Không còn là chuyện "thì thầm"
Các Website khác - 09/11/2007
Giáo dục giới tính (GDGT) trong nhà trường đang là vấn đề thu hút sự quan tâm của các bậc cha mẹ, nhà quản lý giáo dục. Nên chia sẻ với các em về chuyện tế nhị nhưng lại rất cần thiết, vào thời điểm nào; cách thức, mức độ ra sao?


Các em học sinh có nhiều câu hỏi muốn tư vấn bác sĩ

Đó là nỗi băn khoăn, lo lắng của nhiều người. GDGT không còn là chuyện “thì thầm” nữa mà cần trở thành một nội dung giáo dục quan trọng trong nhà trường.

Thực ra, việc đưa GDGT vào chương trình giáo dục học sinh (HS) không phải là vấn đề mới. Năm 1984, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ký chỉ thị về việc biên soạn nội dung giảng dạy GDGT trong trường học.

Từ đó đến nay, đã có khá nhiều công trình nghiên cứu, đề tài về GDGT được thực hiện dưới sự chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, Viện Khoa học giáo dục, tiêu biểu như Chương trình VIE/88/P09, VIE/88/P10 đã triển khai ở 18 tỉnh, thành phố từ năm 1988 đến 1992. Tuy nhiên, việc GDGT trong nhà trường vẫn chưa được quan tâm đúng mức, do nhiều nguyên nhân (thiếu giáo viên, không có thời gian...), trong đó quan trọng nhất là do nhận thức còn hạn chế.

Thật khó để tìm ra luồng thông tin chính thống về GDGT trong trường học. Hầu hết HS đều tự tìm hiểu qua sách, báo, tờ rơi, bạn bè... nên kiến thức không đầy đủ, thiếu chính xác, thậm chí sai lệch.

Cách đây vài ba năm, Bộ GD-ĐT phối hợp với UNICEF tổ chức chương trình thực nghiệm về “Giáo dục sống khỏe mạnh và kỹ năng sống” đối với HS THCS một số địa phương, trong đó có Hà Nội. Lúc ấy, dù chưa có được đánh giá đầy đủ song cách ứng xử mạnh dạn, tự tin và kỹ năng ứng phó trước những vấn đề xã hội, về giới tính, quan hệ bạn khác giới của HS đã cho thấy tác dụng của việc đưa nội dung này vào nhà trường.

Khá nhiều diễn đàn đã được mở, không chỉ để HS chia sẻ thông tin, thảo luận về cách giải quyết tình huống cụ thể, mà còn là dịp để các bậc cha mẹ, thầy cô lắng nghe những điều vốn dĩ khó bày tỏ.

Cùng ý tưởng ấy, trong những ngày đầu tháng 11 này, một chương trình truyền thông mang tên “Giáo dục giới tính tuổi dậy thì” của Công ty Kimberly Clark, nhãn hàng Kotex S-tyle và Bộ GD-ĐT dành cho nữ học sinh 17 trường THCS Hà Nội đã gây được sự quan tâm của cha mẹ, thầy cô và HS. Có dịp tham gia tại một số trường là nơi chương trình diễn ra, có thể thấy với nhiều em, đây là lần đầu tiên được nghe bác sĩ nói về những thay đổi của cơ thể, biến động tâm - sinh lý tuổi dậy thì.

“Đó là một giờ học sinh động và dễ hiểu, dễ nhớ nhất về những điều thầm kín mà không phải bạn nào cũng dễ dàng thổ lộ được với mẹ hoặc người thân. Những thước phim hoạt hình ngộ nghĩnh mang tính giáo dục, định hướng không chỉ làm tan đi những rụt rè, e ngại, mà qua đó, chúng em thấy rõ mình nên và không nên làm gì” - Mai Chi, HS lớp 7I trường THCS Lê Quý Đôn tâm sự.

Tại những buổi học GDGT, nếu HS lớp 6, 7 thường quan tâm tới những biểu hiện thay đổi của cơ thể thì các em lớp 8, 9 đã bắt đầu có thắc mắc về tâm lý và thể hiện sự tò mò về tình bạn khác giới. Điều ấy cho thấy việc trang bị kiến thức, định hướng kỹ năng ứng xử ở độ tuổi này là vô cùng cần thiết. Một vài tiết về cấu tạo cơ thể người ở môn Sinh học không thể giải đáp được hết băn khoăn của các em về sự thay đổi mạnh mẽ của cơ thể, của tâm sinh lý...

Bác sĩ Đỗ Trương Thị Lan, giảng viên trường ĐH Y Hà Nội, người đã gắn bó với các em trong suốt cuộc hành trình tìm hiểu những điều khó nói, đã không khỏi lo lắng: “Tuổi các em vốn tò mò, nếu thiếu kiến thức cơ bản về vấn đề này thì rất dễ bị ảnh hưởng tiêu cực từ phim ảnh, băng đĩa, sách báo không lành mạnh, trong khi người lớn thì lại không thể kiểm soát hết...

Tuy nhiên, khái niệm về GDGT không nên hiểu đơn giản chỉ là vấn đề tâm - sinh lý, mà còn là những định hướng giáo dục toàn diện về đạo đức, thẩm mỹ, nhân cách con người, giúp các em sống có trách nhiệm với bản thân, biết tự bảo vệ và định hướng hành vi. Nhưng để đạt được mục đích ấy, các em vẫn cần nhiều hơn nữa sự lắng nghe, chia sẻ, giúp đỡ”.

Có lẽ, đó cũng chính là thông điệp chung mà các em muốn gửi tới các bậc cha mẹ, thầy cô

Vĩnh Thương ( theo VTC )