Những cái nắm tay
Không biết khi tôi sinh ra, ai là người đầu tiên nắm tay tôi nhỉ? bố, mẹ, bà hay ông bác sĩ, cô y tá trong bệnh viện?
Tôi hay tưởng tượng ra cảnh bố lấy ngón tay trỏ nhẹ nhàng luồn vào lòng bàn tay tôi, khẽ cạy những ngón tay nhỏ xíu đang co chặt lại rồi trầm trồ: "Ồ, ngón tay con gái dài quá, sau này sẽ tài hoa lắm đây". Còn ông anh 2 tuổi của tôi thì lăng xăng quanh giường, ăn hết phần ăn bà nấu bồi dưỡng cho mẹ, tò mò ngó nhìn đứa em đang nằm gọn lỏn trong vòng tay bố và phán một câu: " Tay nó bé tí, con bẻ một phát gãy ngay!"
Khi đến tuổi tập đi, chắc đã rất nhiều người nắm lấy tay tôi và dẫn tôi đi từng bước một quanh nhà. Bố mẹ này, anh chị, cô chú bác và chắc cả hàng xóm láng giềng nữa.
Khi đến tuổi đi học, bàn tay bố dẫn tôi vào lớp và bàn tay cô ân cần dạy tôi những nét chữ đầu tiên. Đến tuổi chạy nhảy theo anh đi chơi, rất nhiều lần hăng máu đánh nhau với lũ con trai, té lăn quay ra đất. Bàn tay anh nắm chặt tay tôi và kéo tôi đứng dậy, "để thằng đó cho anh!"
Ngày học cuối của lớp 12, đang ngồi khóc hu hu vì phải chia tay tuổi học trò thì người bạn trai thân nhất luồn tay vào ngăn bàn, khẽ bóp nhẹ tay tôi.
Ngày yêu, tôi ghét cái trò ôm eo nhau đi ngoài đường, chỉ thích để bàn tay mình nằm gọn trong tay anh mỗi khi hai đứa lang thang ngoài phố.
Đến lượt tôi, tôi cũng đã nắm tay rất nhiều người và cũng mơ hồ nhận ra một "chân lý": Hãy chỉ nắm tay khi người ta đưa tay ra cho mình!
Đôi khi tôi cũng không thể phân biệt được đâu là sự giả dối trong lời nói, ánh nhìn của người khác nhưng chắc một điều rằng tôi luôn cảm nhận được thật - giả khi ai đó nắm tay mình. Và cũng may mắn, đến giờ tôi luôn cảm nhận được hơi ấm từ những cái nắm tay...
Triết lý cà rem
Thưởng thức một cây cà rem (kem) cũng giống cách cảm nhận một niềm hạnh phúc, dù ngắn ngủi nhưng trọn vẹn và ngọt ngào. Khi bạn thưởng thức từ từ, hương vị của cây cà rem cũng sẽ từ từ thấm đượm và cảm giác dần dần lan toả. Nếu bạn hơi vội vã, bạn sẽ thấm thía sự "tê tái" tạm thời, cũng là vị ngọt ngào đó thôi nhưng cảm giác sẽ khác hẳn và mất đi sự tận hưởng trọn vẹn lẽ ra bạn nhận được.
Bạn không thể giữ mãi cây cà rem, cũng như bạn không thể sống mãi trong niềm hạnh phúc. Cà rem sẽ tan, hạnh phúc sẽ không còn nguyên vẹn. Dù muốn hay không, bạn cũng phải chọn một trong hai cách: hoặc tận hưởng sự hiện hữu của nó, hoặc để nó tự nhiên tan biến đi. Lẽ dĩ nhiên, không ai muốn mất đi cảm giác cảm nhận niềm hạnh phúc của mình, nhưng thử hỏi mấy ai đủ can đảm để đi đến tận cùng sự khám phá ấy?
Trẻ con thường thích ăn cà rem, vì một điều đơn giản là cà rem rất ngọt ngào và hương vị thật hấp dẫn. Trẻ con không có khái niệm hạnh phúc một cách rõ ràng, và tự nhiên, chúng nhận được cảm giác ấy. Người lớn không thích ăn cà rem như trẻ con. Người lớn chỉ thích cảm nhận niềm hạnh phúc - cái niềm hạnh phúc ấy phải được gọi tên. Và vì thế đôi khi vô tình đến cố tình, họ đã đánh mất cảm nhận ngọt ngào.
Vậy thì hãy tận hưởng cây cà rem hạnh phúc của mỗi chúng ta, nhưng đừng nên vội vã!
NĐ