“Chiến binh” được sinh ra từ đâu?
Các Website khác - 09/01/2009
 
Mỗi người đàn ông bình thường có hai tinh hoàn (hạt cà, ngọc hoàn...) nằm trong bìu. Bìu là một túi da và cơ, nhìn bề ngoài màu sẫm và nhăn nheo.

 Cùng với dương vật, tinh hoàn được tạo ra rất sớm ngay từ những tuần lễ đầu sau khi thụ thai. Môi trường sống, thuốc men, bệnh tật, nội tiết của người phụ nữ có thai rất dễ có ảnh hưởng đến sự phát triển của tinh hoàn.

Khi thai còn 5-6 tháng trong bụng mẹ thì tinh hoàn của bé trai còn nằm trong ổ bụng bào thai, về sau tuổi thai càng lớn tinh hoàn càng tụt xuống cho đến khi đứa trẻ ra đời tinh hoàn mới tụt hẳn vào bìu. Lúc mới sinh tinh hoàn chỉ nhỏ như hạt lạc, khi trưởng thành tinh hoàn mới to lên với kích thước trung bình chừng 4cm x 2,5 x 1,5.

Tinh hoàn có thể bị vướng mắc lại trong quá trình di chuyển từ ổ bụng vào bìu nhất là khi qua bẹn (ống bẹn) và bị treo ở đấy tạo thành tinh hoàn ẩn.

Tinh hoàn có hai nhiệm vụ: ngoại tiết và nội tiết.

Nhiệm vụ ngoại tiết là sản sinh ra tinh trùng. Tinh trùng được sinh ra từ các tế bào mầm của các ống sinh tinh ngoằn ngoèo trong tinh hoàn rồi đổ vào mào tinh. Tinh trùng khi mới ở ống sinh tinh ra thì chưa có khả năng tự di chuyển và thụ tinh. Sau khi đi qua mào tinh, được tôi luyện mới có thể tự vận động (bơi) và có khả năng thụ tinh (với trứng) được. Quá trình sinh tinh khoảng 72 ngày (2 tháng rưỡi). Nghĩa là thời gian cần thiết để hình thành tinh trùng từ tế bào tinh tới lúc trưởng thành.

Nhiệm vụ nội tiết của tinh hoàn là sản xuất ra nội tiết tố nam (testosteron). Nội tiết tố này góp phần vào việc tạo dáng nam giới: râu tóc, lông mu, cơ bắp, sức mạnh, ham muốn tình dục và tinh dịch. Chính nội tiết này làm nên sự khác biệt giữa nam với nữ.

Theo Phununet