TB Dân nguyện QH: "Tôi phải nhờ người quen đăng ký xe"
Các Website khác - 12/12/2005

Ông LÊ QUANG BÌNH, trưởng ban Dân nguyện QH cho biết như thế sau khi theo dõi khá kỹ kỳ họp thứ 5 của HĐND TP Hà Nội vừa qua.
>> Toàn cảnh cho đăng ký xe máy trở lại

Soạn: AM 647777 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Ông Lê Quang Bình.

- Sau ba ngày họp HĐND TP Hà Nội, dường như ông thất vọng vì Hà Nội không bãi bỏ qui định tạm dừng đăng ký xe máy ở bảy quận nội thành?

- Ông LÊ QUANG BÌNH: HĐND TP đã giao cho UBND TP tổng kết toàn diện vấn đề, sau đó báo cáo thường trực HĐND, Chính phủ, Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã báo cáo Quốc hội về vấn đề giám sát ban hành văn bản vi phạm pháp luật, trong đó có qui định tạm dừng đăng ký xe máy ở Hà Nội. Báo cáo nói rõ đây là qui định trái pháp luật vì Bộ luật dân sự qui định công dân có quyền có tài sản, không hạn chế.

Vì thế, ngày 12-12, tôi sẽ báo cáo vấn đề của Hà Nội với Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và sẽ đề nghị thường vụ tiếp tục theo dõi việc này, đề nghị đôn đốc TP báo cáo lên Chính phủ để quyết định. Trong trường hợp Chính phủ quyết định không bãi bỏ sẽ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát.

- Nhưng có lãnh đạo Hà Nội muốn tiếp tục duy trì qui định này vì cho rằng việc cấm đăng ký xe máy thời gian qua có hiệu quả?

- Trước hết phải nói rằng không chỉ xe máy mà cả ôtô cũng đang quá tải, nhưng phải áp dụng giải pháp khác chứ không vì thế mà cấm đăng ký xe máy. TP báo cáo khi tạm dừng đăng ký, lượng xe máy đăng ký mới ở nội thành giảm, nhưng thực tế lượng xe máy đăng ký ở ngoại thành lại tăng, người dân đăng ký xe máy ở Hải Phòng, Hà Tây, Lạng Sơn... nhưng mang về sử dụng ở Hà Nội rất nhiều.

Trong điều kiện đường sá của Hà Nội hiện nay, xe máy vẫn là phương tiện thuận tiện nhất, tốt nhất. Người dân không đi xe máy thì biết đi bằng phương tiện gì? Hệ thống phương tiện công cộng phải được cải thiện, còn hè đường để đi bộ, nói thì hơi ngoa nhưng đúng là đi bộ cũng rất khó.

“Các nước khác có nhiều biện pháp hữu hiệu. Ví dụ như đánh thuế, qui định tuyến phố, khu phố không được đưa xe máy, ôtô vào. Quan trọng nhất là phải cải thiện hệ thống giao thông, về lâu dài phải đưa các cơ quan hành chính, trường học, bệnh viện, nhà máy, một số dịch vụ không cần thiết... ra khỏi nội thành hay lập các thành phố vệ tinh”.

- Kỳ họp vừa rồi có nhiều ý kiến đại biểu đề nghị bãi bỏ qui định cấm đăng ký xe máy, nhưng HĐND TP gác lại chứ không cho biểu quyết. Ông nghĩ sao?

- Đúng là ở HĐND TP vừa qua cũng có hai luồng ý kiến khác nhau. Ý kiến thứ nhất cho rằng nên bãi bỏ qui định đó. Ý kiến thứ hai cho rằng đợi tổng kết rồi xin ý kiến thi hành, qui định đã có lâu rồi, để vài tháng nữa cũng không sao.

HĐND TP là cơ quan đại biểu cho dân, cơ quan quyền lực cao nhất ở địa phương, đại diện cho quyền lợi, ý chí, nguyện vọng, quyền làm chủ của nhân dân. Nếu có các ý kiến khác nhau phải thảo luận đến nơi đến chốn. Thảo luận một tiếng không xong sẽ thảo luận hai tiếng, ba tiếng để cuối cùng biểu quyết theo nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số. Nhưng lãnh đạo HĐND TP lại không thực hiện biểu quyết. Đến giờ, HĐND TP cũng đã kết thúc họp, chúng ta phải chờ thôi.

Nếu ở Quốc hội, những vấn đề có hai ba ý kiến khác nhau, thậm chí có nhiều ý kiến hơn, sau đó phải lọc dần còn hai luồng ý kiến rồi biểu quyết. Ý kiến nào chiếm đa số thì theo ý kiến đó.

- Vậy những căn cứ, hay còn gọi là “lệ làng” mà Hà Nội đưa ra để không bãi bỏ qui định đó thì sao? Ông cũng từng nói rằng qui định của Hà Nội là vi phạm hiến pháp?

- Có lẽ Thành ủy Hà Nội quyết theo hướng của Bộ Chính trị. Nghị quyết của Bộ Chính trị nói cũng khá rõ (nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 15-12-2000 đề ra phương hướng nhiệm vụ phát triển thủ đô Hà Nội trong giai đoạn 2001 - 2010 ghi: “Hạn chế, tiến tới không để các phương tiện thô sơ và xe gắn máy đi trong nội thành để khắc phục ùn tắc và ảnh hưởng tới môi trường” - PV). Hà Nội căn cứ vào một số nghị quyết của Đảng, của Chính phủ. Còn về ý kiến cá nhân tôi, mọi công dân, cơ quan, tổ chức phải thi hành theo hiến pháp và pháp luật. Hơn nữa, thực tế biện pháp cấm đăng ký xe máy của Hà Nội không hạn chế được gia tăng ùn tắc giao thông trong nội thành. Do đó phải tìm giải pháp khác.

- Cá nhân ông có gặp phải phiền toái gì khi Hà Nội áp dụng biện pháp cấm đăng ký xe máy không, thưa ông?

- Vừa rồi con trai tôi học hết phổ thông và vào đại học. Vì nó đi làm thêm nên tôi phải mua xe máy cho nó, nhưng do trong nội thành không cho đăng ký nên phải nhờ người quen ở huyện Gia Lâm đăng ký hộ. Cuối cùng xe máy đấy cũng mang vào sử dụng ở nội thành. Trong khu tập thể của tôi cũng có một số gia đình đổi xe, mua xe mới đều phải nhờ hoặc thuê đăng ký ở huyện Gia Lâm, Sóc Sơn. Đấy là nhu cầu tất yếu thôi. Mà xe máy chở hai người chiếm chỗ ít hơn ôtô chở hai người nhiều.

- Xin cảm ơn ông.

Khiết Hưng (Tuổi Trẻ)

Ý kiến của bạn?