Tranh chấp Biển Đông: Cần hợp tác và đúng luật quốc tế
Các Website khác - 09/12/2008

Theo Đại sứ Charles B.Salmon Jr., cố vấn chính sách đối ngoại tại Trung tâm nghiên cứu an ninh Châu Á Thái Bình Dương, để xử lý tranh chấp ở Biển Đông, điều quan trọng nhất là cách tiếp cận hợp tác, và đúng luật quốc tế.

 

Ảnh nguồn: TNT blog


- Gần đây, khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, đặc biệt tại Đông Nam Á, đã xảy ra những căng thẳng mới như tranh chấp biên giới Thái Lan – Campuchia. Đánh giá của ông về vấn đề này?

Ông Charles B.Salmon Jr: Một phần là bởi chính sách tiếp tục duy trì lực lượng của Mỹ tại Nhật và Hàn Quốc. Chúng ta hiện đang có vấn đề ở bán đảo Triều Tiên, nhưng tôi tin nó đang được giải quyết trong các vòng đàm phán 6 bên.

Còn căng thẳng tại eo biển Đài Loan cũng đang có diễn biến tốt hơn sau cuộc bầu cử vừa qua tại Đài Loan. Tôi nghĩ rằng, tình hình an ninh tại Đông Bắc Á đang tiến triển sáng sủa.
 

Đông Nam Á, khu vực vốn trong thời gian dài đứng ngoài những phức tạp an ninh, gần lại diễn ra vụ căng thẳng biên giới Thái Lan – Campuchia nổ ra về tranh chấp đền Preah Vihear.

Ông Charles B.Salmon, Jr, cựu Đại sứ Mỹ tại Lào, hiện là Cố vấn chính sách đối ngoại trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á - Thái Bình Dương.

Ông gia nhập trung tâm này từ cuối tháng 8/1996 sau khi rời Bộ Ngoại giao, nơi ông đã làm việc trong 32 năm, với nhiệm vụ chính là cố vấn cho chính sách đối ngoại của Mỹ, đặc biệt liên quan đến các quốc gia thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Ông Salmon, Jr đã từng có thời gian làm việc tại Sài Gòn trong 3 năm từ 1969-1971.
  

Nhưng tôi tin rằng hai bên, cả Phnom Penh và Bangkok, sẽ có cách xử trí hợp lý dù những xáo trộn và bất ổn chính trị hiện nay tại Thái Lan làm cho tình hình có vẻ tồi tệ hơn. Tôi tin hai bên sẽ tìm được giải pháp hoà bình.

Về tình hình tại khu vực Biển Đông, vốn nằm trong quan ngại rất lớn của VN, nếu như nhìn lại lịch sử vấn đề, nó đôi khi khá nghiêm trọng, nhưng đôi khi cũng dễ chịu.

Tổ chức ASEAN, mà Việt Nam là một thành viên quan trọng, cũng đã thảo luận và mổ xẻ khá nhiều về vấn đề này. Tôi nghĩ rằng ASEAN nhìn chung là một mô hình thành công. Tuy nhiên, khi xử trí các vấn đề qua kênh đối thoại đa phương như ASEAN rất cần sự kiên nhẫn từ các thành viên.  

- Theo ông, đâu là hướng giải quyết cho các tranh chấp tại Biển Đông?

Ông Charles B.Salmon Jr: Trong chuyến thăm VN gần đây của Thứ trưởng Ngoại trưởng Mỹ John Negroponte, khi được hỏi về vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa, ông có nói rằng: “Mọi tranh chấp trên Biển Đông phải được giải quyết hòa bình, theo Luật Biển Liên Hợp Quốc (LHQ) theo những cách thức không đưa đến việc chiếm đoạt”. Tôi cho rằng, đây là quan điểm đúng đắn nhất để xử lý các vấn đề tại Biển Đông.

Tôi cũng đã quan sát vấn đề này trong rất nhiều năm. Theo tôi, cần phải có cách tiếp cận một cách hợp tác cho vấn đề này. Đây không còn là thời kỳ của những thập niên 1990, để muốn xử lý các vấn đề về an ninh một cách tự phát, đơn phương hay bằng vũ lực.

Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng, quan hệ tại Đông Nam Á không phức tạp và nhạy cảm như tranh chấp giữa Nhật Bản và Hàn Quốc về đảo Dokko… Do đó, các nước nên cùng phối hợp, hợp tác giải quyết vấn đề. Đó là cách giải quyết lâu dài. Điều quan trọng nhất là phải hợp tác và tuân thủ luật pháp quốc tế. 

Hình ảnh không tốt cho TQ nếu hành động đơn phương

- Tôi hoàn toàn đồng ý về quan điểm cần xử trí vấn đề bằng cách tiếp cận hợp tác. Vậy ông bình luận sao khi Tập đoàn dầu khí nhà nước Trung Quốc vừa tuyên bố sẽ đầu tư 30 tỉ USD để tìm kiếm dầu khí ở Biển Đông. Trong khi đó, Trung Quốc lại liên tiếp gây sức ép buộc các công ty dầu khí nước ngoài như BP, Exxon Mobil phải rút lui khỏi các dự án hợp tác thăm dò dầu khí với VN trên vùng biển thuộc chủ quyền VN?

Ông Charles B.Salmon Jr: Đó là nhiệm vụ của các nhà ngoại giao, và tôi nghĩ VN có những nhà ngoại giao tuyệt vời. Một cách trung thực, tôi không biết rõ lắm về trường hợp của công ty này. Nhưng tôi cho rằng, đó không phải là điều tốt cho hình ảnh của Trung Quốc để làm việc một cách hiệu quả trên thế giới, nếu như họ tiến hành đơn phương như trên.

Một cách làm khác cũng không hiệu quả là khi Trung Quốc không hồi đáp lại những lời than vãn của các nước sông Mekong khi Trung Quốc xây đập ở thượng nguồn và làm ảnh hưởng đến dòng chảy của con sông tại Campuchia, Lào và Việt Nam. Tôi nghĩ rằng, về lâu dài, đó không phải là lợi ích của Trung Quốc khi hành động đơn phương. Họ cần biết cách hợp tác với thế giới và các nước lân cận. 

BÀI LIÊN QUAN
Chủ quyền VN ở vùng Nam Côn Sơn, Tư Chính, Vũng Mây
Vấn đề Trường Sa - Hoàng Sa: cần một nỗ lực tổng hợp
Nguyễn Phúc Nguyên - Vị chúa mở cõi, thành lập đội Hoàng Sa
- Ông nghĩ sao về chính sách an ninh của Mỹ đối với khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, khi chính quyền Obama lên nắm quyền?

Ông Charles B.Salmon Jr: Tôi nghĩ họ sẽ tiếp tục duy trì đường lối đối ngoại và an ninh như chính quyền hiện tại. Nếu nhìn lại đường lối của Mỹ đối với khu vực Châu Á, Thái Bình Dương, có thể thấy cụ thể một số chính sách như: Trấn an những quốc gia đang lo ngại trước sự vươn dậy của Trung Quốc; mở cửa thị trường với các nhà xuất khẩu nước ngoài và điều đó đã tạo nên thành công bí mật cho các nền kinh tế tại Đông Nam Á.

Chúng tôi luôn ủng hộ các tổ chức khu vực như ASEAN. Tôi không nghĩ có sự thay đổi nào trong chính sách an ninh của chính quyền Obama đối với khu vực. Chỉ có một khác biệt có thể xảy ra ở lĩnh vực thương mại, vì một luồng tư tưởng tại Mỹ cho rằng, Mỹ cần phải cứng rắn hơn về thương mại. Tôi nghĩ rằng các thoả thuận thương mại tự do, như Mỹ đã ký với Singapore và chuẩn bị ký với Hàn Quốc, rất quan trọng. Vì vậy, tôi hy vọng chính quyền mới sẽ công bằng về chính sách thương mại đối với khu vực. 

- Đánh giá của ông về những nhận định rằng Mỹ đang lo ngại trước ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc tại Châu Á?

Ông Charles B.Salmon Jr: Đúng là có luồng ý kiến như vậy tại Mỹ, cũng như trên thế giới. Nhưng tôi nghĩ khác. Mỹ muốn Trung Quốc thành công, trở thành một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng thế giới. Cá nhân tôi không nghĩ rằng Trung Quốc và Mỹ có quan hệ cạnh tranh. Một số người nghĩ thế, nhưng tôi không cho như vậy. Một cách trung thực, tôi khá là thoải mái về vai trò của Trung Quốc trên thế giới.

Chúng ta đang sống trong một thế giới mà bất kể một quốc gia nào, dù giàu có về tài nguyên đến đâu, hay giàu có về tiền bạc đến đâu, có thể tự đóng cửa để ru ngủ, hay tự cấp tự túc. Chúng ta đang sống trong toàn cầu hoá và chúng ta cần phải có cách hành động hợp tác.
 
Thêm vào đó, Trung Quốc cũng có những vấn đề riêng cần sự hợp tác của thế giới, như phát triển bền vững, hay vấn đề về ô nhiễm môi trường. Hãy kiên nhẫn.

Tôi đã gặp rất nhiều các đại diện từ Đông Nam Á trong suốt 12 năm qua. Họ nói rằng rất sẵn sàng chào đón Tổng thống Mỹ đến khu vực, nhưng không muốn phải chọn giữa Mỹ và Trung Quốc. Tuy có rất nhiều người Mỹ không đồng ý, nhưng tôi cho rằng Mỹ không lo lắng về Trung Quốc. Đó là quan điểm của riêng tôi.

  • Thủy Phương (thực hiện)