Thi công 3/10 gói thầu rồi bỏ
Các Website khác - 25/08/2005

Khởi công từ cuối năm 1999, dự án đường song hành xa lộ Hà Nội, sau khi thi công được vài gói thầu, đã ngưng trệ từ năm 2003 đến nay

Nếu ngưng thực hiện dự án thì phải thông báo cho dân biết, chứ bỏ giữa chừng kiểu này, thiệt hại chỉ có người dân lãnh đủ” - bà Huỳnh Thị Hồ, ngụ tại phường Phước Long A, quận 9, đã bày tỏ như vậy.

Mới chỉ đào và lấp

Không khó nhận ra sự tắc trách của dự án, đặc biệt là đoạn từ khu vực cảng Phước Long ICD đến ngã tư Điện Lực. Do bị bỏ phế, mặt đường ở một số đoạn bị xuống cấp khá nặng. Lớp nhựa mỏng trên mặt đường bị bật tróc nham nhở. Càng gần đến ngã tư Điện Lực, do công trình chỉ mới dừng lại ở việc đào và lấp... nên hiện trường hết sức nham nhở, lỗ chỗ ổ gà, ổ voi, nước tù đọng thường xuyên. Các hộ dân ven đường còn tranh thủ chiếm dụng mặt đường làm nơi mua bán. Nhiều cơ sở sửa chữa xe hơi cũng tranh lấn chiếm khiến khu vực cửa ngõ càng thêm nhếch nhác. Ông Nguyễn Văn Thừa, ngụ tại phường Phước Long A, lắc đầu: “Năm 2002, đơn vị thi công đào mặt đường lên, lắp thêm cống thoát nước rồi để nguyên vậy... từ đó cho đến nay. Trời mưa lớn là khu vực trước nhà ngập sâu hơn nửa mét”.

Theo UBND quận 9, không phải đến bây giờ, người dân mới bức xúc về tình trạng dự án trên. Tháng 7-2003, do tiến độ thi công hệ thống thoát nước quá ì ạch, diện mạo của công trình đã rất nham nhở. Đặc biệt, việc thi công hệ thống thoát nước (đoạn từ ngã tư Bình Thái đến Xí nghiệp Cofidec) hết sức cẩu thả của đơn vị thi công đã khiến toàn bộ hệ thống mương tạm bị xói lở, nước tràn vào nhà dân ven đường sau vài cơn mưa lớn.

Chủ thầu “bỏ của chạy lấy người”

Đường song hành xa lộ Hà Nội do Công ty Dịch vụ Phát triển đô thị (nay là Công ty TNHH Đầu tư phát triển Thủ Thiêm) làm chủ đầu tư; tổng vốn đầu tư 310 tỉ đồng (kể cả đền bù, giải tỏa).

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tiến độ thực hiện dự án ì ạch có một phần nguyên nhân là do UBND TP đã nhiều lần thay đổi phân kỳ đầu tư và đặc biệt là chủ trương thiết kế cầu Rạch Chiếc. Cụ thể: Tháng 5-1999, UBND TP chỉ đạo “hai cầu vượt Rạch Chiếc được xây dựng tạm bằng cầu sắt”. Đến tháng 6-2000, TP lại có ý kiến chỉ đạo “điều chỉnh quy mô thiết kế cầu Rạch Chiếc từ cầu sắt tạm sang cầu bê tông vĩnh cửu. Tháng 10-2001, sau chuyến “thị sát” cầu Rạch Chiếc, Bộ GTVT lại đề nghị TP xây dựng lại ngay cầu Rạch Chiếc chính trên xa lộ Hà Nội để bảo đảm giao thông thông suốt. Như vậy, chỉ trong 3 năm, TP đã 3 lần thay đổi chủ trương thiết kế cầu Rạch Chiếc. Chưa giải quyết hết khó khăn về việc thay đổi thiết kế cầu Rạch Chiếc, đầu năm 2002, dự án lại gặp một trở ngại khác khi UBND TP yêu cầu “nghiên cứu lại quy hoạch lộ giới và chi tiết mặt cắt ngang xa lộ Hà Nội”.

Một trở ngại khác khiến dự án trì trệ là do dân khiếu nại về giá đền bù giải tỏa, dù có thời điểm đã được điều chỉnh tăng lên 134,4 tỉ đồng (tăng 11,58% lần so với dự toán), ảnh hưởng đến việc giải phóng mặt bằng. Nhiều chủ thầu đã ngán ngẩm “bỏ của chạy lấy người”. Năm 2003, thời điểm TP giao lại dự án này cho Sở GTCC, chỉ có 3/10 gói thầu thi công dở dang rồi ngưng lại.

Chất lượng thi công cũng có vấn đề

Kết quả kiểm định chất lượng (do Công ty Tư vấn công nghệ thiết bị và Kiểm định xây dựng - Bộ Xây dựng thực hiện) 3 gói thầu trên cũng có vấn đề. Cụ thể: Dải phân cách ở đoạn 1 không đạt yêu cầu thiết kế (chiếm 66,66%); riêng đoạn 2 và đoạn 3, không đạt yêu cầu thiết kế chiếm từ 25% đến 50%.

Ông Vũ Kiến Thiết, Phó Giám đốc Khu Quản lý Giao thông đô thị I, cho biết: “Sau khi nhận bàn giao lại dự án, Sở GTCC TP đã tiến hành lập dự án và triển khai thi công bảo đảm giao thông đường song hành Nam xa lộ Hà Nội (đoạn từ cầu Sài Gòn đến cầu Rạch Chiếc) và đã đưa vào phục vụ lưu thông cho xe 2 bánh trong dịp Tết 2005. Hiện khu đang tiến hành lập dự án bảo đảm giao thông cho các đoạn còn lại. Chủ trương là tận dụng hết các hạng mục thi công chứ không phá bỏ.

Bài và ảnh: Vĩnh Tùng