Sẽ rực rỡ và hoành tráng
Các Website khác - 24/08/2005
Tập dượt tại sân vận động Quốc gia
Mỹ Đình chuẩn bị cho Lễ diễu binh,
diễu hành nhân dịp Quốc khánh 2-9.
Lễ kỷ niệm 60 năm nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sẽ diễn ra sáng 2-9 tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội). Chương trình gồm lễ diễu binh, diễu hành và màn trình diễn nghệ thuật đặc sắc.
Quảng trường Ba Đình sẽ rợp mầu xanh và đỏ

Chiều 23-8, 1.200 diễn viên chuyên nghiệp và không chuyên đến từ 18 trường văn hoá nghệ thuật, đoàn nghệ thuật thuộc Bộ Văn hóa - Thông tin, lực lượng bộ đội Quân khu Thủ đô, câu lạc bộ thiếu nhi... trên địa bàn Hà Nội đã khép lại đợt tập dượt gần một tháng trời tại quảng trường Sân vận động quốc gia Mỹ Đình.

NSƯT Lê Ngọc Cường - Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa - Thông tin) cho biết: Màn biểu diễn nghệ thuật tại Lễ kỷ niệm Quốc khánh diễn ra trên quảng trường Ba Đình dài 20 phút. Chúng tôi chọn kịch bản ba chương của NSƯT Ứng Duy Thịnh, vừa ngắn gọn vừa khái quát được ba mốc lịch sử quan trọng. Đó là Lễ Tuyên ngôn Độc lập 2-9-1945, giải phóng miền nam thống nhất đất nước 30-4-1975 và không khí đổi mới, xây dựng, phát triển trên quê hương Việt Nam.

Phần âm nhạc do Quang Vinh - tác giả của ca khúc SEA Games 22 - đảm nhiệm. Các biên đạo trẻ như Xuân Thanh, Tuyết Minh, Văn Quang... được tung ra sân hướng dẫn tường tận động tác cho từng tốp múa. Quảng trường Ba Đình sẽ rợp mầu xanh và đỏ - mầu cờ giải phóng bởi những tấm ruy-băng, lụa và trang phục diễn viên, cùng hình ảnh đàn bồ câu bay lên nền trời theo hình chữ V. Chính giữa là biểu tượng trống đồng và hình tượng cánh chim hoà bình đang bay lên bên lá cờ đỏ sao vàng.

Biên đạo, NSƯT Ứng Duy Thịnh nói: Thời tiết mấy ngày qua rất khắc nghiệt, các cháu diễn viên dù mệt mỏi nhưng vẫn hăng say và không bỏ tập. Được như thế cũng là một sự cố gắng lớn. Chúng tôi hy vọng sẽ đem đến niềm vui trong ngày vui chung của toàn dân tộc. Thời gian gần đây, NSƯT Ứng Duy Thịnh là tác giả quân đội đắt khách kịch bản. Anh viết cho các lễ hội kỷ niệm 60 năm thành lập quân đội, 30 năm giải phóng miền nam...

Ngoài ra, các lực lượng quân đội, Công an, TDTT… cũng sẽ tham gia lễ diễu binh, diễu hành.

Chuyện của những người luyện tập trên… trời



Sơn sửa máy bay chuẩn bị
cho lễ diễu binh.

Trung đoàn C16 (Quân chủng Phòng không - Không quân) là đơn vị thực hiện nhiệm vụ bay diễu duyệt tại Quảng trường Ba Đình trên bốn chiếc máy bay Mi-17, bay treo cờ tại lễ kỷ niệm 60 năm ngày Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9. Từ những ngày đầu tháng 8, khi nhận được kế hoạch nhiệm vụ, tất cả các thành phần như: phi công, thợ máy, điều hành bay trên không và mặt đất đã bắt tay vào huấn luyện chuẩn bị cho nhiệm vụ quan trọng và cũng khá đặc biệt này. Theo như nội dung của kịch bản, 4 chiếc máy bay Mi-17 của trung đoàn sẽ mang theo cờ Tổ quốc, sếp đội hình chữ T cất cánh từ sân bay Gia Lâm bay vào Quảng trường Ba Đình trong khoảng thời gian từ 45 giây đến 1 phút. Để có được màn trình diễn ấn tượng trong quãng thời gian gần như là khoảnh khắc đó là cả một quá trình tập luyện tỉ mỉ với sự chính xác cao độ của những người diễu duyệt trên không.

Những phi công tham gia nhiệm vụ bay treo cờ diễu duyệt đều là những người có nhiều kinh nghiệm qua những lần bay treo cờ từ các năm 1995-2000. Trung tá, phi công Doãn Xuân Toản, người đã nhiều lần tham gia vào đội hình 5 máy bay trực thăng treo cờ trong lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập nước (1995), lần này anh lại may mắn là một trong những phi công lái chính trong đội hình bay thả cờ. Anh Toản kể: “Bay treo cờ tham gia diễu duyệt là một nhiệm vụ khó, đòi hỏi người phi công phải có tay lái vững vàng, giữ số liệu chuẩn, điều chỉnh tốc độ cho phù hợp để cờ không bị gió cuốn làm cong rách. Làm nhiệm vụ trong địa điểm thành phố có nhiều nhà cao tầng nên tầm quan sát và khả năng xử lý tình huống của phi công cũng bị hạn chế”. Bên cạnh những khó khăn đó, việc giữ cân đội hình và giữ đúng cự ly giãn cách cho cân chuẩn với đội hình hàng ngang dưới mặt đất là rất khó, bay ở độ cao 100m với tốc độ từ 120- 150km/h. Động tác bay giữ đội hình hàng dọc (phần chân chữ T) là một bài bay hóc búa, trong công tác huấn luyện thường xuyên hầu như không tập đến nội dung này. Chính vì vậy, yêu cầu công tác bảo đảm, công tác chuẩn bị phải hết sức nghiêm ngặt, không thể có một sai sót nào dù là nhỏ nhất.

Tại sân bay Hòa Lạc, không khí chuẩn bị của các thợ máy cũng hết sức khẩn trương. Người đã từng tham gia công tác chuẩn bị hậu trường cho chuyến bay treo cờ của đơn vị trong những năm qua, Trung tá Phạm Hữu Dũng (tổ vũ khí, đại đội kỹ thuật hàng không) cho biết, trong những ngày này các nhân viên của Cục Kỹ thuật Quân chủng đang gấp rút hoàn thành việc sơn lại vỏ năm chiếc máy bay Mi-17 (một chiếc dự bị); lực lượng thợ máy làm công tác chuẩn bị đảm bảo mọi thông số kỹ thuật lắp ráp hệ thống giá treo cờ do Viện Kỹ thuật Quân chủng sản xuất. Đối với một người có nhiều kinh nghiệm trong việc lắp ráp hệ thống giá treo cờ thì công việc này cũng là cả một quá trình phức tạp, đòi hỏi sự cẩn trọng. Anh lý giải: Hệ thống treo cờ có 3 dây cáp chằng được định vị ở bụng máy bay. Dây cáp treo ở vị trí chính giữa đeo theo một quả tải trọng khoảng 1 tạ, quả tải trọng này có tác dụng kéo căng lá cờ Tổ quốc với diện tích khoảng 24m2 và tránh hiện tượng cờ bị cuốn và rối một cách tối đa. Trong những lần treo và bay thử đầu tiên, áp dụng phương pháp thả cờ sẵn, khi máy bay nâng dần độ cao thì cờ cũng được thả ra. Nhưng sau vài lần thử nghiệm thì cách này không giữ được những lá cờ thẳng căng như ý muốn vì khi bắt đầu cất cánh, cánh quạt của máy bay hoạt động sẽ gây ra hiện tượng lá cờ bị quấn. Sau đó họ áp dụng thử phương pháp để cờ trên máy bay, khi máy bay đã cất cánh ổn định và ở độ cao cho phép, một đồng chí cơ giới trên không sẽ làm nhiệm vụ dẫn cờ xuống.

Bên cạnh việc tìm và triển khai đài chỉ huy bay, trong lần thực địa này các cán bộ cũng đã xác định lại những vị trí có địa tiêu cao để anh em trong tổ bay có thể bảo đảm sự an toàn tuyệt đối trong buổi lễ trọng thể này.

Theo Theo Tiền phong