Trẻ con mà khó tính như ông già
Các Website khác - 30/03/2006
(padda)

Con trai chị Nhung có biệt danh là "ông cụ" vì tính khí khó chịu, hay nhăn nhó, cằn nhằn khi có chuyện không vừa ý. Theo chuyên gia tâm lý, đây là biểu hiện của hội chứng "con vua".

Dịp Tết vừa qua, nhiều vị khách đến nhà chị Nhung chơi đã phải bỏ về chỉ vì cậu con trai 10 tuổi cứ "bắt ne bắt nét" khách, nhăn mũi khó chịu hay lầm bầm khi khách có những cử chỉ mà cháu cho là không đúng. Ngược lại, đến nhà ai chơi, vợ chồng chị cũng phải xin phép ra về sớm để hạn chế tác hại từ tính khí này của con. Mặc dù rất yên tâm về chuyện học hành của con trai (cháu học rất giỏi) nhưng chị Nhung sợ cậu bé sẽ không có bạn bè, không được yêu mến khi lớn lên.

Các chuyên gia tâm lý cho rằng, tính cách trên của trẻ hình thành có thể do cách ứng xử không hợp lý của cha mẹ. Nhiều người thấy con có những hành vi gây khó chịu cho người khác nhưng không nghiêm khắc với con ngay khi sự việc xảy ra vì sợ nó buồn. Thái độ này khiến trẻ cảm thấy "bình thường" khi phản ứng như vậy, hoặc nghĩ là cha mẹ đồng tình với mình nên không sửa chữa, dần dần sẽ trở thành một nét tính cách khó thay đổi.

Tuổi lên 10 ở các cháu trai là tuổi của quá trình thăm dò, tìm kiếm những khuôn mẫu ứng xử và tích lũy kinh nghiệm trẻ thơ trước lúc dậy thì. Các cháu cố tình có những hành vi ngược ngạo hoặc khác thường để gây chú ý đối với những người xung quanh. Đó là hội chứng "con vua", hội chứng "trung tâm vũ trụ" để làm mình làm mẩy với cha mẹ. Nếu không có cách hướng cho trẻ ứng xử tốt hơn, hội chứng này sẽ làm cháu gặp khó khăn khi lớn hơn chút nữa.

Ở tuổi lên 10, trẻ chưa đủ lớn khôn để hiểu những lời giáo huấn của bố mẹ và người lớn trong nhà. Hơn nữa, giáo dục để thay đổi một thói quen là cả một quá trình không đơn giản nhằm hình thành thói quen mới ở cháu. Cha mẹ nên sắp xếp thời gian để cùng trẻ trải nghiệm và thích ứng với cách ứng xử có chủ đích, chứ không chỉ là ở bên cạnh con để quan sát, nhận xét và góp ý. Việc cùng chơi, cùng trò chuyện thường xuyên với trẻ, cùng có những sinh hoạt gia đình để tạo không khí chan hòa sẽ làm quan hệ giữa trẻ và cha mẹ gắn bó hơn. Điều này giúp tập được cho trẻ cách ứng xử thân thiện trong nội bộ, để cháu áp dụng cách ứng xử ấy dễ dàng hơn khi tiếp xúc với người khác.

Tuy nhiên, bên canh sự mềm mỏng tạo sự gắn bó ấy, cha mẹ nên có thái độ dứt khoát, nghiêm khắc khi cần thiết để trẻ không bị "nhờn thuốc". Việc thể hiện đúng lúc sự không bằng lòng của cha mẹ sẽ có tác dụng tốt.

(Theo Phụ Nữ TP HCM)