PV: Thưa đồng chí, Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam được thành lập đã 75 năm. Ðề nghị đồng chí cho biết, sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc đã được xây dựng, củng cố và tăng cường như thế nào kể từ ngày thành lập đến nay?
Ðồng chí Phạm Thế Duyệt: 75 năm tồn tại và phát triển, Mặt trận dân tộc thống nhất đã lớn mạnh không ngừng, có những đóng góp hết sức to lớn, thật sự là một trong những nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Kế tục sự nghiệp cách mạng của Hội Phản đế đồng minh và của Mặt trận dân chủ Ðông Dương, Mặt trận Việt Minh đã tập hợp các tầng lớp nhân dân, các đảng phái yêu nước và các tổ chức cứu quốc, dưới ngọn cờ của Ðảng, đoàn kết, động viên toàn dân vùng lên giành chính quyền, đưa Cách mạng Tháng Tám đến thắng lợi, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.
Ðoàn kết trong Mặt trận Liên Việt, nhân dân và quân đội ta với sức mạnh vô biên đã làm nên chiến thắng Ðiện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi, giải phóng một nửa đất nước, xây dựng và bảo vệ miền bắc XHCN, làm hậu phương vững chắc cho tiền tuyến lớn miền nam chống Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai. Ðoàn kết trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trong Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam và Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam, nhân dân và quân đội ta đã làm tròn sứ mệnh lịch sử vẻ vang của mình là "đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào", bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước, hoàn thành sự nghiệp cách mạng dân tộc dân chủ, đưa cả nước quá độ tiến lên CNXH.
Trong công cuộc đổi mới, MTTQ Việt Nam với tính chất là một tổ chức liên minh chính trị, một tổ chức chính trị-xã hội rộng lớn nhất của nhân dân ta, nơi thể hiện ý chí và nguyện vọng của mọi tầng lớp nhân dân, nơi hiệp thương và thống nhất hành động của các thành viên, đã phối hợp với chính quyền giải quyết ngày càng có hiệu quả những vấn đề bức xúc của nhân dân, thực hiện dân chủ, đổi mới xã hội, chăm lo lợi ích chính đáng của các tầng lớp nhân dân; tham gia ngày càng thiết thực vào việc xây dựng, giám sát, bảo vệ Ðảng và chính quyền.
Với tư cách là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, MTTQ Việt Nam đã phối hợp ngày càng nhiều hơn với chính quyền các cấp, từ trung ương đến địa phương, trong việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế-xã hội, an ninh, quốc phòng và đối ngoại, nhằm cùng nhau nỗ lực xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Một đặc điểm cần lưu ý là, khi chưa giành được chính quyền, Ðảng ta thông qua Mặt trận dân tộc thống nhất đưa ra những chính sách phù hợp nhằm tập hợp, đoàn kết các lực lượng đấu tranh giành chính quyền và Mặt trận đã từng làm chức năng quản lý ở những vùng được giải phóng.
PV: Trong thời gian qua, MTTQ Việt Nam đã tổ chức nhiều cuộc vận động, nhiều phong trào thi đua yêu nước trong các tầng lớp nhân dân. Ðề nghị đồng chí cho biết hiệu quả các cuộc vận động này?
Ðồng chí Phạm Thế Duyệt: Ý thức được vai trò, trách nhiệm của nhân dân trước lịch sử, trong những năm qua, MTTQ Việt Nam các cấp đã ra sức động viên nhân dân hưởng ứng các phong trào thi đua, các cuộc vận động, nhất là hai cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" và cuộc vận động "Ngày vì người nghèo", do Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam phát động.
Thực hiện tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Lấy sức dân mà xây dựng cuộc sống cho dân", năm 1995, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam đã phát động cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư", nay là "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư". Ðây là cuộc vận động mang tính toàn dân, toàn diện và toàn quốc của thời kỳ đổi mới đất nước, đổi mới công tác Mặt trận. Qua 10 năm tiến hành cuộc vận động, nhất là 5 năm gần đây, nhân dân ta đã thu được những kết quả rất đáng mừng. Ðến hết năm 2004, đã có 101.478 khu dân cư (KDC) triển khai cuộc vận động, đạt tỷ lệ 99,6% tổng số KDC trong cả nước. Về kinh tế, trên cơ sở giúp nhau phát triển sản xuất gắn với chính sách hỗ trợ của Nhà nước, số hộ giàu và khá giả tăng nhanh; số hộ nghèo giảm đi rõ rệt, từ 2,8 triệu hộ năm 2001 (chiếm 17,2%) giảm còn 1,4 triệu hộ vào cuối năm 2004 (còn 8,3%); đã xóa về cơ bản những hộ thiếu đói kinh niên.
Về phong trào "Ðền ơn đáp nghĩa", cùng với việc thực hiện ngày càng chu đáo các chính sách của Nhà nước, Quỹ "Ðền ơn đáp nghĩa" do nhân dân tự nguyện đóng góp đã lên đến con số 1.170 tỷ đồng. Nhờ vậy, hơn 8 triệu người được hưởng chính sách ưu đãi đã có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình ở từng cộng đồng dân cư. Gắn với phong trào "Ðền ơn đáp nghĩa", các hoạt động nhân đạo, từ thiện với nhiều hình thức phong phú phát triển ngày càng rộng khắp để giúp đỡ những người thiệt thòi, gặp khó khăn trong cuộc sống, nhất là đối với những người già không nơi nương tựa, người tàn tật và trẻ mồ côi, những nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin, những người mắc bệnh hiểm nghèo, v.v.
Cùng với những hoạt động nhằm giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa và nhân đạo, từ thiện, trong 5 năm qua, hơn 120 nghìn tổ hòa giải với hơn 500 nghìn hòa giải viên đã hòa giải thành công hơn ba triệu vụ-việc, đạt 62% số vụ việc nảy sinh ở khu dân cư, cảm hóa giáo dục hơn 172 nghìn người lầm lỗi hoàn lương, trở lại hòa nhập cuộc sống cộng đồng, v.v...
Năm năm qua, cuộc vận động "Ngày vì người nghèo" đã được toàn dân nhiệt tình hưởng ứng, liên tục phát triển với kết quả năm sau cao hơn năm trước. Ðến nay, Quỹ Vì người nghèo ở 4 cấp do nhân dân ủng hộ đã đạt hơn 1.200 tỷ đồng. Với số tiền đó, cùng với sự đóng góp to lớn về ngày công, về nguyên vật liệu, các địa phương đã sửa chữa và làm mới được 315.000 ngôi nhà đại đoàn kết cho người nghèo, đem lại niềm vui cho hàng triệu con người.
Ðến nay, đã có 14 tỉnh, 226 huyện, 4.013 xã, phường, thị trấn được cấp bằng công nhận xóa nhà dột nát cho người nghèo. 13 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đang quyết tâm phấn đấu hoàn thành việc xóa nhà dột nát cho người nghèo trong năm 2005. Những kết quả thu được qua hai cuộc vận động trình bày ở trên là rất to lớn, rất quý báu, rất đáng trân trọng. Nó đã góp phần có ý nghĩa quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Song cái quý hơn cả là những cuộc vận động đó đã khơi dậy và phát huy truyền thống tốt đẹp của tổ tiên ta: truyền thống thương yêu, đùm bọc lẫn nhau. Nó góp phần quan trọng vào việc củng cố và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng thêm sự đồng thuận xã hội trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN.
PV: Thưa đồng chí, làm thế nào để phát huy vị trí, vai trò của Mặt trận trong việc vận động các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng Ðảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh?
Ðồng chí Phạm Thế Duyệt: Ðể phát huy hơn nữa vị trí, vai trò của MTTQ Việt Nam trong việc vận động nhân dân tham gia xây dựng Ðảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, tôi nghĩ rằng trước hết cả hệ thống chính trị phải nắm vững và thực hiện nghiêm chỉnh Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ðối với Mặt trận, Ủy ban MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên phải làm tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội. Phải thực hiện nhiệm vụ động viên nhân dân phát huy quyền làm chủ, giám sát mọi hoạt động của các cơ quan Nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ, công chức Nhà nước một cách thật sự, tránh hình thức. Mặt trận phải thật sự là tổ chức thể hiện ý chí, nguyện vọng và là nơi tập trung trí tuệ của toàn dân tộc để làm tốt chức năng phản biện xã hội đối với mọi chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước, làm cho chủ trương, chính sách đó sát cuộc sống, phù hợp nguyện vọng của nhân dân.
Một vấn đề quan trọng khác mà Luật đã quy định là Mặt trận phải làm tốt, làm một cách công tâm, không né tránh nhiệm vụ hiệp thương, lựa chọn người ứng cử vào Quốc hội, HÐND các cấp và kiên quyết đề nghị bãi miễn những đại biểu tham ô, lãng phí, quan liêu, xa dân, những đại biểu không hoàn thành nhiệm vụ.
PV: Ðược biết trong dịp kỷ niệm 75 năm thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất, nhiều địa phương tổ chức Ngày hội đoàn kết toàn dân tại các khu dân cư. Ðề nghị đồng chí cho biết mục đích, ý nghĩa của Ngày hội này?
Ðồng chí Phạm Thế Duyệt: Tiêu đề của Ngày hội đã nói lên mục đích, ý nghĩa của ngày này. Mục đích chủ yếu của Ngày hội là làm 83 triệu con dân đất Việt không phân biệt quá khứ, thành phần giai cấp, dân tộc, tôn giáo, ý thức hệ, người trong Ðảng hay ngoài Ðảng, người đương chức hoặc đã về hưu, lãnh đạo hoặc nhân viên, ở từng KDC có dịp gặp nhau để cùng xem xét, đánh giá việc xây dựng KDC mà mình đang sinh sống theo 6 nội dung mà cuộc vận động đã đề ra, đồng thời cùng nhau bàn và thống nhất những biện pháp sẽ thực hiện trong năm tới nhằm xây dựng KDC tự quản, văn minh, mỗi gia đình đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Ngày hội đoàn kết toàn dân cũng là dịp để các đồng chí lãnh đạo Ðảng, chính quyền, MTTQ các cấp về sinh hoạt với dân, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của dân ở chính ngay KDC mà mình và gia đình đang cư trú và sống.
PV: Tiếp tục thực hiện tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, theo đồng chí, chúng ta cần tập trung làm gì để phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp CNH, HÐH đất nước?
Ðồng chí Phạm Thế Duyệt: Muốn đoàn kết toàn dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh theo tôi mỗi cán bộ, đảng viên phải thấm nhuần quan điểm "lấy dân làm gốc"; "phải coi cách mạng là sự nghiệp của dân, do dân, vì dân"; "phải có chính sách phù hợp để khuyến khích đời sống vật chất, tinh thần của mọi người dân"; "cả hệ thống chính trị gồm Ðảng, Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể đều phải quan tâm, phải làm tốt công tác dân vận của Ðảng. Chỉ có những chính sách và những việc làm cụ thể, hợp lòng dân thì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc mới được thực hiện đầy đủ nhất.
Ðể tiếp tục thực hiện tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta phải thực hiện tốt hơn nữa phương hướng chiến lược mà Ðại hội IX của Ðảng ta đã đề ra là: "Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh CNH, HÐH, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN".
PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí.
|