Bé tò mò "chuyện riêng" của cha mẹ?
Các Website khác - 19/05/2006

Trong thực tế, việc con trẻ vô tình trở thành "nhân chứng bất đắc dĩ" chuyện tế nhị của cha mẹ không phải là hiếm. Nhất là trong điều kiện nhà cửa chật hẹp, con cái không có phòng riêng, phải ngủ chung với cha mẹ...

Trẻ con chưa hiểu được "ẩm thực nam nữ" là một phần trong đời sống vợ chồng nên thường có phản ứng rất khác nhau trước những điều mình chứng kiến. Bản tính tò mò con trẻ nổi dậy, có em hiếu kỳ muốn tìm hiểu sâu hơn nên chờ đợi cơ hội để khám phá rồi bắt chước. Có em lại hoảng hốt thực sự vì cho rằng bố đối xử thô bạo với mẹ mình. Cậu bé khác lại đem "những điều mắt thấy tai nghe" đi... "thực hành" ở trường mẫu giáo khiến cô bạn nhỏ cùng lớp một phen tá hỏa. Bố mẹ sẽ làm gì khi con trẻ nhìn trộm? Nếu là bạn, bạn sẽ xử trí thế nào trước chuyện "sơ ý" này? Đe nạt - dọa dẫm, lẩn tránh - giấu diếm hay đối mặt trực tiếp với "hiện thực" bằng những lời giải thích cụ thể?

"Nhân chứng bất đắc dĩ"

Đối với trẻ 3-4 tuổi vẫn ngủ chung giường với bố mẹ, chúng thường bị đánh thức bởi âm thanh hoặc động tác vô tình của cha mẹ. Bé chứng kiến chuyện này trong trạng thái nửa tỉnh, nửa mê, dù đã nhìn rõ, nghe rõ, nhưng chúng cũng chỉ thấy lạ lẫm chút ít rồi trở mình ngủ tiếp. Có bé tò mò hỏi: "Bố mẹ làm gì đấy?", có đứa lại bảo: "Sao bố đánh mẹ?" Bạn phải làm gì lúc này? Chỉ cần cha mẹ trấn tĩnh rồi "stop" lại hoặc khi bị "chất vấn" chỉ cần giải thích qua loa là có thể ổn thỏa. Thế nhưng để chuyện này lặp đi lặp lại, đứa trẻ sẽ nghi ngờ. Từ chỗ tình cờ bắt gặp, bé dễ nhanh chóng chuyển sang rình trộm. Từ vô ý sang cố ý, sự việc sẽ trở nên phức tạp hơn.

Đối với lứa tuổi lên 5 - 6 hoặc lớn hơn một chút, tuy không hiểu được hàm ý của  "chuyện riêng người lớn" nhưng chúng thấy hay hay. Vừa hiếu kỳ, vừa muốn tìm hiểu sâu nên tìm cách chờ cơ hội để "khám phá" rồi bắt chước. Có những bé trai khi chơi với bạn gái đã dám "thực hành" những động tác "tế nhị" nó nhìn thấy ở cha mẹ.

Lớn hơn một chút, ở độ tuổi 9 -10, các em thường liên hệ những điều chúng thấy qua phim ảnh. Có trường hợp, một bé trai 10 tuổi vô hình nhìn thấy cha mẹ em làm "chuyện ấy" dã chửi bố là "Đồ khốn nạn!" và đòi đánh. Còn một bé gái sau khi chứng kiến thấy uất ức quá đã tìm cách tự tử. Khi cô giáo phát hiện thấy tâm trạng bất thường của em, cô tìm cách động viên hỏi han mới được em tâm sự: "Em nhìn thấy cha em giày vò mẹ em tàn bạo như quân giặc... Em cũng là phụ nữ, tương lai cũng chịu cảnh như mẹ nên em muốn chết quách đi cho khỏi khổ!"

Cha mẹ "giải vây" bằng cách nào?

Một số người thấy chuyện của mình bị con phát giác thì cảm thấy xấu hổ, ngượng ngùng, sợ con đem chuyện riêng tư ấy kể cho người ngoài nghe liền tìm cách dọa dẫm để che đậy. Làm như vậy vừa vô ích, vừa tạo nên hình ảnh bí hiểm và xấu xa về chuyện phòng the. Tuy như vậy có thể bịt được miệng trẻ nhất thời chứ không thể xóa bỏ những điều chúng đã "mắt thấy tai nghe". Bé không thể hiểu được chuyện ấy giữa cha mẹ là một phần của cuộc sống vợ chồng, không thể hiểu được "ẩm thực nam nữ" là thiên tính của nhân loại. Bé càng không thể hiểu được ý nghĩa thực sự của việc mà chúng cho là "khốn nạn", "tàn bạo". Đó là sự thiếu thốn về kiến thức và kinh nghiệm, phản ánh đặc trưng tâm lý của lứa tuổi.

Nếu chẳng may bị bé "bắt quả tang", bạn nên nghĩ ra một trò vui nào đó để đánh lạc hướng bé. Con trẻ rất lo lắng khi nếu tình cờ thấy bố mẹ "hành sự" và hoảng hốt nghĩ bố đang "đánh mẹ" và có thể khóc ré lên hoặc cố sức đẩy hai người ra. Trong trường hợp này, trước tien phải trấn an bé. Dù thế nào cũng không được quát mắng con đã phá cuộc vui. Cũng không nên tỏ ra xấu hổ trong trường hợp đó vì sẽ khiến bé tò mò tự hỏi phải chăng chuyện bố mẹ đang làm là xấu xa và đáng hổ thẹn. Hãy cứ thản nhiên làm bộ như không có gì xảy ra, để bé thấy rằng chẳng có gì là ghê gớm cả. Một cách nghi binh khác: giải thích với bé rằng bố mẹ chỉ đùa nhau cho vui. Nếu bé bắt đầu đặt những "câu hỏi khó", cha mẹ cần trả lời đúng bản chất sự việc, tất nhiên không nên đi sâu vào chi tiết.

Theo tiepthi