Năm 2009: Hơn 127 tỷ đồng cho tuyên truyền giáo dục về KHHGĐ
Các Website khác - 11/02/2009
Ngày 10/2, trao đổi với PV Báo GĐ&XH, bà Đặng Thị Bích Thuận, Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông – Giáo dục, Tổng cục DS- KHHGĐ cho biết: “Tăng cường cam kết, nhanh chóng ổn định mức sinh” là chủ đề truyền thông xuyên suốt cho tuyên truyền giáo dục KHHGĐ từ nay đến 2010.
Đây là một trong 3 nội dung thực hiện của Dự án tuyên truyền giáo dục chuyển đổi hành vi về DS-KHHGĐ năm 2009.
 
Đối với các tỉnh, thành chưa đạt được mức sinh thay thế; cần phấn đấu quyết liệt để đạt được mức sinh thay thế trong năm 2009, chậm nhất là năm 2010. Đối với các tỉnh, thành đã đạt được mức sinh thay thế; cần duy trì vững chắc kết quả đạt được, không để xảy ra mức sinh tăng đột biến, giảm tỷ lệ sinh con thứ 3, chú trọng đến nâng cao chất lượng dân số và từng bước khắc phục tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Theo đó, cần tranh thủ sự lãnh đạo của các cấp ủy, HĐND, UBND, tham mưu xây dựng các nghị quyết chuyên đề về DS- KHHGĐ, đưa các chỉ tiêu DS- KHHGĐ vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
 

Vận động KHHGĐ đến từng người dân (Ảnh: HT).

Đối tượng trọng tâm của công tác tuyên truyền giáo dục là các cặp vợ chồng đã có 2 con trở lên, trẻ vị thành niên và thanh niên... Tại Trung ương, Tổng cục DS-KHHGĐ phối hợp với các cơ quan truyền thông đại chúng như Đài Truyền hình VN, Đài Tiếng nói VN, các cơ quan báo chí phản ánh kịp thời các vấn đề về công tác DS- KHHGĐ. Tại địa phương, Chi cục DS- KHHGĐ các tỉnh, thành hướng dẫn Trung tâm DS- KHHGĐ các huyện, thị tổ chức các hoạt động truyền thông giáo dục. Triển khai công tác truyền thông giáo dục thường xuyên thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và truyền thông trực tiếp trên địa bàn tỉnh. Đồng thời có những hình thức mạnh mẽ và lôi cuốn, xây dựng sự kiện truyền thông lớn vào dịp kỷ niệm ngày Dân số Thế giới 11/7, ngày Dân số Việt Nam 26/12 và các đợt thực hiện chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ SKSS/KHHGĐ.

Tổng kinh phí thực hiện dự án tuyên truyền giáo dục chuyển đổi hành vi về DS- KHHGĐ của năm 2009 là hơn 127 tỷ đồng, trong đó chi tại địa phương là trên 100 tỷ đồng (chiếm 79%).   
 
Theo Giadinh.net