Du lịch Việt Nam vượt qua thách thức để phát triển
Các Website khác - 27/12/2005
Năm 2005 là năm có nhiều sự kiện quan trọng đối với ngành du lịch như Luật Du lịch được thông qua, lựa chọn được tiêu đề, biểu tượng mới của chương trình hành động quốc gia về du lịch. Ðây cũng là năm nhịp độ tăng trưởng của du lịch Việt Nam khá cao và ổn định, vượt ngưỡng hơn 3,43 triệu lượt du khách quốc tế.
Từ chương trình hành động quốc gia về du lịch

Mặc dù chịu nhiều bất lợi: thiên tai xảy ra liên tiếp, giá xăng-dầu thế giới tăng dẫn tới giá tiêu dùng, dịch vụ trong nước cũng tăng cao, dịch cúm gia cầm tiếp tục diễn biến phức tạp, nhìn chung, du lịch Việt Nam vẫn phát triển mạnh mẽ cùng nhịp độ tăng trưởng của nền kinh tế đất nước trong một môi trường an ninh, chính trị ổn định, đời sống xã hội được cải thiện và nâng cao.

Sự kiện nổi bật là du lịch Việt Nam đón người khách quốc tế thứ ba triệu trong năm và đến hết năm nay, số lượng khách quốc tế đã vượt qua 3,43 triệu, tăng 17,05% so với năm trước. Nếu không chịu ảnh hưởng của dịch cúm gia cầm thì con số đó sẽ là hơn 3,5 triệu lượt khách. Các thị trường quốc tế trọng điểm: Trung Quốc, Ðông Bắc Á, ASEAN, Bắc Mỹ, châu Âu, Australia... được duy trì và tăng trưởng ở mức hai con số. Thị trường khách Mỹ tiếp tục tăng mạnh và vươn lên là thị trường đông khách thứ hai sau Trung Quốc. Thị trường du lịch trong nước tiếp tục được mở rộng với 16,1 triệu lượt khách, tăng 11%. Doanh thu từ du lịch đạt khoảng 30 nghìn tỷ đồng, tăng 15,4% so với năm 2004, vượt mức kế hoạch đề ra. Mới đây, du lịch Việt Nam đã được Hội đồng du lịch thế giới (WTTC) xếp vị trí thứ bảy thế giới về mức tăng trưởng và sẽ là một trong mười điểm đến hàng đầu của du lịch thế giới trong mười năm tới.

Báo chí nước ngoài đều đánh giá cao về du lịch Việt Nam với nhận xét chung: Việt Nam là điểm đến mang nhiều nét Á Ðông hấp dẫn, gợi mở những khám phá, nhưng điều quan trọng nhất, đây còn là điểm đến thân thiện, an ninh được bảo đảm trong một thế giới đầy biến động. So với các nước khu vực, từ chỗ nằm trong nhóm cuối của ASEAN, trong mười năm, Việt Nam đã vươn lên vị trí trung bình về lượng khách du lịch nhưng lại là nền du lịch đầy tiềm năng.

Một vinh dự là trong năm 2005, Ðảng và Nhà nước đã trao tặng ngành du lịch Huân chương Hồ Chí Minh, ghi nhận những đóng góp cũng như quá trình nỗ lực phấn đấu của ngành trong suốt một chặng đường dài 45 năm và nhất là những thành tựu vẻ vang trong sự nghiệp đổi mới vừa qua.

Một điểm nhấn quan trọng của du lịch Việt Nam là việc hoàn thiện và thể chế hóa các văn bản pháp luật với sự ra đời của Luật Du lịch sau một quá trình dài soạn thảo, lấy ý kiến đóng góp và chỉnh lý nội dung. Luật Du lịch được Quốc hội khóa XI thông qua tại kỳ họp thứ bảy, ngày 14-6-2005, vượt trước kế hoạch năm tháng. Luật có nhiều điểm quy định mới và phạm vi điều chỉnh rộng hơn so với Pháp lệnh Du lịch năm 1999, là nền tảng pháp lý quan trọng cho việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước và hoạt động du lịch trong giai đoạn mới, thể hiện quan điểm, chính sách của Ðảng, Nhà nước phát triển du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, kích thích đầu tư và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần xóa đói, giảm nghèo; đồng thời cho thấy tính liên vùng, liên ngành, xã hội hóa của du lịch và nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia phát triển du lịch, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, khắc phục các vi phạm trong kinh doanh, bảo vệ tài nguyên, môi trường; bảo vệ quyền và lợi ích của du khách, nâng cao được hình ảnh của du lịch Việt Nam. Ngành du lịch đang khẩn trương xây dựng các dự thảo văn bản hướng dẫn dưới luật nhằm lấy ý kiến đóng góp để trình Chính phủ ban hành kịp thời trước khi Luật Du lịch chính thức có hiệu lực từ tháng 1-2006.

Trên một số lĩnh vực, ngành du lịch hoàn thành và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2010 cùng một số quy hoạch du lịch vùng, miền. Nhà nước đã hỗ trợ vốn ngân sách 550 tỷ đồng đầu tư trong năm nay cho hạ tầng du lịch của 58 tỉnh, thành phố với 200 dự án, trong đó 90% là các dự án chuyển tiếp. Ðầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục tăng, tính đến nay, cả nước có 190 dự án hoạt động với tổng vốn đăng ký đầu tư là 4,64 tỷ USD. Ðịa phương thu hút nhiều dự án và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nhất là TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Lâm Ðồng, Quảng Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa.

Trong hợp tác và hội nhập quốc tế, Việt Nam tham gia tích cực các diễn đàn hợp tác du lịch song phương, đa phương của khu vực và thế giới, đồng thời tranh thủ được sự hỗ trợ, tư vấn cùng các nguồn vốn phát triển của các nước và tổ chức quốc tế. Ngành du lịch đã cùng các bộ, ngành hữu quan tháo gỡ những vướng mắc, triển khai thực hiện việc đón và quản lý khách Trung Quốc theo quy chế 849, trao đổi cùng nước bạn về hợp tác phát triển du lịch khu vực thác Bản Giốc ở Cao Bằng; khảo sát đề xuất mở loại hình du lịch sử dụng thẻ cho khu vực biên giới Tây Nam và tích cực khai thông các trở ngại đón khách du lịch đường bộ vào Việt Nam bằng xe ô-tô tay lái bên phải. Phương án mở cửa thị trường dịch vụ du lịch, phù hợp lộ trình, mục tiêu Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới và đàm phán mở cửa dịch vụ hướng tới xây dựng khu vực tự do ASEAN vào năm 2010 cũng đang được ngành du lịch nghiên cứu chuẩn bị.

Hưởng ứng và tranh thủ các sự kiện lớn của đất nước trong năm 2005, nhiều địa phương, doanh nghiệp chủ động áp dụng những biện pháp thu hút du khách, nâng cao chất lượng dịch vụ lữ hành, khách sạn, đa dạng hóa loại hình dịch vụ đáp ứng nhu cầu khách, từng bước đẩy mạnh tính chuyên nghiệp trong kinh doanh. Tổng cục Du lịch chỉ đạo và phối hợp các địa phương tạo dựng nhiều sản phẩm du lịch mới, đặc thù nhằm hưởng ứng các sự kiện: Năm du lịch Nghệ An, Chương trình du lịch về nguồn của ba tỉnh Phú Thọ, Lào Cai, Yên Bái, chương trình du lịch Tây Nguyên và các tỉnh miền trung, liên hoan du lịch Ðà Nẵng, du lịch "Quảng Nam - hành trình di sản văn hóa", "Du lịch xanh Bình Thuận", “Liên hoan biển Nha Trang”, lễ hội du lịch ba nước Việt Nam - Lào - Thái-lan tại Huế, liên hoan du lịch quốc tế Hà Nội và lễ hội du lịch TP Hồ Chí Minh kỷ niệm 30 năm thống nhất đất nước, liên hoan (Festival) hoa Ðà Lạt, v.v. Nhiều chương trình quảng bá, xúc tiến được tổ chức ở các nước giúp du lịch Việt Nam giữ vững và mở rộng được thị trường, nâng cao hơn năng lực cạnh tranh trong điều kiện khó khăn hiện nay. Ngành du lịch còn tổ chức cho các đoàn phóng viên quốc tế đến khảo sát, tìm hiểu, viết bài, làm phim giới thiệu về du lịch Việt Nam để quảng bá trên các báo và kênh truyền hình lớn.

Nhằm phục vụ kịp thời việc triển khai chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch, ngành du lịch đã triển khai thành công cuộc thi sáng tác tiêu đề và biểu tượng chương trình hành động quốc gia về du lịch giai đoạn 2006-2010. Biểu tượng được lựa chọn mang tính chuyên nghiệp, gây được ấn tượng về một điểm đến hấp dẫn "Vietnam - The hidden charm"(dịch nghĩa là "Việt Nam - vẻ đẹp tiềm ẩn"). Tiêu đề và biểu tượng mới hiện đang bắt đầu sử dụng trên các sản phẩm, trong các đợt quảng bá và bước đầu được dư luận du khách và báo chí đánh giá tích cực.

Nhìn lại năm 2005, có thể thấy du lịch Việt Nam đã có bước phát triển ngoạn mục. Hoạt động quản lý nhà nước được tăng cường, công tác quảng bá, kinh doanh đúng hướng, duy trì được tính ổn định và ngày càng chuyên nghiệp.

Những sự kiện du lịch ở khắp các miền đất nước trong năm góp phần quảng bá khá hiệu quả hình ảnh Việt Nam và lôi cuốn du khách, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động du lịch. Chương trình hành động quốc gia về du lịch được triển khai sâu rộng từ trung ương đến địa phương đang phát huy hiệu quả, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, nguồn nhân lực du lịch cùng năng lực quản lý.

Quy mô và định hướng thị trường

Thành tựu nêu trên đã và đang tạo đà phát triển cho du lịch trong năm 2006. Nhiều vận hội mới đang mở ra trước du lịch Việt Nam cùng những thách thức, trở ngại vẫn còn tồn đọng từ nhiều năm nay. Tình hình thiên tai, dịch bệnh có thể có những biến động đòi hỏi ngành du lịch phải có sự chuẩn bị với những phương án, biện pháp phòng ngừa để chủ động đối phó, điều chỉnh, nhằm giảm bớt những ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển.

Mặt khác, du lịch Việt Nam vẫn còn có một khoảng cách khá xa với các nước du lịch phát triển trong khu vực, bộc lộ rõ rệt ở các hạn chế về chất lượng dịch vụ; sản phẩm du lịch nghèo nàn, đơn điệu, sức cạnh tranh chưa được cải thiện; còn thiếu sự phối hợp trong điều hành, quản lý, kinh doanh lữ hành; quy hoạch; đầu tư cơ sở hạ tầng; đào tạo nhân lực và xúc tiến, quảng bá du lịch. Ðây cũng là những vấn đề mà Phó Thủ tướng Vũ Khoan, Trưởng ban chỉ đạo Nhà nước về du lịch, đã nêu lên tại buổi làm việc với Tổng cục Du lịch ngày 23-9-2005. Trong đó, vấn đề khá nóng bỏng cần tập trung làm ngay hiện nay là phải tăng cường nâng cao sức cạnh tranh du lịch, thu hút các nguồn vốn xây dựng hệ thống cơ sở lưu trú hiện đại, tăng thêm khách sạn cao cấp ở các thành phố, trung tâm du lịch lớn, làm điểm tựa cho sự phát triển hệ thống sản phẩm du lịch hoàn chỉnh, đáp ứng sự tăng trưởng nhanh chóng của lượng khách thời gian tới, tránh xảy ra tình trạng thiếu phòng cho khách trong mùa cao điểm, cụ thể là trong thời kỳ tổ chức hội nghị cấp cao APEC 2006 vào cuối năm 2006.

Tình trạng ô nhiễm môi trường, nạn ăn xin, chèo kéo khách tại các điểm du lịch cũng chưa được giải quyết dứt điểm. Nhiều địa phương chưa thật sự quan tâm giữ gìn môi trường, bảo đảm an ninh - trật tự, thiếu hẳn quy hoạch cho các khu vực bán hàng trong các khu du lịch, tạo nên sự lộn xộn, xô bồ.

Công tác quảng bá, xúc tiến du lịch Việt Nam ở các nước, các khu vực và những thị trường trọng điểm còn bất cập, chưa mang quy mô lớn và tính định hướng thị trường. Thiếu các ấn phẩm tuyên truyền và những trang thông tin điện tử sinh động giới thiệu về đất nước, con người Việt Nam; đồng thời chưa mở được các văn phòng xúc tiến du lịch ở nước ngoài, hoạt động quảng bá mới chỉ dừng lại ở mức tham gia các liên hoan, hội chợ, và tổ chức các chương trình xúc tiến riêng lẻ. Các sự kiện lễ hội thiếu tính liên kết, thống nhất và đặc thù văn hóa, do đó không làm nổi bật được thương hiệu du lịch từng khu vực. Các doanh nghiệp lữ hành thì trì trệ trong sáng tạo sản phẩm và loại hình du lịch phù hợp từng đối tượng khách. Tình trạng tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư chui, kinh doanh trái phép dịch vụ du lịch vẫn tiếp diễn, tạo sự cạnh tranh thiếu lành mạnh, làm thất thu tiền thuế đóng góp ngân sách Nhà nước. Số lượng khách tăng mạnh nhưng doanh thu du lịch còn khá khiêm tốn bởi chưa khai thác được khả năng chi tiêu của du khách do thiếu những điểm dịch vụ vui chơi, giải trí; chính vì vậy thời gian lưu trú của khách cũng không cao. Chất lượng nhân lực du lịch thấp về nghiệp vụ chuyên môn, kiến thức văn hóa cũng như ngoại ngữ. Công tác đào tạo chưa theo kịp yêu cầu phát triển du lịch. Ðiều này đòi hỏi ngành du lịch phải triển khai thực hiện tiêu chuẩn hóa một bước nhân lực du lịch ở các lĩnh vực theo yêu cầu thực tế trong nước và phù hợp hệ thống tiêu chuẩn quốc tế, tăng tính thực hành; tạo điều kiện hội nhập quốc tế về lao động du lịch; thực hiện xã hội hóa công tác đào tạo. Bên cạnh đó, việc ổn định giá tua du lịch, đưa ra được mức giá phù hợp theo xu hướng giảm tỷ trọng giá tua trong cơ cấu chuyến du lịch, cũng là một vấn đề cấp thiết, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ của các ngành hữu quan và các doanh nghiệp vì lợi ích chung của ngành và lợi ích quốc gia, nhằm tăng sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam.

2006 là năm đầu thực hiện kế hoạch năm năm giai đoạn 2006-2010 của ngành du lịch và cũng là năm có nhiều sự kiện quốc tế quan trọng: Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC 2006). Ngành du lịch không chỉ là thành viên ban tổ chức, mà còn có trách nhiệm chuẩn bị tốt nhất điều kiện hậu cần phục vụ các đoàn đại biểu và tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng Du lịch trong khuôn khổ APEC. Có thể nói, Năm du lịch quốc gia 2006 với các sự kiện hưởng ứng tập trung vào chủ đề "Quảng Nam - một điểm đến, hai di sản" cùng nhiều sự kiện khác là tiền đề để ngành du lịch tạo đà hướng tới mục tiêu đón từ năm đến sáu triệu lượt khách quốc tế vào năm 2010. Nhận thức đầy đủ những hạn chế và nhanh chóng khắc phục các trở ngại còn tồn đọng từ nhiều năm nay, du lịch Việt Nam sẽ tạo ra được bước đột phá mạnh mẽ trong năm tới.

LƯƠNG XUÂN ĐỨC - TIẾN CƯỜNG