Vì sao Hà Nội, Bạc Liêu không công bố dịch?
Các Website khác - 22/11/2005

(VietNamNet) - Sau khi Hà Nội không thừa nhận là một ổ dịch, đại diện các cơ quan thú y giải thích vì sao một số địa phương chưa công bố dịch và khi nào cần thông báo hết dịch.

Soạn: AM 626925 gửi đến 996 để nhận ảnh này
30 ngày không có gia cầm chết, địa phương được công bố hết dịch.

Ông Nguyên Phúc Tài, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Bạc Liêu, cho biết, địa phương này chỉ phát hiện một ổ dịch tại hộ chăn nuôi vịt, làm chết 180/530 con từ hôm 15/10, đến nay, không phát hiện thêm ổ dịch mới. Do chỉ xảy ra ở một hộ chăn nuôi, trong phạm vi nhỏ, khống chế được kịp thời nên tình trạng lây lan dịch bệnh đã không xảy ra tại Bạc Liêu. Do vậy, địa phương này đã không công bố dịch.

Tương tự tại Hà Nội, theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội, ông Trần Mạnh Giang, dịch cúm gà chỉ xảy ra ở phạm vi nhỏ nên TP không công bố dịch. Đã 26 ngày trôi qua Hà Nội chưa có thêm ổ dịch mới.

Song, ông Giang rất lo lắng khi 56 ổ dịch cũ tại quận Long Biên và Hoàng Mai có thể tái phát bất cứ lúc nào, mặc dù trước đó, xét nghiệm trên 1.325 mẫu huyết thanh và 130 mẫu swab của Trung tâm Thú y vùng Hà Nội đã cho kết quả âm tính. Trong khi đó, việc tiêm phòng lại chưa tiến hành trên chim và các loại ngan, ngỗng.

Tại Hà Nội:

- Các điểm chim đậu nhiều như Viện điều tra quy hoạch rừng (huyện Thanh Trì), khuôn viên cây xanh Công ty Bóng đèn phích nước Rạng Đông (Thanh Xuân), nghĩa trang Mai Dịch (Cầu Giấy), Chi cục Thú y Hà Nội coi là như đàn chim nuôi, hàng ngày phun thuốc sát trùng, quét dọn phân chim rồi tiến hành chôn lấp. Nếu phát hiện thấy có chim chết, Hà Nội sẽ tiến hành xét nghiệm ngay.

- Vườn thú Hà Nội, nơi có hơn 300 con chim quý hiếm, sẽ được cách ly hoàn toàn với các vùng nuôi khác. Du khách sẽ không được tham quan khu vực này, tuy nhiên, hiện khu nuôi chim vẫn dễ dàng bị lây lan nếu chim từ nơi khác di cư đến.

Về quy định bắt buộc các tỉnh phải công bố có dịch gia cầm, ông Văn Đăng Kỳ, Phó phòng Dịch tễ Thú y (Cục Thú y - Bộ NN-PTNT) cho biết, quy định này được nêu rõ trong Điều 17 của Pháp lệnh Thú y. Về các điều kiện cụ thể, trước đó, Bộ NN-PTNT và Cục Thú y đã có hướng dẫn tại Văn bản 160 ban hành ngày 5/2/2004.

Theo đó, Sở NN-PTNT, Chi cục Thú y tỉnh đề nghị UBND tỉnh ra quyết định công bố dịch ngay những xã, phường, huyện, thị khi có gia cầm mắc bệnh, chết với triệu chứng lâm sàng và bệnh tích của bệnh cúm gà. Nếu trại gia cầm đóng trên địa bàn xã nào thì công bố dịch xã đó, đồng thời tiến hành ngay các biện pháp chống dịch.

Việc công bố dịch áp dụng như sau: Xã có dịch là trên địa bàn có thôn, xóm, ấp có gà mắc bệnh cúm gà; huyện có dịch là huyện có trên 50% số xã có dịch; tỉnh có dịch là tỉnh có trên 50% số huyện có dịch. Thêm vào đó, cứ 10 ngày công bố một lần tổng số huyện, xã hiện tại có dịch. Khi đó, các tỉnh mới phải công bố là có dịch cúm.

30 ngày hết gia cầm bệnh, được công bố hết dịch

Quy định này được đưa ra tại Nghị định 33 của Chính phủ hướng dẫn thực thi Pháp lệnh Thú y. Theo đó, các địa phương đã công bố dịch, khi đáp ứng đủ các điều kiện sau có thể công bố hết dịch bệnh:

- Đã tiêm phòng 100% hoặc áp dụng các biện pháp phòng bệnh bắt buộc đối với động vật dễ nhiễm bệnh dịch đã công bố trong vùng có dịch và vùng bị dịch uy hiếp. Đối với động vật trên cạn, phải đủ thời gian để có miễn dịch đối với bệnh đó.

- Trong phạm vi 30 ngày, tuỳ theo từng bệnh, kể từ ngày con vật mắc bệnh cuối cùng bị chết, bị giết mổ, sơ chế bắt buộc, bị tiêu huỷ hoặc lành bệnh mà không có con vật hoặc đàn thuỷ sản nào bị mắc bệnh hoặc chết vì bệnh dịch đã công bố. Các địa phương này phải thực hiện các biện pháp vệ sinh, khử trùng tiêu độc vùng có dịch, vùng bị dịch uy hiếp, bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y.

Thẩm quyền công bố hết dịch

Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về thú y cấp tỉnh sau khi kiểm tra đủ điều kiện công bố hết dịch thì báo cáo Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về thú y ở TW, Sở NN-PTNT bằng văn bản. Sau khi được Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về thú y ở TW đồng ý thì đề nghị Chủ tịch UBND cấp tỉnh công bố hết dịch trong phạm vi địa phương.

Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về thú y ở TW, sau khi kiểm tra đủ điều kiện công bố hết dịch thì đề nghị Bộ trưởng Bộ NN-PTNT công bố hết dịch trong phạm vi từ hai tỉnh trở lên; báo cáo Bộ NN-PTNT để Bộ đề nghị Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm của động vật có khả năng lây sang người.

Trước đó, tại văn bản 316 ngày 26/2/2004 của Bộ NN-PTNT cũng hướng dẫn việc công bố hết dịch cúm gia cầm. Như vậy, các xã, phường được công bố hết dịch sau khi tiêu huỷ con gia cầm mắc bệnh cuối cùng ít nhất là 30 ngày và đã thực hiện tổng vệ sinh tiêu độc toàn bộ ổ dịch, đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y; các huyện, thị được công bố hết dịch sau khi tất cả các xã phường đã đủ điều kiện; các tỉnh, thành trực thuộc TW được công bố hết dịch khi tất cả các huyện, thị đã công bố hết dịch.

Khi các huyện trong tỉnh đã được công bố hết dịch, Chi cục trưởng Chi cục Thú y sau khi báo cáo và được Cục trưởng Cục Thú y đồng ý thì đề nghị Chủ tịch UBND cấp tỉnh công bố hết dịch trên địa bàn tỉnh.

  • Hà Yên