Ðó là những cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi tới công trường 06 của thị xã Tuyên Quang đóng tại xóm 16, xã Nông Tiến, nơi đang quản lý 81 người cai nghiện giai đoạn 2 theo quy trình cai nghiện ba giai đoạn của tỉnh Tuyên Quang. Ðây là một trong sáu công trường đặc biệt của tỉnh, đặc biệt ở chỗ vừa như công trường sản xuất, bởi những con người nơi đây hằng ngày vẫn làm ra sản phẩm (khai thác đá vật liệu xây dựng) để nuôi sống bản thân mình, nhưng mục tiêu chính lại là lao động để chữa một căn bệnh - nghiện ma túy.
Quả thật, nếu ai chỉ một lần ngang qua, khó có thể hình dung đây lại là nơi tập trung của những người nghiện ma túy. Chẳng có chòi canh, không hàng rào, nhưng tất cả đều tự giác chấp hành kỷ luật lao động.
Ðỗ Ðăng Ðiều là người đầu tiên chúng tôi gặp. Ðiều hướng dẫn ba công trường viên (những người cai nghiện ở đây đều được gọi như vậy) đang vận hành máy khoan đá.
- Em chào các thầy ! - Ðiều cất tiếng chào khi thấy chúng tôi tới bên cạnh. Lời chào của Ðiều khiến tôi ngỡ ngàng. Dường như hiểu sự lạ lẫm của tôi, anh Trần Hồng Quang, Thượng úy công an, Phó Giám đốc Công trường nói khẽ, sau này anh sẽ thấy tại sao họ lại gọi chúng tôi như vậy. Cuộc đời của Ðiều thuộc diện "ba chìm, bảy nổi", đều tự mình gây ra. Cũng được học hành như chúng bạn, rồi lấy vợ sinh con, "tự dưng" Ðiều nghiện ma túy. Ðang từ một nông dân thuần phác, mắc nghiện rồi chẳng chịu lao động, chỉ nhăm nhăm tìm tiền thỏa mãn cơn nghiện. Nhà hết tiền thì đi ăn trộm, bị bắt đi tù, được tha, lại nghiện. Người vợ đầu không chịu nổi phải dứt áo ra đi. Người vợ sau làm nghề nấu cỗ thuê, mùa thiên hạ cưới, việc nhiều thì đủ ăn, tiền đâu mà mua ma túy. Hai đứa con ngày càng lớn, cảnh nhà nheo nhóc... Chẳng muốn một lần nữa phải đi tù - đó là động lực thúc đẩy Ðiều đến với công trường.
Công trường viên Hoàng Trần Ðược là một người bất hạnh. Bị bố, mẹ bỏ rơi ngay khi mới lọt lòng, dù được một người tốt bụng mang về nuôi và hết lòng thương yêu, nhưng chỉ vì lời khích bác của một số bạn xấu gọi Ðược là "đứa con hoang", nên mặc cảm, rồi sinh ra nghiện hút. Ðặng Ngọc Hồi, Lê Trọng Quân... mỗi người đều có một lý do riêng bao biện về con đường dẫn tới nghiện ngập ma túy của mình. Và trong số họ, không ít người vì ma túy đã nhúng tay vào tội lỗi. Giờ đây, họ đang làm việc cật lực, tìm nguồn vui bằng chính sức lao động của mình. Chỉ tính riêng sáu tháng đầu năm nay, công trường đã sản xuất được hơn 1.500 m3 đá các loại, bình quân mỗi người thu nhập 350.000 đồng/tháng. Mỗi viên đá đều thấm đẫm những giọt mồ hôi và ý chí quyết tâm vượt qua chính mình để sớm hoàn lương.
- Làm thế nào để giúp họ vượt qua quãng đời lầm lỗi? Tôi hỏi thiếu tá Ðường Văn Lượng, Giám đốc Công trường, anh cho biết, các công trường viên khi đến đây đều đã qua giai đoạn cai cắt cơn tại xã, phường, dù không còn lên cơn vật vã nhưng bảo họ đã nói không với ma túy thì chưa. Vì vậy, để giúp họ đoạn tuyệt với ma túy, chỉ có thể bằng cách nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, hoàn cảnh của từng người để động viên giúp họ giải tỏa sự bức bối về tâm lý, yên tâm lao động. Nói thì vậy nhưng thực hiện đâu có dễ, Bản thân anh Lượng 27 năm trong ngành công an, thì 26 năm làm quản giáo ở Trại tạm giam Công an tỉnh, từ đầu năm 2005 mới được điều về làm giám đốc công trường. Nhà ở cách công trường chỉ hơn 4 km nhưng họa hoằn lắm mới rẽ qua. Vừa rồi, con gái anh đi thi đại học, đã hứa là bố trí công việc đưa con đi thi, nhưng tới ngày lên đường thì đành phải để vợ đi thay. Tất cả thời gian anh đều dành hết ở công trường, vừa chạy đôn, chạy đáo lo tìm nơi tiêu thụ sản phẩm, vừa lo quản lý động viên người nghiện. Thời gian biểu của anh cũng như các cán bộ công trường gắn liền với hoạt động của công trường viên từ giờ ăn, nghỉ.
- Thế có trường hợp nào bỏ trốn không?
- Có đấy. Từ đầu năm tới giờ có hai trường hợp, đó là Trần Việt Hải và Vương Ðình Thi. Ðây là hai người mới tới công trường. Ngay sau khi phát hiện, trong đêm cán bộ quản lý đã phân công nhau về tận nhà, động viên gia đình, bạn bè đưa họ trở lại công trường, đồng thời tìm hiểu nguyên nhân. Hơn một tuần sau, thấy hai "cu cậu" mò về, lúc ấy mới vỡ lẽ là do nghe tin có bạn ở nhà chết vì nghi bị "ết" nên trốn đi xét nghiệm xem sao. Khi có kết quả mới yên tâm lại trở về tiếp tục cai nghiện.
Ði thăm ao cá, vườn rau xanh, chứng kiến cảnh cán bộ và người nghiện của công trường vừa tưới rau, chăn cá vừa trò chuyện tâm tình, tôi mới hiểu tại sao các công trường viên lại gọi cán bộ quản lý ở đây là thầy. Bởi tuy họ không dạy chữ nhưng đã dạy cho những người có một thời lầm lỗi biết giá trị cuộc sống, biết sớm phục thiện, trở về với cộng đồng.
|