Việc điều trị trầm cảm phải kéo dài ít nhất 6-9 tháng nên giai đoạn chăm sóc tại nhà rất quan trọng. Người trong gia đình cần theo dõi chặt chẽ để phát hiện các hành vi gây nguy hiểm của bệnh nhân (như tự sát) nhưng phải rất tế nhị, tránh kỳ thị, xem thường.
Nếu không được phát hiện và chẩn đoán sớm, trầm cảm thường kéo dài và có nhiều biến chứng, đặc biệt là các ý tưởng và hành vi tự sát. Cần điều trị tại bệnh viện với các trường hợp nặng (có triệu chứng loạn thần, có ý tưởng và/hoặc hành vi tự sát, từ chối ăn uống). Các trường hợp nhẹ hoặc đã ổn định sẽ được điều trị ngoại trú. Việc chăm sóc tại nhà có ý nghĩa rất quan trọng, tạo điều kiện cho bệnh nhân dễ dàng tái hòa nhập cộng đồng và phục hồi chức năng tâm lý xã hội.
Cần cho bệnh nhân uống thuốc đều đặn theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa tâm thần. Không tự ý dừng hoặc điều chỉnh liều thuốc khi không có ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.
Theo dõi các triệu chứng tâm thần bằng cách trả lời các câu hỏi: Giấc ngủ, ăn uống của bệnh nhân như thế nào? Đỡ buồn chán không? Có bi quan chán nản không? Đã quan tâm đến thú vui sở thích trước kia chưa? Tập trung chú ý khi nói chuyện như thế nào? Có chủ động nói chuyện, trình bày những vấn đề về sức khỏe của bản thân không? Đã quan tâm đến các hoạt động nghề nghiệp chưa? Tham gia các hoạt động xã hội?
Theo dõi ý tưởng và hành vi tự sát vì đây là triệu chứng nặng của bệnh. Thông thường, bệnh nhân trầm cảm có ý tưởng bị tội, không xứng đáng, quá bi quan chán nản, cảm thấy bế tắc, không có lối thoát... nên dễ nảy ra ý tưởng và hành vi tự sát. Phải luôn theo dõi và kịp thời phát hiện bằng cách nói chuyện và tế nhị hỏi về những ý nghĩ này, lưu ý đến những hành vi khác thường như viết thư tuyệt mệnh, gọi điện thoại, nhắc đến tự sát trong những câu chuyện hằng ngày... Khi phát hiện ý tưởng hoặc hành vi tự sát, cần theo dõi chặt và đưa đến bệnh viện ngay.
Thông thường, các thuốc chống trầm cảm khi đã được bác sĩ chỉ định cho điều trị ngoại trú sẽ ít tác dụng phụ. Tuy nhiên, bệnh nhân có thể bị khô miệng, táo bón, bí tiểu hoặc ngủ quá nhiều. Vì vậy, người nhà cần theo dõi tác tác dụng phụ của thuốc. Khi có các triệu chứng trên, cần thông báo cho bác sĩ biết để kịp thời điều chỉnh.
Cần bảo đảm chế độ dinh dưỡng đầy đủ cho bệnh nhân; không cần kiêng bất cứ chất gì. Trong trường hợp sử dụng một số thuốc chống trầm cảm hoặc có bệnh cơ thể kèm theo, bệnh nhân có thể phải kiêng một số thức ăn theo hướng dẫn của thày thuốc.
Người nhà phải luôn có tinh thần thông cảm, chia sẻ, động viên và giúp đỡ bệnh nhân trầm cảm trong cuộc sống hằng ngày. Tránh những thái độ không thiện chí, kỳ thị và coi thường bệnh nhân; luôn tạo mọi điều kiện cho bệnh nhân được làm việc, được bày tỏ ý kiến của mình.
Đưa bệnh nhân đến bệnh viện hoặc phòng khám theo hẹn của bác sĩ điều trị. Thông thường, bệnh nhân trầm cảm cần khám định kỳ hằng tháng, hằng quý... tùy theo tình trạng ổn định của bệnh.
BS Hoàng Nam, Sức Khỏe & Đời Sống
▪ Từ những điều vụn vặt (12/03/2005)
▪ 7 yếu tố ảnh hưởng đến tuổi thọ (08/03/2005)
▪ Khiêu vũ - bài thể dục tuyệt vời (07/03/2005)
▪ 10 lợi ích của nụ cười (07/03/2005)
▪ 30 phút tập thể dục = cộng thêm 2 giờ năng lực (01/03/2005)
▪ Bí quyết trở thành người phụ nữ chín chắn (28/02/2005)
▪ Đầu năm nói chuyện thành đạt (26/02/2005)
▪ Năm cơn đau tưởng tượng (23/02/2005)
▪ Năm cách thoát khỏi sự lo lắng (21/02/2005)
▪ Giấc mơ - bạn đồng hành của con người (16/02/2005)