Một cụ ông bật khóc khi người tổ trưởng dân phố mang con yểng đi, người hàng xóm phóng sinh cho đàn chim cảnh, nhiều gia đình khác giấu đàn chim trên tầng thượng để tránh đoàn kiểm tra. Đó là hình ảnh mà phóng viên VnExpress bắt gặp ở nhiều hộ dân nuôi chim cảnh tại Hà Nội trước yêu cầu tiêu hủy.
Ông bà Sinh, phường Trương Định, quận Hoàng Mai đang nuôi đôi chim yến sắp đến ngày đẻ cùng mấy con chào mào, chích choè. Từ khi biết không được nuôi chim, ông bà giấu biệt bầy chim lên gác. Khi đoàn kiểm tra đến thì ông bà cho biết là gia đình đã tự huỷ.
Theo bà Sinh, thức ăn của chúng là do gia đình tự làm, nước uống được đun sôi để nguội. Sáng sáng bà dành 2 giờ để vệ sinh các lồng, cho chim ăn và thay nước, chiều đến mắc màn cho chúng để tránh muỗi. "Chăm sóc cẩn thận như vậy và chỉ giữ trong vườn nhà thì rất khó lây bệnh. Vả lại, đôi yến của tôi sắp đẻ nên không đành sát sinh chúng", bà Sinh nói.
Với nhiều người, chơi chim cảnh là niềm đam mê, là thú vui tao nhã, rất khó xoá bỏ ngay chốc lát. Trước yêu cầu cấm nuôi của thành phố, họ đã tìm mọi cách để đối phó nhằm giữ lại đàn chim của mình. Hộ ông Hưng, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa nuôi thả gần 20 con. Khi nhận lệnh tiêu huỷ, ông chủ đồng ý, song ông không tự giao nộp, mặc cho lực lượng thú y xoay sở với đàn chim. Mỗi khi có người lạ vào, đàn chim bay tán loạn, khiến thú y đành... bó tay.
![]() |
Một người nuôi bần thần khi giao nộp bầy chim. Ảnh: ĐL |
Một số hộ nuôi chim ngay sát UBND phường Trương Định cho hay, họ giấu chim cảnh tại nhà hoặc đưa ra ngoại thành nhờ bà con nuôi tạm, dù hàng ngày, loa phường đã ra rả nhắc nhở dân tự giết hoặc giao nộp cho chính quyền. "Chim cảnh không chỉ có giá trị cao mà chúng sống với mình đã nhiều năm qua. Tôi không nỡ để mấy con chim bị giết, phóng thích chúng thì dễ bị dịch hơn, nên đã mang sang Gia Lâm nhờ người quen nuôi hộ mấy ngày để tránh kiểm tra", một người nuôi nói.
Hầu hết những người này phản đối việc giết hại chim cảnh. Họ cho rằng, những năm trước có dịch cúm đều không có yêu cầu phải tiêu huỷ chim cảnh, nên lần này cũng không cần tiêu diệt. Ngoài ra, chim di cư mang dịch chứ chim cảnh thì không có tội tình gì.
Ông Chu Văn Chính, Tổ trưởng tổ 119 phường Ô Chợ Dừa, cho hay, ông khá vất vả khi phải thuyết phục người dân giao nộp chim cảnh. Nhiều hộ dân thay vì giao nộp cả lồng chim đã phóng thích chúng, nhiều con lại bay về, khiến ông tổ trưởng phải tự rình bắt.
Thống kê của UBND phường Ô Chợ Dừa cho thấy, trên địa bàn có khoảng 150 chim cảnh, song buổi thu hồi chiều 17/11 mới được 30 con. Theo chị Trang, cán bộ thú y quận Đống Đa, có thể người dân đã phóng sinh hoặc mang ra ngoại thành nuôi. Trong mấy ngày tới, cán bộ phường sẽ phải kiểm tra kỹ hơn tới từng hộ dân.
Cũng có nhiều hộ tự nguyện chấp hành chủ trương tiêu huỷ gia cầm của thành phố dù tâm trạng không mấy thoải mái. Ông Hoàng Văn Khánh, ngách 44/55, phố Hào Nam đã mất ăn mất ngủ mấy ngày vì biết phải bỏ đi con yểng yêu quý, ông đã mua nó với giá 1,6 triệu tận Thanh Hoá và chăm bẵm nó được 2 năm. Khi phải tiêu huỷ, tổ trưởng dân phố đến khuyên nhủ 2 ngày thì ông cụ Khánh mới đồng ý giao nộp chú chim. Khi người tổ trưởng mang con yểng đi, ông cụ oà khóc như đứa trẻ.
"Tôi đã nuôi mấy con chim gáy, chích choè, cu được 10 năm, dạy nó biết gáy. Tiếc đứt ruột song đành giao nộp cho phường", ông Bản, ngách 16/64 phố Hoàng Cầu nói. Trước khi giao chim cho lực lượng thú y, ông Bản còn bần thần ngồi dụ mấy con cu gáy lời từ biệt.
Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Huy Diến, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, cho rằng, chim cảnh cũng là một loại gia cầm có nguy cơ lây cúm nên cần tiêu huỷ, nên người dân cần có ý thức chấp hành việc phòng dịch. Theo tính toán của Sở, toàn thành phố chỉ có hơn 2.000 con chim cảnh phải diệt. Với những con chim quý hiếm thì các hộ nuôi cần có đăng ký với chính quyền địa phương để đảm bảo phòng dịch.
"Hà Nội vẫn chưa có thông báo rõ ràng là cấm nuôi chim quý hiếm, nên để định hướng người dân rõ hơn, chúng tôi sẽ đề nghị UBND thành phố ra thông báo cụ thể về chim cảnh", ông Diến nói.
Đoàn Loan
▪ Tuyên bố tầm nhìn chung về quan hệ đối tác ASEAN-Hoa Kỳ (17/11/2005)
▪ Hai tháng, vẫn chưa được nhận chứng minh nhân dân (18/11/2005)
▪ Thấp thỏm chờ... điện (18/11/2005)
▪ Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (18/11/2005)
▪ Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh tiếp Đoàn đại biểu UBTƯ Mặt trận Lào xây dựng đất nước (18/11/2005)
▪ Vòng Thành phố (18/11/2005)
▪ Chương trình ẩm thực châu Âu (18/11/2005)
▪ Đề nghị Chính phủ hoãn tặng cờ cho trường Lê Viết Thuật (18/11/2005)
▪ 9 lao động VN bị đánh trên tàu Hàn Quốc hôm nay về nước (18/11/2005)
▪ 5-6 ngày tới miền Bắc tiếp tục rét (18/11/2005)