Bí mật của những chiếc máy in (kỳ 1)
Các Website khác - 26/05/2006
Bí mật của những chiếc máy in (kỳ 1)

Tuấn Anh
Nếu tra từ "toner cartridge" (hộp mực bột) trong từ điển điện tử Lạc Việt, ở phần dưới lời chú giải bạn sẽ nhận được một lời khuyên: "Bạn có thể tiết kiệm đến 50% chi phí mua hộp mực mới bằng cách sử dụng lại hộp mực". Quả là một sự trái ngược thú vị và đáng chú ý, so với thực tế hiện nay các nhà sản xuất máy in và vật tư in quảng bá khắp nơi về sự cần thiết của việc sử dụng vật tư in chính hãng, mà các hãng lớn thì đều không thực hiện và không khuyến khích việc sử dụng lại hộp mực. Rõ ràng, chi phí là bí ẩn lớn nhất của những chiếc máy in.

Để tạo ra một bản in, cần sự phối
hợp giữa nhiều thành phần bên
trong máy in.
Có nên tái sử dụng?

Chúng ta chỉ cần liếc qua bảng giá là thấy rõ cơ sở cho lời khuyên nói trên, bởi các hộp mực, mực in tái tạo và bột mực tái nạp có giá thấp hơn hẳn so với vật tư in chính hãng. Suy luận theo cách thông thường cũng cho phép chúng ta nhận định rằng, đương nhiên các nhà sản xuất khuyến khích sử dụng vật tư in chính hãng bởi đó là quyền lợi của họ.

Tuy nhiên, việc tìm hiểu tới tận gốc rễ vấn đề luôn mang lại lợi ích lớn nhất, giúp chúng ta đưa ra những quyết định thực sự dựa trên thông tin, chứ không phải dựa trên cảm tính. Hơn nữa, ngành công nghiệp vật tư in ấn kỹ thuật số (bao gồm mực in, bột mực, giấy...) có doanh thu toàn cầu lên tới con số chóng mặt hơn 100 tỉ USD/năm, rất đáng để tìm hiểu.

Câu hỏi đặt ra là tại sao các hãng lớn như HP, Canon, Epson, Brother, Fuji Xerox..., vốn mỗi năm chi ra hàng tỉ USD riêng cho việc nghiên cứu và phát triển công nghệ in ấn, lại không thực hiện và không khuyến khích các hình thức tái sử dụng hộp mực. Lý giải của các hãng này là các hộp mực được tái sử dụng sẽ không thể đạt được chất lượng và sự ổn định như ban đầu, thậm chí có thể làm rò mực, gây hại đến máy và tạo ra nhiều bản in hỏng. HP và Canon khuyến khích người dùng trả lại các hộp mực đã qua sử dụng để tái sinh, tạo ra các hộp mực mới; còn Epson chú trọng hơn tới việc sử dụng chất liệu an toàn để người dùng có thể thải hộp mực ra môi trường cùng với các loại rác khác.

Vai trò của từng bộ phận trong in ấn
Để hiểu một cách tổng thể về chi phí in ấn, trước hết cần tìm hiểu vai trò của từng loại thiết bị và vật tư. Theo ông John Solomon - Phó Chủ tịch phụ trách vật tư hình ảnh và in ấn của HP khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, các máy in, hộp mực, mực nước (đối với máy in phun) hoặc mực bột (đối với máy in laser), và giấy của HP được nghiên cứu, phát triển một cách tổng thể và tuân theo những tiêu chuẩn nghiêm ngặt để đem lại hiệu quả tốt nhất. Chẳng hạn, là nhà sản xuất máy in, HP hiểu rõ mực và hộp mực cần được thiết kế ra sao để làm việc tốt nhất đối với loại máy in của mình. Tương tự, mỗi hãng khác cũng có công nghệ riêng mà họ nắm rõ nhất, do đó các thiết bị và vật tư in của cùng một hãng sẽ hoạt động tốt hơn.

Lấy ví dụ riêng về mực nước. Nó không đơn giản là "nước pha màu" như một số người lầm tưởng, mà là thành quả của hàng chục năm nghiên cứu khoa học, kết hợp vô số thành phần như chất có hoạt tính bề mặt, chất polymer, chất giữ ẩm, chất chống quăn, chất bảo quản... theo những liều lượng thích hợp. Riêng chất nhuộm trong mực cao cấp còn phải qua hàng loạt công đoạn xử lý nhằm lọc hết các tạp chất để đạt độ tinh khiết nhất...

Mực bột cũng đòi hỏi mức độ đầu tư nghiên cứu tương tự. Hiện nay, những công nghệ tiên tiến như ColorSphere của HP giúp tạo ra loại bột mực siêu mịn, mang lại bản in có độ bóng, tính trung thực và bền vững cao. Thêm vào đó, chất lượng bản in còn phụ thuộc vào sự tinh xảo của các đầu in, chất lượng của hộp mực và đối với các bản in yêu cầu cao, còn phụ thuộc vào cả chất lượng của giấy in...

Sau khi đã sáng tỏ về quy trình in ấn, trong số tới chúng ta sẽ mổ xẻ kỹ hơn những hiểu lầm thông thường về chi phí in ấn, và cách tính chi phí in ấn thực sự. (còn tiếp)