Có thể nói hầu như không nghị quyết nào của Ðảng lại không nói đến chống tham nhũng, bởi vì nó đang là vấn đề bức xúc nhất, liên quan trực tiếp đến xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh, hiệu lực và hiệu quả, liên quan trực tiếp đến xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, liên quan trực tiếp đến phẩm chất, năng lực của cán bộ, đảng viên và của công chức, mà tất cả các vấn đề Ðảng, Nhà nước, cán bộ, đều là những vấn đề cơ bản, cốt tử của cách mạng.
Ðảng và Nhà nước ta đã coi tham nhũng như là một quốc nạn, làm xói mòn lòng tin của nhân dân, cho nên trở thành một trong những nguy cơ, thách thức lớn nhất của chế độ xã hội chủ nghĩa. Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, lại nhìn thẳng vào sự thật, hiện nay nhân dân ta càng cảm nhận tham nhũng như là "giặc nội xâm", chứa chấp tiềm tàng khả năng "tự diễn biến", mất ổn định xã hội, tiêu tan sự nghiệp cách mạng của Ðảng và nhân dân, nếu như không được ngăn chặn và đẩy lùi.
Ở nước ta, tệ tham nhũng và cuộc đấu tranh chống tham nhũng, được nói nhiều trong vòng vài chục năm nay, đặc biệt từ khi hình thành và phát triển cơ chế thị trường. Ngày nay, "tham nhũng" được hiểu rộng rãi bao gồm tham ô và nhũng nhiễu, hơn nữa tham ô gắn liền với nhũng nhiễu, nhũng nhiễu gắn liền với tham ô, nhũng nhiễu nhằm mục đích trực tiếp là tham ô, gây phiền hà để vòi vĩnh, "ăn tiền"...
Tham ô có nhiều loại: tham ô công quỹ gồm tiền và tài sản của nhà nước và của tập thể; tham ô tiền và tài sản của công dân. Trong tham ô công quỹ thì phần lớn nhất là tham ô ngân sách nhà nước, chẳng hạn hiện nay thất thoát đến 20% vốn xây dựng cơ bản của nhà nước vào túi kẻ thoái hóa biến chất (xem báo Nhân Dân ngày 19-9-2005, trang 3).
"Tham nhũng" là bệnh hoạn của kẻ có quyền lực mà lại sa sút đạo đức lối sống. Quyền lực này không trừu tượng, không chung chung, mà rất cụ thể và cũng rất sinh động, linh hoạt. Có thứ quyền lực rất nhỏ (nhưng vẫn là quyền lực) như cấp giấy giới thiệu, xếp thứ tự người vào khám bệnh... Có thứ quyền lực rất to như cắt cử cán bộ, nhất là cắt cử cán bộ cao cấp, quyền xét xử vụ án, quyền điều tra, quyền kết luận kiểm tra, thanh tra, v.v. Nạn tham nhũng đi vào ngóc ngách nhiều lĩnh vực của đời sống, như nhân dân ta vẫn thường diễn đạt "làm nghề nào ăn nghề ấy", đương nhiên chúng ta đang nói đến một bộ phận xã hội sa sút đạo đức, lối sống. Người thầy giáo, thầy thuốc, trọng tài bóng đá, cảnh sát giao thông, cán bộ thuế, người có quyền cấp đất xây dựng, cấp quota, cấp dự án, cấp kinh phí, phân chia đề tài, v.v. đều có cơ hội tham nhũng nếu như đã mất đi đức độ người cán bộ cách mạng, người công bộc của nhân dân, đã mất đi lý tưởng cách mạng và lương tâm nghề nghiệp. Một khi đã mắc chứng tham nhũng thì quyền lực càng to càng tham nhũng lớn, bệnh hoạn tham nhũng càng trầm trọng và càng khó chữa.
Quyền lực có nhiều loại, nhiều cấp độ, nhưng quyền lực liên quan đến tham nhũng thì chủ yếu là nói trong hệ thống chính trị, trước hết và quan trọng hơn hết là trong bộ máy nhà nước, nghĩa là nói những người có quyền lực và thực thi quyền lực nhà nước. Một quan niệm phổ biến trên thế giới cho là quan liêu và tham nhũng là những bệnh hoạn gắn liền với nhà nước, là nguy cơ của mọi nhà nước. Ngày nay chúng ta thường có thông tin về tệ tham nhũng ở tất cả các quốc gia trên thế giới, và không một nước nào lại không coi đó là tội phạm. Chỉ có điều, tham nhũng trở thành phổ biến và ngày càng phát triển thì hoàn toàn trái với bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa, của nhà nước xã hội chủ nghĩa - một nhà nước của dân, do dân, vì dân, mọi quyền lực thuộc về nhân dân, một nhà nước mà mọi cán bộ, công chức đều là "đầy tớ của nhân dân". Vì thế, trong khi mọi nhà nước, mọi chính phủ, nhân dân mọi nước đều quan tâm chống tham nhũng, thì nhà nước, chính phủ, nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa nói chung và nước ta nói riêng càng phải đặc biệt đấu tranh chống tham nhũng, coi cuộc đấu tranh chống tham nhũng cũng là quốc sách. Ðể khỏi cho những kẻ xấu về chính trị lợi dụng xuyên tạc, bôi nhọ chế độ ta, trong khi đẩy mạnh chống tham nhũng chúng ta thẳng thắn tuyên bố tham nhũng cũng như quan liêu, thiếu dân chủ là hoàn toàn trái với bản chất chế độ ta. Và, chỉ có chế độ xã hội chủ nghĩa mới chống tham nhũng triệt để, thực hành dân chủ rộng rãi, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân lao động.
Mấy năm nay, ở nước ta, trên chủ trương, chính sách, luật pháp, cũng như trong hành động, Ðảng, Nhà nước và nhân dân ta đã tích cực, ráo riết chống tham nhũng, thu được những kết quả nhất định, ít nhiều có tác dụng răn đe hơn trước. Một số vụ nghiêm trọng được xét xử, làm dịu bớt nỗi bất bình trong nhân dân.
Tuy nhiên, chúng ta cũng không giấu giếm, che đậy sự thật, trái lại thẳng thắn thừa nhận rằng cuộc đấu tranh chống tham nhũng chưa đem lại hiệu quả cao, nạn tham nhũng lại tinh vi và phát triển nghiêm trọng, có mặt, có nơi còn nghiêm trọng hơn trước, nhìn chung nạn tham nhũng chưa được ngăn chặn và đẩy lùi. Muốn có những giải pháp chống tham nhũng có hiệu quả, thì một trong những điều cần thiết phải nghiên cứu, hiểu thấu đáo đặc điểm của tham nhũng ngày nay, ngoài nhiệt tình và quyết tâm.
Hình thức phổ biến và chủ yếu của tham nhũng là nhận hối lộ. Của hối lộ thường là vàng, USD, tiền Việt Nam, có khi một tòa biệt thự, một ô-tô đắt tiền hoặc những hiện vật vô cùng giá trị khác... (xem báo Nhân Dân, ngày 19-9-2005, trang 3). Một vụ tham nhũng bao giờ cũng có người đưa hối lộ và kẻ nhận hối lộ, giữa họ còn có thể hình thành cả đường dây trung gian. Dù sao thì vẫn gồm một bên đưa hối lộ và một bên nhận hối lộ, kín đáo nhất thì vẫn phải gồm đôi bên. Ðây là một đặc điểm rất phức tạp, có tác dụng hai mặt, một mặt làm cho chống tham nhũng rất khó khăn, mặt khác cũng làm cho chống tham nhũng có thuận lợi. Khó khăn ở chỗ cả đôi bên đều có "lợi ích", cả bên đưa hối lộ và bên nhận hối lộ thống nhất trong hành vi che đậy. Kẻ nhận hối lộ thì có tiền có của, "giàu có" nhanh chóng. Người đi hối lộ thì "chạy được chức, chạy quyền, chạy bằng, chạy đề tài, dự án, chạy quota, chạy tội..." nghĩa là đủ thứ, "có tiền mua gì cũng được". Nếu là tham ô công quỹ, nhất là tham ô ngân sách nhà nước thì một "tập thể đường dây" cũng "thống nhất lợi ích" dẫn đến thống nhất hành vi che đậy. Rút cuộc làm cho các cơ quan pháp luật khó phát hiện.
Tuy nhiên, lại có thuận lợi cho đấu tranh chống tham nhũng ở chỗ "những lợi ích" vốn phạm pháp, không chính đáng đó không dễ dàng thống nhất, trái lại dễ phát sinh mâu thuẫn, nhất là việc ăn chia "thiếu công bằng" của đường dây nhận hối lộ dẫn đến "những kẽ hở", làm cho cơ quan pháp luật có điều kiện phanh phui. Lại nữa, những kẻ tham nhũng thường "quen mui thấy mùi ăn mãi", lặp đi lặp lại nhiều lần, đụng chạm đến nhiều người, cho nên cũng không dễ gì che mắt nhân dân, che mắt cơ quan pháp luật.
Ngoài ra những kẻ tham nhũng nhất là tham nhũng lớn, có thể bị nhận diện bởi lối sống thoái hóa biến chất, có cuộc sống và tài sản bất thường, vượt xa mặt bằng của đời sống xã hội, vượt xa mức thu nhập chính đáng (như đồng lương) của chính họ.
Nhìn chung những kẻ tham nhũng không thể che mắt được cơ quan, nhân dân và bịt miệng được dư luận xã hội, nhưng tất cả những kẻ tham nhũng dưới chế độ ta ngày nay đều có thủ đoạn làm mất chứng cứ cụ thể để có thể khép tội theo pháp luật.
Những đặc điểm quan trọng nhất của tham nhũng vừa nêu ra trên đây cho thấy giải pháp quan trọng nhất, rộng lớn nhất là phải phát động quần chúng, tạo nên phong trào cách mạng với khí thế long trời lở đất để chống tham nhũng.
Trước đây Ðảng ta đã từng "phóng tay phát động quần chúng, triệt để giảm tô giảm tức", sau đó tiến hành cải cách ruộng đất, tuy có một số sai lầm nghiêm trọng, song đó thực sự là một cuộc vận động sâu sắc ở nông thôn, đem lại những thành tựu cơ bản, tạo nên khí thế cách mạng bừng bừng của giai cấp nông dân, hạ uy thế của giai cấp địa chủ, xóa bỏ giai cấp địa chủ và lối bóc lột phong kiến, đưa ruộng đất về tay dân cày. Tuy rằng ngày nay cách làm phải tránh để oan sai, song cũng phải vận dụng tinh thần phát động quần chúng, khơi dậy tính tích cực cách mạng của nhân dân để đấu tranh chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy nhà nước, tăng sức chiến đấu của Ðảng, khôi phục đức độ phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức.
Phát huy dân chủ cơ sở phải được tiến hành sâu rộng với tinh thần phát động phong trào cách mạng sôi nổi của quần chúng như thế để chống tham nhũng có hiệu quả. Một phong trào quần chúng mạnh mẽ như thế vừa có sức tiến công lại vừa là cơ chế bảo vệ những người chống tham nhũng.
Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII, Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2), Nghị quyết Ðại hội IX của Ðảng đều chủ trương phát huy dân chủ cơ sở để chống tham nhũng, xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, làm trong sạch bộ máy nhà nước, là rất đúng đắn, vừa có tính cách mạng lại vừa mang tính khoa học. Vấn đề là phải kiên quyết và thực sự tổ chức phát huy dân chủ cơ sở. Chúng ta hiểu khái niệm cơ sở ở đây rất rộng rãi, đó là xã, phường, là doanh nghiệp nhà nước, hợp tác xã, là cơ quan quận, huyện, cơ quan tỉnh, thành phố, là cơ quan bộ, cơ quan Chính phủ... Chúng ta phát huy dân chủ cơ sở để thực hiện chức năng kiểm kê kiểm soát của xã hội, của nhà nước, trước hết về tài chính, nhằm triệt để chống tham nhũng, chống tham nhũng có hiệu lực, hiệu quả. Hằng tháng, hằng quý, hằng năm cơ quan phải báo cáo công khai về tài chính: có những khoản thu gì, có những khoản chi gì, ai thu, ai chi, thu chi đến đâu, có dự án, đề tài gì, kinh phí bao nhiêu, phân công cho ai... tất cả phải minh bạch, rõ ràng, quần chúng biết tường tận và có trách nhiệm, có quyền tham gia quản lý kế hoạch tài chính đó. Ðương nhiên, trừ những nơi, những việc có tính chất bí mật quốc gia, phải dùng những cơ chế khác để thực hiện kiểm kê kiểm soát.
Phát huy dân chủ cơ sở còn để thực hiện vai trò nhân dân giám sát cán bộ, đảng viên, công chức về thực hiện chính sách, về đạo đức, lối sống, kể cả sự giám sát của quần chúng ở cơ quan và quần chúng ở nơi cư trú. Việc kê khai tài sản, nhất là người có chức có quyền, phải làm thực sự nghiêm túc, rộng khắp, đều đặn, tránh hình thức, chiếu lệ.
Nghị quyết của Hội nghị lần thứ sáu (lần 2) Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa VIII đã nêu ra một giải pháp mạnh: quy trách nhiệm và xử lý kỷ luật đối với người đứng đầu cơ quan khi để xảy ra tham nhũng. Chỉ riêng việc này, nếu thực hiện nghiêm túc, kiên quyết, thì chắc chắn rất có tác dụng kiềm chế và đẩy lùi tham nhũng. Cả lý luận và thực tiễn đều rất sáng tỏ rằng ở đâu mà người đứng đầu trong sạch, lại hăng hái chống tham nhũng, lãng phí, thì nhất định ở đấy chống tham nhũng có hiệu lực, hiệu quả.
Cùng với phát huy dân chủ cơ sở, dùng tai mắt và lực lượng đông đảo của nhân dân để cho những kẻ tham nhũng không có chỗ trốn thoát, thì lưới pháp luật cũng phải chắc bền. Việc chế định các pháp luật chống tham nhũng và thực thi chúng đều phải thật nghiêm để diệt trừ bệnh hoạn xã hội nguy hiểm này.
Thực tiễn cho thấy, các cơ chế chính sách, pháp luật cần phải luôn luôn hoàn thiện để không có kẽ hở, không tạo cơ hội cho kẻ xấu lợi dụng gây phiền hà cho nhân dân, vơ vét tiền bạc của công dân và ngân sách nhà nước. Các nghị quyết của Trung ương đã nhiều lần chỉ ra rằng phải hạn chế tối đa cơ chế xin, cho. Các chính sách, pháp luật phải đủ, phải đúng đắn và càng tỉ mỉ cụ thể bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu.
Cứ chiếu vào những chính sách pháp luật đầy đủ, đúng đắn và tỉ mỉ cụ thể như thế mà công dân thực hiện, mà nhân dân và cơ quan nhà nước giám sát, chứ không cần xin cho, thì sẽ không còn miếng đất cho kẻ tham nhũng. Ðương nhiên, vẫn còn ở mức tối thiểu những việc "xin, cho", nhưng nó phải được quy định đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện và công khai, để kẻ xấu khó lợi dụng làm hại công dân và nhà nước.
Cùng với việc hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật nói chung, chúng ta cũng phải vươn lên tăng cường và hoàn thiện việc tổ chức quản lý thị trường, vừa phát huy mặt tích cực vừa hạn chế tối đa mặt tiêu cực của thị trường, do đó góp phần hạn chế những cơ hội cho kẻ tham nhũng.
Một điều cơ bản khác, đó là văn hóa, đạo đức vẫn luôn luôn là nền tảng tinh thần của xã hội. Cả tham nhũng và chống tham nhũng đều do con người, đều qua con người. Vì vậy, để ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng, để diệt trừ quốc nạn "tham nhũng" thì phải quan tâm xây dựng nền tảng tinh thần đó. Phải nâng cao văn hóa, giáo dục đạo đức sâu rộng trong xã hội.
Dưới khía cạnh chống tham nhũng, phải đặc biệt chú trọng giáo dục đạo đức cách mạng cho công chức. Nhưng, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói "Ðạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong" (xem Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 9, tr 293). Do đó, không chỉ bồi dưỡng lý thuyết đạo đức mà phải tổ chức rèn luyện đạo đức cách mạng.
Cũng dưới khía cạnh chống tham nhũng, phải quan tâm bồi dưỡng công chức về tinh thần yêu nước, thương đồng bào, trọng lao động và của cải do lao động làm ra, cần kiệm xây dựng nước nhà, ý thức và tình cảm phục vụ nhân dân... Càng thực hiện cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì càng phải coi trọng bồi dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên, công chức. Càng có chức có quyền lớn càng phải nêu tấm gương sáng về rèn luyện đạo đức cách mạng.
Thực tiễn của cuộc đấu tranh chống tham nhũng những năm gần đây cho thấy báo chí giữ một vai trò to lớn. Chính báo chí là dư luận xã hội và tạo nên dư luận xã hội, có áp lực mạnh mẽ về tư tưởng, phanh phui và răn đe kẻ tham nhũng, là nơi tuyên truyền chính sách, pháp luật, nơi nâng cao văn hóa và đạo đức tốt đẹp, nêu gương người tốt, việc tốt và truyền thống cách mạng vẻ vang của dân tộc. Báo chí đang là một diễn đàn chống tham nhũng, đang là một mũi tiến công lợi hại chống tham nhũng ở nước ta hiện nay.
Tuy tình hình tham nhũng và đấu tranh chống tham nhũng ở nước ta đang còn diễn biến phức tạp, song chúng ta vẫn có cơ sở để giữ vững niềm tin. Chúng ta vững tin rằng với bản chất ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, với kinh nghiệm và truyền thống lãnh đạo đúng đắn của Ðảng ta, thì thành tựu đạt được vẫn là cơ bản, người tốt, việc tốt vẫn còn nhiều và ngày càng nhiều, đủ sức mạnh áp đảo các tiêu cực xã hội mà tệ nạn tham nhũng là tiêu cực lớn nhất. Nhất định chúng ta sẽ lành mạnh hóa các quan hệ xã hội.
Dưới ngọn cờ quang vinh của Ðảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta vững tin và vững bước phấn đấu theo mục tiêu và lý tưởng cao đẹp: độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên đất nước ta.
|