tới.
Chị Ðồng Thị Thanh Ngân, vợ anh Tiến không ngớt “ca cẩm” về duyên số hẩm hiu, trời xui đất khiến lấy phải ông chồng lập dị. Mê máy móc, đồ nghề thí nghiệm hơn mê vợ. Thế nhưng chính chị lại bị "cái người lập dị ấy" bỏ bùa mê "từ thời còn ngồi ghế giảng đường Ðại học Sư phạm Hà Nội 2. Cho đến nay, 27 năm rồng rắn (anh tuổi Thìn - 1952, chị tuổi Tỵ - 1953) nuôi hai con khôn lớn, trưởng thành, vì một chút "nhầm lẫn" thủ tục, anh chị vẫn chưa kịp đăng ký kết hôn.

Sinh ra và lớn lên tại thị xã Hưng Yên, những năm học phổ thông, Nguyễn Duy Tiến đã bộc lộ năng khiếu bẩm sinh môn toán. Năm 1966, đang học lớp 8, Tiến là học sinh duy nhất của tỉnh Hưng Yên trúng tuyển vào lớp toán đặc biệt của Trường đại học Tổng hợp Hà Nội, nhưng không theo học. Ði đúng trình tự sau khi đỗ tốt nghiệp thủ khoa toán, lý, Ðại học Sư phạm Hà Nội 2, khóa 1969-1972, anh vào bộ đội. Kể đến đây anh cười bảo:

- Từ nhỏ tớ đã có dây mơ rễ má với mấy ngón nghề điện, điện tử. Hồi năm 1964, quân ta bắt đầu bắn rơi máy bay Mỹ, tớ đã được theo các thầy đi "bới" xác máy bay, gỡ tranzito (bóng bán dẫn) về lắp máy thu thanh. Trong quân đội, làm công tác tuyên huấn, nhưng lại trở thành chiến sĩ thi đua cấp quân khu ba năm liền vì những sáng kiến kỹ thuật như: Cải tiến máy đèn chiếu phim, thay đổi được khuôn hình giống như ống kính Zoom bây g iờ vậy, cải tiến nâng công suất máy tăng âm và cải tiến tăng gấp bốn lần thời lượng ghi của máy ghi âm MK20 của Ðức. Vì thành tích này mà đơn vị cho tớ đi học tiếp khoa toán Trường đại học Tổng hợp và khoa vô tuyến điện Trường đại học Bách khoa. Nhưng chọn lấy bằng Tổng hợp, còn Bách khoa chỉ theo học cho biết.

Song anh lại "phát" ở chính mảng kiến thức "học để biết" ấy. Không kể những thí dụ về cái mà người ta gọi là tài lẻ thường xuyên xuất hiện, chỉ trong vòng ba năm từ 2001 đến 2003, anh có sáu sản phẩm, nói theo cách của anh "tạm gọi là nghiên cứu khoa học" - với chín giải thưởng sáng tạo kỹ thuật. Trong đó, hai sản phẩm: Máy ấp trứng gia cầm hoàn toàn tự động, công suất từ 200 đến 30.000 quả/mẻ, và máy tăng âm triển khai, vừa là đồ dùng dạy học, đồng thời là đồ chơi rèn luyện tính sáng tạo cho thiếu niên, đều đạt giải thưởng sáng tạo kỹ thuật cấp tỉnh và cấp quốc gia, được Liên hiệp các hội khoa học, kỹ thuật và Bộ Khoa học - Công nghệ tặng bằng khen.

Mặc dù giàu thành tích, nhưng gia cảnh anh Tiến vẫn "còi cọt" lắm. Căn nhà của vợ chồng anh có lẽ bé nhỏ nhất trong số những ngôi nhà trên đường Lê Thanh Nghị, TP Hải Dương. Ðổi lại, khung cảnh bên trong rất ấm cúng. Chị Ngân về hưu mấy năm vẫn giữ nguyên nghề may từng nuôi sống cả gia đình dạo nọ. Anh chị lại là cây văn nghệ của tổ dân phố. Ðàn hát, may vá, luẩn quẩn với đám học trò cũ, mới, nhiều lúc vui quên trời đất.

Giờ thì cuộc sống gia đình đã ổn định hơn nhiều. Các sản phẩm nghiên cứu của anh đều được ứng dụng rộng rãi trong đời sống. Một số sản phẩm anh bán bản quyền cho các doanh nghiệp sản xuất hàng loạt như: Máy kiểm tra độ ôi thiu của thịt, kiểm tra hàm lượng hàn the trong các thực phẩm chín như giò, chả, bánh đúc; máy ép vạn năng tự động ép mùn cưa thành thùng loa, ép than tổ ong công suất 2.400 viên/giờ; nôi trẻ em dưới 12 tháng tuổi tự động ru trẻ, tự động báo khi trẻ kêu khóc quá mức hay khi trẻ tè dầm... Một số sản phẩm khác được ứng dụng trong các trường học phục vụ công tác giảng dạy và làm thí nghiệm. Riêng sản phẩm máy ấp trứng gia cầm tự động, anh giữ lại để làm con "gà mái điện tử bằng vàng" của riêng mình. Bảo bối này ngày càng được bổ sung hoàn thiện hơn và đang giúp anh kiếm kha khá tiền. Anh Tiến tiết lộ thêm, trong thời gian năm 2004-2005, anh vẫn còn vài đề tài nữa, nhưng vì chưa nghiệm thu nên chưa công bố. Quả là sức làm việc của con người này ghê ghớm thật. Tôi hỏi:

- Anh thích đủ thứ, mà cái nào cũng làm ngon lành cả. Vậy anh bố trí thời gian như thế nào?

Anh Tiến cười khì:

- Chẳng biết trả lời ra sao nữa. Rồi anh chỉ sang vợ - Tớ lấy phải bạn học, khổ lắm. Ðến giờ vẫn chia nhau việc nấu cơm, rửa bát, quét nhà. Chỉ riêng mắc màn, tháo màn là được độc quyền một năm 365 ngày. Ðành ấp ủ, nung nấu trong những lúc như thế, biết làm sao?

Câu đùa của anh Tiến làm cho căn phòng nhỏ của anh chị tràn ngập tiếng cười.

ĐẠI HOÀNG