Trinh tiết dưới góc nhìn y học
Các Website khác - 16/10/2007

Màng trinh là một màng mỏng được bao bọc bởi các tế bào biểu mô lát tầng, nằm giữa âm hộ và âm đạo của người phụ nữ, giữa màng trinh có một lỗ nhỏ (đôi khi có nhiều lỗ) để máu kinh từ trong tử cung thoát ra ngoài.

 

Màng trinh có rất nhiều hình thái khác nhau, thường gặp nhất là màng trinh nhẵn, mỏng và có lỗ ở giữa. Ngoài ra còn có thể có các dạng khác tùy thuộc vào màng trinh có nếp, độ dày, hoặc theo vị trí và kích thước của lỗ màng trinh...

 

Màng trinh thường bị rách khi giao hợp lần đầu. Tuy nhiên màng trinh có thể bị xước, rách trước khi giao hợp do lúc nhỏ bị chấn thương vùng chậu hông, hoặc có thể do đùa nghịch.

 

Sau khi màng trinh bị rách, một số mảnh da còn lại được gọi là di tích của màng trinh.

 

Với đa số các phụ nữ, ở lần giao hợp đầu tiên màng trinh bị rách và gây ra hiện tượng chảy máu nhẹ, tuy nhiên một số ít trường hợp màng trinh không bị rách, do đó không thấy có hiện tượng chảy máu. Trong những trường hợp đó nguyên nhân thường do màng trinh dày, điều này thường kèm theo khó hoặc có khi không giao hợp được.

 

Có những phụ nữ màng trinh quá dày kèm theo không có lỗ sẽ gây nên hiện tượng vô kinh giả và ứ máu kinh gây nhiều biến chứng, ảnh hưởng đến sức khỏe và chức năng sinh sản. Với những trường hợp bất thường này cần phải đến khám bác sĩ chuyên khoa phụ sản để được thăm khám, tư vấn. Cách xử trí trong những trường hợp này là phẫu thuật xẻ màng trinh theo hình rãnh khế.

 

Vì vậy không thể dựa vào hình thái của màng trinh để coi là một bằng chứng pháp y để nhận xét còn trinh hay không.

 

Theo Sức khỏe & Đời sống