Nơi phố cổ, ngày càng nhiều những cửa hàng, cửa hiệu sang trọng được khai trương, nhưng gia đình bà Trần Thị Chính vẫn quây quần trong mấy gian nhà cũ ở 36 phố Hàng Cá. Nhiều mảng tường đã lở, sàn gỗ mòn vẹt, cánh cửa đã mục, nhưng vẫn là không khí đầm ấm và ngăn nắp. Gia đình các con trai cùng cháu nội, mỗi người có nghề nghiệp, sở thích riêng, nhưng vẫn sớm khuya tận tình với mẹ, với bà. Hôm nay, người con trai cả đưa bà Chính đi may một chiếc áo dài, để mặc trong Ngày hội áo dài phố cổ. Gần hai chục năm nay, bà vẫn may áo dài ở cửa hiệu Hà Phương, số 45 phố Lương Văn Can.
Người già thường sống bằng kỷ niệm, có lẽ thế nên trong lời kể của bà Chính, thấy Hà Nội đẹp và thơ. Vốn là nữ sinh trường Ðồng Khánh, như phần lớn các cô gái thời đó, cô Chính có rất nhiều áo dài. Những lúc đến lớp, các cô mặc đồng phục là áo dài trắng. Dịp lễ, Tết hoặc những ngày hội, các cô mặc áo dài mầu.
Năm 1943, bà Chính về làm dâu và sống cùng gia đình chồng ở phố Hàng Cá. Hơn sáu mươi năm, bà đã chứng kiến bao cảnh đổi thay, ngày càng khang trang, hiện đại của khu phố này. Vậy mà, bà vẫn giữ nếp cũ, được mẹ chồng dạy bảo, rằng dân hàng phố ưa trang phục giản dị, ghét lòe loẹt, tránh tiếng xa hoa. Thanh lịch một phần cũng ở cách ăn mặc. Áo quần không cần quý, đẹp mà phải gọn gàng, là tôn trọng mọi người và chính mình. Có thể mặc áo vá chứ không được mặc áo rách. Những miếng vá phải ngay ngắn, đúng mầu vải, mầu chỉ. Ở tuổi 85, bà vẫn giữ được dáng vẻ lịch lãm. Ði lại bằng xe lăn nhưng mỗi khi xuống phố vào dịp lễ, Tết, ngày hội, bà vẫn mặc áo dài, kiểu áo tay liền vai, khép tà.
Bà bảo: "Sự ý tứ trong cách ăn nói, đi đứng tạo nên nét riêng quyến rũ của phụ nữ Hà Thành". Mấy gian nhà cổ thấp và hẹp, có chiếc cầu thang gỗ dốc ngược, gợi không khí ấm cúng và gần gũi, hay nếp nhà được truyền dạy, giữ gìn giúp những người con, cháu lớn lên thành đạt và hiếu thuận?
Phố Lương Văn Can, trước có lên là Lê Quý Ðôn, những năm cuối thế kỷ 19, có các thợ may khâu tay gốc ở làng Trạch Xá, Vân Ðình (Ứng Hòa, Hà Tây) đến đây lập nghiệp. Hơn một thế kỷ, qua nhiều thăng trầm, trong khi "nếp mặc" có nhiều thay đổi, các công ty may mặc mỗi mùa lại đua nhau ra "mốt" mới, thì các cửa hiệu may áo dài truyền thống, áo bông trần trên phố Lương Văn Can vẫn giữ và sống được bằng nghề. Vốn cổ, nếp đẹp xưa vẫn đứng vững trước những cám dỗ của cơ chế thị trường.
Ông Tạ Quang Vạn, chủ cửa hiệu Vạn Mỹ ở số nhà 22, học nghề may từ năm tám tuổi. Mười lăm tuổi, ông tự tay khâu được chiếc áo dài đầu tiên. Mười tám tuổi, ông ra Hà Nội và sống bằng nghề may từ đó đến nay. Ở tuổi 73, dẫu tai nghe không còn rõ tiếng, nhưng ông vẫn cặm cụi với nghề. Bốn người con của ông Vạn đều theo nghề may.
Lần đầu tiên, chương trình "Một thoáng văn hóa phố cổ Hà Nội" được tổ chức đơn giản nhưng để lại nhiều ấn tượng và cảm xúc, diễn ra từ ngày 29-11 đến 1-12. Một không gian gia đình thi thư đầu thế kỷ 20 được tái hiện sinh động tại số nhà 87 Mã Mây với trà, thơ và ca trù. Thật yên bình là hình ảnh những cô gái áo tứ thân với gánh hàng hoa thong dong trên phố, những đứa trẻ chơi ô ăn quan, nhảy dây, đánh chuyền, những cụ già ngồi viết câu đối, nặn tò he, hay vừa têm trầu vừa hát. Theo Ban tổ chức chương trình - Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội và UBND quận Hoàn Kiếm, Ngày hội áo dài phố cổ sẽ được duy trì đều đặn vào ngày 30-11 hằng năm. Trong chiều đông se lạnh, dừng chân ở chùa Cầu Ðông, ngôi chùa cổ, được xây dựng từ thế kỷ 11 ở 38 phố Hàng Ðường, cảm nhận rõ hơn hồn phố được lưu giữ, không chỉ bằng những sự vật hiện hữu mà còn bằng tâm linh của chính những người có mặt cùng phố cổ hôm nay. Nơi đây, tưởng như môi trường sống không có chỗ cho sự tĩnh tại, lại vẫn giữ những dáng vẻ và nếp sống xưa. Thấy yêu hơn nét thanh bình đáng trân trọng và gìn giữ của Thăng Long - Hà Nội.
|