Ngôi nhà tình yêu mang tên Sozo
Các Website khác - 17/12/2005
Max & Tracy
“Chúng tôi gọi Sozo là trung tâm chứ không phải quán cà phê, vì nó sẽ là nơi các em có thể học được điều gì đó để thay đổi cuộc sống. Sẽ không phải bán hàng rong, không phải trộm cắp và luôn biết quản lý cuộc sống của mình.
Năm 1998, kiến trúc sư người Anh Max Raabe làm hướng dẫn viên du lịch kéo cả nhóm sinh viên đủ mọi quốc tịch đến Việt Nam. Họ thích cảm giác nóng ẩm và nhộn nhịp người xe của thành phố, và chỉ trong một ngày cả nhóm đã kết thân với khá nhiều em nhỏ bán bưu thiếp dọc phố Tây.

“Lúc đó vui lắm, chúng tôi kéo cả chục em, chất lên 15 chiếc xe máy vừa thuê được và chạy lòng vòng thành phố. Một nhóm sinh viên giang hồ bụi bặm và một nhóm trẻ em sống ngoài đường phố trở nên thân thiết” - Tracy Tuning, cô sinh viên người Mỹ 27 tuổi, nhớ lại.

Giấc mơ bốn năm

Lúc đó, họ có nghe những câu chuyện về những hoàn cảnh éo le của các em nhỏ, có trò chuyện với gia đình các em, vốn cũng bán hàng rong trên các con phố lân cận. Nhưng tận sâu trong lòng, Max và Tracy cũng không biết phải làm gì để giúp những người bạn mới của mình. Thế là cả nhóm hè nhau mua... bưu thiếp để ủng hộ, nhiều tới mức bây giờ mỗi người trong nhóm cũng có thể mở được một... cửa hàng.

Cứ tưởng rồi sẽ qua nhanh những tình bạn ngắn ngủi ấy, nhưng mỗi năm quay lại, Max và Tracy lại nhìn thấy những gương mặt cũ, những câu chuyện cũ và những mảnh đời khốn khó bên con phố nhộn nhịp ở trung tâm thành phố.

Chưa có chút kinh nghiệm nào trong việc làm công tác xã hội, hai cô gái chần chừ với ý tưởng “làm một cái gì đó” giúp những mảnh đời kia. Họ trù trừ suốt bốn năm trời mà không có dự định nào ra đời được cả. Cho đến một ngày, họ nhận được tin một người bạn cùng quẫn vì nợ... Cả hai bừng tỉnh và quyết định phải hành động ngay.

“Tôi là người Mỹ và tôi biết người Mỹ nào cũng thích ăn bánh ngọt. Nhưng ở Sài Gòn chưa ai bán. Và đó là thứ đơn giản nhất, rẻ tiền nhất mà chúng tôi có thể thực hiện được” - Tracy lý giải về nguyên nhân họ chọn việc nướng và bán bánh ngọt kiểu Mỹ cho hoạt động của mình.

Tháng 8-2004, hai cô gái sắm một cái tủ, xin đặt trước cửa văn phòng một công ty du lịch ở số 39 Đề Thám, mượn tạm nhà bếp gần đấy và hướng dẫn một người phụ nữ luống tuổi bán bưu thiếp làm bánh... Đó là chị Mỏng, người phụ nữ mà tới thời điểm đứng quầy bán bánh vẫn còn chưa hết run vì “từ nhỏ tới giờ có bao giờ tui biết ăn bánh là gì đâu, gạo còn phải lo chạy từng bữa thì nói gì tới bánh...”.

Nhưng với Nhung, cô bé từng ôm cái thùng carton đựng đầy những thứ linh tinh lang tang lê mòn gót khắp nơi kiếm tiền độ nhật thì đó là cả một niềm tự hào: “Hồi xưa em bán vé số, rồi chuyển sang bán sách, còn bây giờ em là một bà chủ nhỏ...”.

Tracy nhớ lại: “Đó giống như là một ngày hội, dù chỉ có hai người và một tủ bánh nhỏ xíu, nhưng chúng tôi biết là mình đã bắt đầu một công việc rất lạ và rất mới. Ít nhất, chúng tôi đã có một kết quả công việc cụ thể sau bốn năm trời ấp ủ, dự tính...”.

Hàn gắn khát vọng


Cả nhà thương nhau


Tháng tư vừa rồi, họ khai trương “đại bản doanh” của mình tại 176 Bùi Viện (Q.1, TP Hồ Chí Minh): quán cà phê mang cái tên Hi Lạp: Sozo. “Sozo - đó là động từ kỳ lạ nhất mà chúng tôi tìm thấy được. Và nó có một sự gắn kết kỳ lạ với công việc mà chúng tôi đang theo đuổi.

Không có định nghĩa chính xác cho từ này, mà đó là một cụm nghĩa liên hoàn nhau: bảo vệ - cứu vớt những mảnh đời gặp bất trắc, nâng đỡ những số phận không may mắn và tìm kiếm một tương lai tươi sáng hơn cho một ai đó” - Max nắn nót viết hết những giải nghĩa của tên quán lên bức tường màu đất của mình. “Nhưng điều chúng tôi tự hào là bạn bè người Việt lại giúp chúng tôi nhiều hơn. Có người mang đến cho chúng tôi bàn ghế, người cho thuê nhà giá rất rẻ, người đến vẽ hộ chân dung những thành viên của nhóm, có người lại mang tặng bí quyết pha cà phê thật ngon...

Chúng tôi tự mình thiết kế, tự làm hết mọi công việc để có được không gian ấm cúng hôm nay. Góc nào cũng đầy những câu chuyện thật vui vì đó là công sức lao động của cả nhóm trong mấy tháng trời...” - Tracy tự hào nói về những gì mà họ đang có trong ngôi nhà nhỏ của mình: một không gian nhẹ nhàng để tiếp khách đến uống cà phê ăn bánh ngọt, một góc nhỏ cho bất kỳ trẻ em lang thang nào muốn đến tắm rửa, giặt giũ hoặc ăn cơm...

Tracy hiện giờ “đóng đô” luôn ở khu phố Tây để cùng sống và làm việc với những người bạn mới của mình. Từ sáng tới tối, cô bận túi bụi với những kế hoạch, dự định tự mình đặt ra: hướng dẫn làm các món bánh mới cho các bà mẹ, luyện tiếng Anh cho các em phục vụ, đào tạo kỹ năng quản lý quán ăn, quản lý thu chi, sử dụng tiền bạc và lên kế hoạch trả nợ cho các thành viên của nhóm.

Cứ mỗi tháng, Tracy và Max lại cùng nhau bàn bạc kế hoạch gửi các thành viên của mình đi đào tạo một chuyên môn nào đó để chuẩn bị cho một bước phát triển mới.

Giấc mơ ngày mai


Trong quán Sozo


Những người bạn mà Tracy và Max quen biết trên đường phố thì đông lắm. Hiện Sozo chỉ có mười thành viên làm việc mà thôi. Họ đang âm thầm chuẩn bị cho sự ra đời một Sozo thứ hai, thứ ba để có thể giúp được nhiều mảnh đời, nhiều gia đình thay đổi cuộc sống.

“Email mà chúng tôi nhận được thường xuyên nhất là một câu hỏi từ khắp mọi nơi: chúng tôi giúp được gì cho các bạn không? Nhiều bạn sinh viên đến để giúp chúng tôi, nhiều khách du lịch cũng muốn ủng hộ.

Tuần sau, một bạn trẻ người Việt cũng sẽ khai trương một Sozo quán theo kiểu thế này. Làm công tác xã hội thật ra đâu cần nhiều tiền, mình yêu nó, sống với nó thì sẽ làm được những điều mình muốn thôi” - Tracy nói, chậm rãi và nhẹ nhàng như chính đôi mắt rất hiền và rất sâu của cô.

Họ cố gắng truyền đạt hết những gì mình biết cho các em nhỏ, với hy vọng là một doanh nghiệp nào đó có thể nhận các em vào làm việc khi có cơ hội. “Chúng tôi gọi Sozo là trung tâm chứ không phải quán cà phê, vì nó sẽ là nơi các em có thể học được điều gì đó để thay đổi cuộc sống. Sẽ không phải bán hàng rong, không phải trộm cắp và luôn biết quản lý cuộc sống của mình.

Hằng tháng, khoản tiền lãi được chia thành nhiều phần, phần dành để gây quỹ, phần dành riêng cho việc ốm đau của các thành viên, và một phần quan trọng là để giúp đỡ những mảnh đời khác khó khăn hơn. Khi các bà mẹ và các em nhỏ cầm số tiền lãi do mình làm ra đi tặng người nghèo là lúc họ cảm nhận được một giá trị mới trong cuộc sống này...

Đừng hỏi Sozo và kiếm khách nghĩa hiệp Zoro có “bà con” gì với nhau không, vì hiện giờ ai cũng biết Zoro, và tôi mong một ngày nào đó mọi người cũng sẽ biết đến Sozo như một cuộc hành trình tìm lại giấc mơ cho những người nghèo khó”.

Nhung, cô bé thấp người, đen đúa nhưng có đôi mắt biết cười, khoe: “Mỗi tuần ở đây em làm được 200.000 đồng, cô Tracy cất lại cho em 50.000 đồng. Giờ em đã có hơn 300.000 đồng để dành rồi. Tết này em sẽ có quần áo mới và đi chơi Đầm Sen...”.

Theo Tuổi trẻ chủ nhật