Người trả nợ rừng
Các Website khác - 28/12/2005

Gần 19 năm, không biết bao nhiêu hecta rừng ở đầu nguồn sông Thu bị Phan Bá Nhường tàn phá. Và bây giờ một trong những lâm tặc một thời lừng lẫy ấy đang được bà con trong làng xem như "già làng" về trồng rừng.

Vượt 130 km đường rừng, ngược đầu nguồn sông Thu, đến làng Linh Kiều (xã Hiệp Hòa, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam) là nơi Nhường sinh sống. Dáng người mảnh khảnh, giọng nhỏ nhẹ và dù vừa bước sang tuổi 40, nhưng tất cả bà con vùng sơn cước này đều gọi anh bằng hai từ “ông Nhường”. “Ông Nhường” cười: “Không biết mình được bà con xem như già làng ở đây từ bao giờ!”.

Vì miếng cơm manh áo, vì gánh nặng vợ ốm yếu và 3 đứa con, Nhường trở thành lâm tặc. Năm 1987, vay mượn bạn bè hơn 1 chỉ vàng, anh mua trâu và chuyển sang tổ chức khai thác gỗ. Thấy anh làm ăn được, thanh niên các làng xin theo làm gỗ, có lúc lên đến hơn 20 người. Đội quân khai thác được tổ chức “chính quy” với những “kỷ luật sắt” do Nhường đặt ra: “Không được uống rượu; không đánh lộn, gây gổ với người ngoài; đói cùng đói no cùng no, bị bắt không khai, có chi tui lo liệu...”.

Suốt 19 năm, đội quân “mũ vàng” của Nhường làm mưa làm gió cả một cung rừng rộng lớn từ Phước Trà, Phước Gia, Hiệp Hòa (Hiệp Đức) sang Phước Hiệp (Phước Sơn) và vùng giáp ranh các huyện Trà My, Tiên Phước. Nguyên bí thư Huyện ủy Hiệp Đức, ông Thái Văn Lữ cho biết chính ông từng chỉ đạo bằng mọi giá truy bắt cho bằng được “tên lâm tặc có cỡ” này; có lúc phát hiện đội quân của Nhường đang khai thác gỗ, lực lượng tổ chức bao vây, vậy mà vẫn về tay không. Thậm chí bãi gỗ vừa phát hiện, cắt cử lực lượng canh gác cẩn mật cũng không giữ nổi.

Phan Bá Nhường đang chăm sóc khu rừng mới trồng chưa đầy một năm. Ảnh: Tuổi Trẻ

Nhường bảo suốt 19 năm trời chưa một lần bị bắt. Thế nhưng có một điều bí mật mà kể lại chắc khó ai tin: dù là lâm tặc nổi tiếng, nhưng chưa một lần Nhường đốn hạ một cây gỗ nào trong rừng. Nhường thú thật mỗi lần cầm búa đến bên một gốc cây lại thấy tiếc, không sao chặt được. Các thành viên trong nhóm biết thế nên bao giờ hạ cây cũng giành phần...

Đến một chiều mùa đông cuối năm 1998, đứng ở đầu nguồn sông Thu chứng kiến cơn lũ quét khủng khiếp, rồi nhìn khu rừng tan hoang không một bóng cây, tự dưng Nhường chảy nước mắt. Chuyến gỗ năm ấy Nhường cùng anh em vận chuyển hơn 300 phách gỗ ra khỏi cửa rừng và tuyên bố: đây là chuyến cuối cùng.

Nhường nhớ lại: "Suốt cả ba đêm thức cùng anh em giữa rừng tâm sự, cuối cùng tất cả quyết định rửa tay gác búa, tìm đường mưu sinh khác...". Sáng 25 tháng chạp năm đó, sau chuyến gỗ cuối cùng, Nhường về nhà vật heo, mời bà con trong làng và anh em sống chết một thời làm lễ trước thần linh, thề sẽ không bao giờ đụng đến sơn lâm. Nhường quyết tâm trả món nợ 19 năm phá rừng của mình...

Gom chút vốn liếng và vay mượn thêm bạn bè, Nhường lập trang trại trồng rừng và chăn nuôi. Sau hai năm, trang trại đầu tiên của Nhường hình thành với 10 ha rừng cùng 50 con bò. Rừng đang xanh tốt thì huyện bàn giao đất xã Hiệp Hòa cho dự án trồng cao su. Diện tích rừng và trang trại của Nhường nằm trong quy hoạch, bị thu hồi, bò thì chết do dịch bệnh.

Không nản, Nhường đi tìm vùng đất mới bên kia bờ sông Thu Bồn, nơi trước kia Nhường cùng đội quân của mình từng chặt phá, để dựng trại, lập vườn. Cứ thế Nhường hì hục trồng cây. Nhường bảo cứ chỗ nào đất trống là cây phải mọc. Đến năm 2002, Nhường đã trồng được hơn 16 ha ở những khu rừng dọc bên bờ đầu nguồn sông Thu, rồi lập trại chăn nuôi trở lại. Đàn bò có lúc lên đến 60 con. Bán bò, lấy vốn trồng rừng, nói theo Nhường là lấy ngắn nuôi dài.

Không chỉ một mình, Nhường lặn lội đến vận động số thanh niên trong đội quân “mũ vàng” của mình ngày nào cùng trồng lại rừng. Những anh em một thời cùng Nhường như Hồ Văn Tiến, Hồ Văn Hồng, Hồ Văn Lứa... ở các xã Phước Trà, Phước Gia làm theo, bây giờ mỗi người đã trồng hàng chục hecta rừng.

Đến nay, sau gần 8 năm Nhường đi vận động, tình trạng phá rừng ở các điểm nóng Phước Trà, Phước Gia, Hiệp Hòa (huyện Hiệp Đức) không còn bởi bà con ở đây tin và làm theo Nhường. Nhiều lâm tặc nghe tin Nhường “rửa tay gác búa” cũng tự động bỏ nghề, chuyển sang trồng rừng...

(Theo Tuổi Trẻ)