Bảy năm liền bệnh viện là... nhà
Bị nhiễm chất độc da cam từ người bố cho nên ngay từ lúc mới sinh, hai chân của Bình đã bị khoèo. Khi đó, các bệnh viện ở Thái Nguyên chưa đưa ra được nguyên nhân vì sao. Vì thế, chỉ vài tuần tuổi, cha mẹ đã phải đưa Bình đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác ở Hà Nội để chữa. Mỗi tuần một lần, nửa tháng một lần, rồi một tháng một lần, hai chân Bình lại phải bó bột. Cứ như thế, bảy năm liên tục, bao nhiêu tiền của dành dụm được, gia đình đều dồn cả để chữa bệnh cho Bình. Vậy nhưng, bệnh tình của Bình vẫn không hề biến chuyển. Bà Nguyễn Thị Tâm - mẹ Bình nghẹn ngào trong nước mắt: Nhiều đêm mùa đông, trời mưa tầm tã, tôi phải ôm nó trong chiếc áo mưa đứng ngoài hành lang Bệnh viện Bạch Mai chờ sáng hôm sau được khám bệnh trước, để kịp ra ga về nhà, đi làm. Nếu ở lại lâu, tôi sẽ không đủ tiền để chi phí ăn uống, ở trọ. Cho đến giờ, mẹ của Bình không thể nhớ nổi mình đã đưa con đi bệnh viện bao nhiêu lần. Chỉ biết rằng, tập giấy ra viện của Bình đã dày hơn một gang tay của bà...
Ðến trường trên cả đôi tay
Lên tám tuổi, bố mẹ cho Bình đi học. Mặc dù, thương con đến cháy lòng nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố công tác ở huyện Ðại Từ, mẹ làm công nhân ở phường Cam Giá cho nên Bình phải tự lập trong việc đi lại, học hành. Hằng ngày, bằng cả hai chân và hai tay, Bình phải vượt gần 6 km (cả đi lẫn về) để đến trường. Những ngày trời nắng, cả cơ thể Bình rát bỏng. Còn khi trời mưa, đường trơ sỏi đá, chân tay Bình lại rơm rớm máu. Thỉnh thoảng mẹ nghỉ làm đưa Bình đến trường hoặc Bình được bạn bè đẩy giúp trên chiếc xe cút kít. Khó khăn, vất vả là thế, nhưng Bình không bao giờ bỏ học. Ðiều gì giúp Bình có được nghị lực ấy?
- Chúng tôi hỏi. Bình cười hiền lành: Mình cũng chẳng biết nữa. Chỉ nhớ rằng, khi nhìn thấy các bạn đi học, biết chữ, mình thích lắm. Thỉnh thoảng lại được cô giáo khen trước lớp, mình rất vui.
Học xong tiểu học, THCS, rồi THPT, năm 1996, Bình nộp hồ sơ xin học ở Trường dạy nghề Trung ương I (Hà Tây). Hai năm học xa nhà, Bình phải tự lo mọi việc. Nhưng được sự tận tình chỉ bảo của các thầy giáo, cô giáo, cùng với ý chí vượt khó vươn lên, Bình đã hoàn thành khóa đào tạo sửa chữa điện tử. Cũng thời gian này, đôi chân của Bình được phẫu thuật. Ra trường, Bình tiếp tục phải theo đuổi những ca phẫu thuật để cho đôi chân khỏi hẳn. Bình lại tập đi như đứa trẻ 1 tuổi. Ðó là một quãng thời gian đầy khắc nghiệt của Bình.
Vạn sự khởi đầu nan
Khỏi chân, Bình dành thời gian ba năm xin làm thợ phụ cho một số cửa hàng điện tử ở Hà Nội và Thái Nguyên để lấy thêm kinh nghiệm. Khi đã thạo việc, Bình quyết định làm riêng. Trong lúc khó khăn về vốn, Bình vẫn phải thuê địa điểm mở cửa hàng. Sau đó, bố mẹ đã vay mượn tiền của cơ quan, người thân giúp Bình xây cửa hàng. Bình kể, mấy tháng đầu ra nghề, số tiền mà mình kiếm được chỉ đủ để trả tiền điện. Bởi lúc đó, chưa ai tin mình có thể sửa được đồ cho họ. Không nản lòng, Bình vẫn kiên trì củng cố thêm kiến thức thông qua sách báo và thực hành trên những máy móc, thiết bị đã cũ, hỏng. Dần dần, cửa hàng của Bình đã có khách. Do làm tốt, giá cả hợp lý nên khách hàng đến với Bình mỗi ngày một đông. Hiện tại, thu nhập của Bình đạt trên dưới một triệu đồng/tháng. Mức thu nhập này về cơ bản đã giúp Bình tự trang trải được cuộc sống. Bình tâm sự: Năm ngoái, nếu không phải nằm viện hai lần thì mình đã thi vào Khoa điện Trường đại học Công nghiệp. Ước gì, sức khỏe lúc nào cũng ổn định để mình có thể học lên...
Hiện tại, cả ba anh em Bình đều được hưởng trợ cấp nạn nhân chất độc da cam. Những khó khăn của Bình và gia đình giờ chưa hẳn đã hết, nhưng trong câu chuyện mà Bình kể, chúng tôi nhận thấy, rất ít lần Bình nói về nỗi vất vả của mình mà thay vào đó, là hàng loạt dự định, kế hoạch giúp đỡ những người cùng hoàn cảnh. Mong sao, những ước muốn của Bình và gia đình sẽ trở thành hiện thực; mọi nạn nhân chất độc da cam cũng có được cuộc sống ổn định như Bình và như những con người bình thường khác.
THU HẰNG (Thái Nguyên)
|