Những đứa con của hôn nhân đồng tính
Các Website khác - 12/05/2005

Theo một cuộc thăm dò dư luận do cơ quan IFOP tiến hành về được tạp chí Elle công bố, 64% người Pháp tán thành hôn nhân đồng tính, đối với năm 1995 chỉ có 51%. Và 49% nghĩ rằng các cặp vợ chồng đồng tính phải có quyền nhận con nuôi, tức trội hơn năm 1995 đến 10%. Bác sĩ tâm thần và nhà phân tâm học Pháp Serge Hefez ghi nhận: "Các cặp đồng tính ngày càng được thông cảm nhiều hơn và đã không còn bị xếp vào hàng đồi bại.

Về phần đứa con, nó cần được giáo dưỡng bởi hai người lớn khác biệt nhau, nhưng sự khác biệt này không dẫn đến sự khác biệt giới tính"

"Cháu có hai người cha", Julien, 10 tuổi, vô tư nói. Julien là "con trai" của Gilles (42 tuổi) và Paul (43 tuổi), một người làm việc trong lĩnh vực bất động sản, người kia hoạt động trong ngành tài chính. Đây là một trong rất nhiều trường hợp hai "vợ chồng" đồng tính chung sống hạnh phúc và cùng... giáo dưỡng con cái theo cách riêng của họ. Hiện nay tại Pháp có gần 100.000 trẻ sống với cha mẹ cùng giới tính (theo Martine Gross, nhà nghiên cứu ở Trung tâm Quốc gia nghiên cứu khoa học Pháp (CNRS) về cha mẹ đồng tính). Đây là vấn đề xã hội hết sức tế nhị đang gây ồn ào dư luận bên trời Tây. Bởi vì, sau khi kết hôn chính thức, bậc cha mẹ cùng giới tính này sẽ có quyền có một gia đình hợp pháp đúng nghĩa. Vấn đề đặt ra: Đứa trẻ có thể trưởng thành bên ngoài giản đồ cổ điển cha-mẹ khác giới tính hay không? Câu trả lời không ở một số người đã khiến nhiều bậc cha mẹ đồng tính (nam và nữ) phản ứng gay gắt!

Cần có thêm thời gian để đánh giá?

Sau 12 năm chung sống, Gilles và Paul mới nhờ đến một phụ nữ mang thai hộ ở Anh (nước Pháp có luật cấm mang thai hộ). Đó là một phụ nữ đã có chồng, 4 con. Sau khi chào đời, bé Julien không còn nhìn thấy mặt "người mẹ" đã mang nặng đẻ đau của mình đâu nữa. Paul phát biểu: "Đối với chị ta, việc hạ sinh một đứa bé đương nhiên không có nghĩa là phải quyến luyến hay yêu thương nó". Người ta không cần biết đến nguồn gốc của họ mà điều quan trọng là phải biết ai yêu thương và giáo dưỡng đứa bé khi đã chào đời. Hẳn đây là một quan điểm khó chấp nhận?

Tại Pháp, không có nhiều các nghiên cứu về hiện tượng cha mẹ đồng tính. Ở Mỹ thì ngược lại, tháng 2-2002, American Academy of Pediatrics (cơ quan nổi tiếng của Mỹ quy tụ gần 60.000 bác sĩ khoa nhi) công bố một báo cáo kỹ thuật về đề tài này. Dominique Ayral, bác sĩ khoa nhi, Trưởng Khoa Trẻ sơ sinh Bệnh viện Notre-Dame-de-Bon-Secours (Paris), nhận định: "Tài liệu này cho thấy một con số không ngừng gia tăng các nghiên cứu khoa học chứng minh rằng những đứa trẻ lớn lên với 1 hay 2 cha mẹ đồng tính nam hay nữ cũng sẽ tiến hóa tốt trong các lĩnh vực xúc cảm, nhận thức, xã hội và giới tính như các đứa trẻ có cha mẹ khác giới tính".

Tuy nhiên, một số người nghĩ rằng chúng ta cần có thêm thời gian để đánh giá vấn đề. Edwige Antier, nữ bác sĩ khoa nhi, đánh giá rằng "các nghiên cứu này thể hiện một sự quanh co đáng kể bởi chúng trộn lẫn những đứa trẻ chào đời từ một sự kết hợp lưỡng tính với những đứa trẻ sinh ra chỉ biết có cha mẹ đồng tính". Trong trường hợp thứ nhất, đứa trẻ phân biệt được nam và nữ, còn trong trường hợp sau thì không. Do đó, sơ đồ tâm lý của chúng sẽ không như nhau.

Bé Perrine, 7 tháng rưỡi tuổi, chỉ biết có hai người mẹ của em: Josette (54 tuổi) và Hélène (34 tuổi), cả hai đều là chuyên viên liệu pháp vận động. Trong căn nhà khang trang, có vườn hoa nở rộ, hai phụ nữ thành viên của Hiệp hội Các bậc cha mẹ đồng tính nam và nữ (APGL), đã chung sống với nhau được 10 năm, tâm sự về cuộc đấu tranh của họ để có được đứa con bé bỏng này. Josette nói: "Tôi đã có hai đứa con lớn từ cuộc hôn nhân khác giới tính trước đây, do đó tôi không mấy thích thú với chuyện sẽ có thêm một đứa con nữa. Nhưng ước muốn được làm mẹ của Hélène khiến tôi phải động lòng". Đầu tiên cả hai chọn con đường nhận con nuôi. Hélène ra mặt xin con nuôi và giấu kín chuyện chị chung sống như "vợ chồng" với Josette. Mất 2 năm rưỡi chờ đợi, tiếp xúc với các chuyên gia tâm lý... Hélène kể: "Họ cảm thấy tôi không thật sự sống độc thân". Và cuối cùng cú sốc mạnh đã đến với Hélène: "Tôi thật sự đau khổ khi họ bảo rằng: Do định hướng giới tính của chị, cho nên chị không thể làm mẹ được!".

Lúc đó hai người đàn bà đau khổ lên đường đến Bruxelles (Bỉ) để Hélène có thể được thụ tinh nhân tạo (IAD) với người cho (một thủ thuật bị cấm ở Pháp đối với các phụ nữ độc thân và các cặp vợ chồng đồng tính nữ). Josette kể lại: "Tại Bỉ, chúng tôi được tiếp đón như một cặp vợ chồng bình thường. Chúng tôi phải tiếp xúc với các chuyên gia tâm lý 2 lần để họ đánh giá ước nguyện làm cha mẹ của chúng tôi". Sau 3 lần can thiệp y khoa, Hélène mang thai, với người cho giấu. Hai "bà mẹ" khá lạc quan cho tương lai. Josette nói: "Chúng tôi nhất trí với nhau về những gì chúng tôi mong muốn truyền lại cho bé Perrine: sự tôn trọng người khác, giá trị của lao động, ý nghĩa của gia đình. Chúng tôi là một gia đình!", cặp vợ chồng đồng tính nữ đã sống với nhau như thế đó!

Maryline, 49 tuổi, nữ tâm lý gia, sống chung với một phụ nữ mang thai nhờ phương pháp thụ tinh nhân tạo, kể lại: "Trước đây, tôi đã sống với một phụ nữ có một đứa con gái nhỏ. Đứa bé luôn bịa ra những câu chuyện để tự vệ trước bao lời lẽ chế giễu của những đứa khác, ở trường học". Hiện nay, Maryline sẵn sàng bảo vệ đứa con tương lai của mình chống lại cái nhìn ác cảm của xã hội dành cho các gia đình đồng tính. Chị giải thích: "Tôi biết mình phải rất cứng rắn và rất hãnh diện về tất cả những gì tôi làm để đem lại niềm tin cho con tôi. Và nếu như các nghiên cứu chứng minh rằng con cái chúng tôi không tốt, lúc đó chúng tôi biết chính xã hội chịu trách nhiệm!"

Thực tế, trong gia đình của em Julien, mỗi người cha đều hành động khác nhau. Julien cho biết: "Bố Gilles kể chuyện cho con nghe, nựng nịu con, và làm bếp. Còn bố Paul thì chơi đùa với con". Josette và Hélène không xác định trước với nhau về vai trò của mỗi người đối với bé Perrine, mặc dù Hélène làm vườn còn Josette làm bếp... Và các nhà tâm lý học nhận xét rằng những đứa trẻ được giáo dưỡng trong các gia đình đồng tính không xấu hơn những đứa trẻ bình thường khác.

Khoảng trống pháp lý?

Tuy nhiên, liệu chúng ta có nên làm luật và dựng nên một chuẩn mực xã hội mới, trong đó cho phép các cặp đồng tính có quyền kết hôn và do đó có quyền có con hay nhận con nuôi? Một số người nhìn thấy trong chuyện này tính chất nguy hiểm lớn đối với xã hội. Edwige Antier giải thích: "Tôi nghĩ rằng cấp thiết phải tạo nên một quy chế về tư cách đỡ đầu. Có thế thì người ta mới không nói dối được với trẻ về cội nguồn xuất thân của nó. Có một bà mẹ và một người mẹ đỡ đầu, một ông bố và một người cha đỡ đầu, điều đó sẽ giúp cho trẻ nhìn thấy và nhận biết được rõ ràng hơn về nguồn gốc xuất thân của nó. Cần phải biết rằng mỗi đứa trẻ cho đời từ một sự kết hợp giữa một người đàn ông và một người phụ nữ".

Hiện nay, đó là khoảng trống to lớn về mặt pháp lý trong vấn đề tế nhị này. Paul tỏ ý hối tiếc: "Giá như ngày mai tôi lìa đời, bạn đường của tôi sẽ không có bất cứ quyền gì về đứa con Julien này. Nếu chúng tôi chia tay nhau, tôi có thể cấm đoán người cha này gặp con và người cha này có thể quyết định không chi cho tôi một khoản trợ cấp nào" . Đó cũng chính là những âu lo cho Josette và Hélène, hai người tán thành hôn nhân đồng tính. Serge Hefez đánh giá: "Vấn đề nguy hiểm cho xã hội đó chính là sự gạt bỏ những gia đình (đồng tính) này ra khỏi cộng đồng. Để mọi chuyện trở nên tốt đẹp, chúng ta phải kéo những cha mẹ và con cái này ra khỏi cuộc sống bí mật". Bởi lẽ ngày càng có nhiều cặp vợ chồng đồng tính trẻ tuổi khao khát có con!

Eric Gamier, 51 tuổi, Chủ tịch APGL và là cha sinh học của một bé gái 12 tuổi, giải thích: "Đối với thế hệ chúng ta, trước nhất đây là vấn đề sống còn trước hiểm họa AIDS".

(KTNN)