![]() |
(Thanh Niên) |
Ở Hà Nội có một nơi gọi là “nhà tạm lánh”, chỗ lánh nạn của những phụ nữ cùng đường khi trốn chạy những cú đấm, đá, bạt tai… của chồng. Căn phòng rộng chưa đầy 20 m2 này đã đón nhận hàng trăm nạn nhân mà cuộc đời mỗi người là một tấn bi kịch.
Ông Nguyễn Ngọc Quyết, Giám đốc Trung tâm tư vấn, chăm sóc sức khỏe phụ nữ (Sở Y tế Hà Nội), là người gắn bó với "nhà tạm lánh" từ tháng 3/2003 đến nay. Trong suốt thời gian đó, ông và các đồng nghiệp đã tiếp đón vài trăm nạn nhân, người thì mặt mũi bầm dập, người bị gãy tay, vỡ đầu... nhưng đều có chung tâm trạng sợ hãi, âu lo. Ông Quyết là người cẩn thận nên đã ghi chép đầy đủ "những điều trông thấy mà đau đớn lòng" vào tập sổ tay dày trên trăm trang giấy và gọi đó là Nhật ký nhà tạm lánh. Lật từng trang nhật ký, sau những con chữ tròn trịa, đều tăm tắp là những số phận bất hạnh đến cùng cực.
"Ngày... Ngồi trước mặt tôi là chị Khương, 28 tuổi, ngụ tại Gia Lâm, bị chồng đánh khiến mặt mày sưng tấy, toàn thân đau nhức. Khương ngồi bất động, hai mắt đỏ hoe nhưng ráo hoảnh nhìn lên trần nhà, không nói một lời trong suốt 1 giờ đồng hồ rồi mới nghẹn ngào: 'Chồng em là một người đàn ông háo sắc. Hắn đã ngoại tình lại còn thường xuyên đánh đập vợ dã man. Lúc nào hắn cũng tìm cớ để đánh em. Em đánh vỡ cái bát, hắn đấm vào ngực, đạp vào bụng. Em đi làm đồng về muộn, chưa kịp nấu cơm đã bị hắn túm tóc, tạt tai, đấm đá túi bụi... Hắn tuyên bố là sống với nhau thì sẽ cho em sống dở chết dở, còn nếu em dám bỏ thì hắn sẽ cho cả nhà em điêu đứng; rằng hắn đánh chưa đủ mà sẽ còn huấn luyện cho con đánh tiếp'. Tôi hỏi tại sao chị lại cam chịu suốt 7 năm trời thì chị bảo là phải cắn răng nhịn nhục sống để nuôi các cháu".
"Ngày... Chị Thương 42 tuổi, làm ruộng, bị chồng dùng dao rạch vào 2 bên má những đường sâu và dài hơn 10 cm vì cái tội 'pha nước chè mời thằng cha cấy thuê uống'. Thương cho biết chồng chị có máu ghen kinh khủng. Thương đi đường, nếu đám trai làng chọc ghẹo là về nhà bị chửi bới, đánh đập. Sang nhà hàng xóm chơi mà quên xin phép chồng, lúc trở về thể nào cũng bị tra hỏi, rồi hứng chịu những quả đấm vào mặt, khúc gỗ đập vào người. Hơn 4 năm chịu trận, lúc thì chị chạy sang nhà hàng xóm, khi bế con về nhà mẹ đẻ để trốn những trận đòn thừa sống thiếu chết nhưng anh chồng vũ phu vẫn chẳng chịu buông tha, tìm tới tận nơi để tiếp tục thượng cẳng tay, hạ cẳng chân, bất chấp sự can ngăn của mọi người".
"Ngày... Chị Hòa, 32 tuổi, quê Hà Nội bị chồng đánh vì không chịu ký vào đơn ly hôn. Đang xây nhà thì chồng bị bệnh lao phải vào viện điều trị một thời gian. Kinh tế quá khó khăn khiến anh chồng trở nên cộc cằn và hay chửi bới vợ. Anh ta đánh vợ mỗi khi không có tiền mua thịt, mua tivi, mua... máy giặt. Lý lẽ của đức lang quân này rất Chí Phèo: 'Tao chẳng nhờ bên vợ được cái gì cả. Người ta đi lấy chồng thì có của nả mang theo, còn mày đi về nhà chồng chỉ với hai bàn tay trắng. Tao sẽ bỏ mày'. Chồng Hòa ép chị ký vào đơn ly dị, dọa sẽ đánh cho đến khi vợ ký vào đơn mới thôi. Vì thế nên vết thương cũ chưa lành, Hòa lại có thêm những vết thương mới. Chồng chị có cách đánh vợ rất riêng: đóng cửa lại, vớ được cái gì là đập vào người vợ cái đó. Vợ không nói gì, anh ta bảo là khinh chồng và đánh tiếp, còn cãi thì anh ta cho là hỗn, và lại xông vào đánh!".
Ông Quyết cho biết, những phụ nữ gặp nạn sẽ ở nhà tạm lánh một thời gian để tránh nguy cơ tiếp tục bị bạo hành và tìm kiếm sự trợ giúp của cộng đồng. Theo ông, đấm, đá, thụi, bịch chỉ là bạo hành cấp 1, nguy hại hơn là khủng bố tinh thần, khiến nạn nhân chịu một sức ép rất lớn, nếu không được giải thoát kịp thời rất dễ dẫn đến trầm cảm nặng.
Biểu hiện của khủng bố tinh thần là "chiến tranh lạnh". Chị Minh ở quận Hai Bà Trưng là một ví dụ. Chồng chị là một cử nhân kinh tế đang làm cho một công ty nước ngoài. Minh cũng ham học, muốn thi thạc sĩ nhưng người chồng không đồng ý. Lời qua tiếng lại mãi chẳng đi đến kết cục gì, hai vợ chồng quyết định... im lặng. Và rồi suốt hai năm trời, họ không hề nói với nhau một câu khi không có khách khứa, bạn bè. Muốn trao đổi với nhau điều gì, họ ghi ra giấy để trên mặt bàn. Khổ cho chị vợ là trong suốt thời gian đó, anh chồng đi "cải thiện" bên ngoài, để vợ vò võ bao đêm trắng. Hậu quả là Minh bị trầm cảm rất nặng.
Có anh chồng khủng bố vợ bằng cách đòi sống ly thân rồi ngày ngày cố tình đèo người tình dạo qua cho vợ mình nhìn thấy. Một anh chồng ở Đức Giang (Gia Lâm) lại áp dụng “độc chiêu”: lấy con cái ra để ép vợ. Anh nhốt con ở nhà, không cho đi học, đi chơi và đòi vợ phải ký vào đơn ly hôn thì cậu con mới được đi học.
Đa số phụ nữ bị ngược đãi đều chịu đựng một cách nhẫn nhục khiến tình trạng bạo hành kéo dài và ngày càng trở nên trầm trọng. Khảo sát các nạn nhân đến "nhà tạm lánh" cho thấy, họ hoặc lo cho tương lai con cái, hoặc sợ chồng mất việc, hoặc sợ hạnh phúc gia đình tan vỡ nên mới cắn răng chịu đựng.
* Tên các nạn nhân trong bài đã được thay đổi.
(Theo Thanh Niên)
▪ Dấu tích “ngoài luồng” (30/03/2006)
▪ Cẩm nang “bắt mạch” của con gái (29/03/2006)
▪ Mẹo sinh con theo ý muốn ít hiệu quả (28/03/2006)
▪ Bữa tối lãng mạn, nụ hôn hay sex? (28/03/2006)
▪ Bảo vệ con an toàn (25/03/2006)
▪ Giải mã những 'phát ngôn' của nàng (26/03/2006)
▪ Khi nàng 'trên cơ' về nghề nghiệp (26/03/2006)
▪ 7 liệu pháp cho tình yêu (24/03/2006)
▪ Ly hôn vì chồng quá 'khỏe' (23/03/2006)
▪ Phác họa chân dung 'người trong mộng' (22/03/2006)