Cạnh tranh trong viễn thông: bao giờ?
Các Website khác - 12/08/2005

Thống kê của Trung tâm Internet VN về số thuê bao Internet của từng nhà cung cấp dịch vụ vào tháng 6-2005
TT - Hôm qua, 11-8, Dự án nâng cao năng lực cạnh tranh (VNCI), do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tài trợ, đã chính thức công bố báo cáo về cạnh tranh trong ngành viễn thông VN.

Báo cáo của VNCI đưa ra nhận định: dù đã có những qui định cụ thể của Chính phủ nhưng hiện vẫn còn tồn tại một số vấn đề tiềm ẩn trong việc tổ chức kết nối giữa các mạng viễn thông tại VN với nhau. VNCI cho rằng đây có thể coi là hành vi cản trở sự cạnh tranh trên thị trường viễn thông.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Phạm Chi Lan - chuyên gia tư vấn Ban nghiên cứu của Thủ tướng - nói:

- Cạnh tranh chưa thể đầy đủ được khi mà VNPT chiếm đến 94% thị phần, trong khi 5-6 công ty còn lại chỉ chiếm thị phần khoảng hơn 5%.

Tôi cho rằng các doanh nghiệp viễn thông mới chưa chiếm được thị phần cao cũng do cạnh tranh chưa đầy đủ. VNPT hiện có lợi thế hơn hẳn…

* Theo bà, làm sao để các doanh nghiệp viễn thông mới vươn lên chiếm khoảng 25% thị phần như mong muốn của Chính phủ?

- Tôi nghĩ rằng trước mắt nên thực hiện thật tốt các yêu cầu mà chính Chính phủ đặt ra. Ví dụ tách đường trục viễn thông và giao cho một đơn vị độc lập quản lý, kinh doanh riêng. Nếu không làm điều này thì các doanh nghiệp viễn thông khác vẫn phụ thuộc VNPT.

Ngoài ra, cũng nên mở rộng quyền kinh doanh của các doanh nghiệp viễn thông, bởi vì một số doanh nghiệp có phép kinh doanh viễn thông nhưng phạm vi kinh doanh dịch vụ vẫn còn tương đối hạn hẹp...

Để minh chứng cho vấn đề trên, VNCI nêu dẫn chứng liên quan đến dịch vụ điện thoại di động S-Fone, bắt đầu khai thác từ giữa năm 2003. Một trong những nhu cầu thiết yếu của mạng di động mới là khả năng kết nối dịch vụ nhắn tin với những nhà cung cấp điện thoại di động khác như Vinaphone hay MobiFone.

Theo kế hoạch, việc kết nối này sẽ được hoàn tất vào giữa tháng 12-2003, nhưng đến giữa năm 2004 vẫn chưa hoàn thành. Theo VNCI, điều đáng chú ý là Tổng công ty Bưu chính viễn thông VN (VNPT) yêu cầu S-Fone kết nối với mạng di động của VNPT không trực tiếp qua tổng đài trung kế, mà gián tiếp qua tổng đài đường dài do VNPT quản lý.

Điều này khiến S-Fone phải trả thêm chi phí 250đ/phút, và S-Fone đã mất hơn 1,4 tỉ đồng trong sáu tháng cuối năm 2003 và hết khoảng 1-2 tỉ đồng trong năm 2004. Những chi phí tăng thêm này góp phần làm khó khăn hơn cho nhà khai thác viễn thông còn non nớt như S-Fone.

Báo cáo của VNCI cũng cho biết phí kết nối với VNPT có thời điểm được tất cả các công ty viễn thông khác cho là quá cao và chiếm 60-70% chi phí của những nhà khai thác viễn thông khác cùng cạnh tranh trên thị trường. Giá cước kết nối cao làm giảm khả năng cạnh tranh về giá giữa các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, đặc biệt là ở các doanh nghiệp mới.

Theo Ngân hàng Thế giới, ước đoán VNPT chiếm giữ 94% thị phần ở lĩnh vực viễn thông. Bà Phạm Chi Lan - chuyên gia tư vấn Ban nghiên cứu của Thủ tướng - nói dí dỏm: ngày hôm nay VNPT có vị trí và lớn mạnh như vậy trước hết phải cảm ơn người tiêu dùng, vì họ phải trả cước phí dịch vụ viễn thông cao trong nhiều năm qua; đồng thời phải cảm ơn Nhà nước đã cho VNPT cơ chế độc quyền, “một mình một chợ” khai thác thị trường viễn thông VN trong nhiều năm.

Có hai yếu tố này mới giúp túi tiền của VNPT đầy đặn như ngày hôm nay. Thực tế VNPT vẫn còn độc quyền vì doanh nghiệp này nắm những cơ sở hạ tầng viễn thông quan trọng nhất, nhiều doanh nghiệp viễn thông khác phải phụ thuộc VNPT.

Báo cáo VNCI đặt vấn đề: việc nắm giữ các cơ sở hạ tầng chủ chốt, liệu rằng VNPT có ngăn cản và kìm hãm sức cạnh tranh của các doanh nghiệp viễn thông khác?

QUỐC THANH