Ra mắt Windows phiên bản tiếng Việt
Các Website khác - 06/03/2006
Ngay tại buổi lễ kỷ niệm 10 năm Microsoft có mặt tại Việt Nam được tổ chức long trọng và đặc sắc tại Hà Nội tối ngày 3-3, ông Ken Why Saw, TGĐ Microsoft khu vực Đông Nam Á đã tuyên bố chính thức ra mắt phiên bản tiếng Việt của hệ điều hành Windows XP Starter Edition. Đây là phiên bản đặc biệt được thiết kế dành cho những người lần đầu tiên làm quen với máy tính tại Việt Nam.
Phiên bản tiếng Việt của hệ điều hành Windows XP Starter Edition kết hợp các tính năng ưu việt nhưng đơn giản và dễ sử dụng, đáp ứng nhu cầu của những người mới bắt đầu dùng máy tính nhưng vẫn giữ các tính năng thiết yếu của Windows XP như các ứng dụng cơ bản, công cụ xử lý ảnh và đồ họa, các tính năng giải trí và trình duyệt web. Phiên bản này vẫn bảo đảm cho người dùng ít gặp khó khăn nhất khi dùng máy tính nhờ các thiết lập sẵn, giao diện thân thiện và hướng dẫn sử dụng chi tiết.

Windows XP Starter Edition được thiết kế với nhiều ưu điểm tạo thuận lợi cho người sử dụng như hỗ trợ bản địa hóa thông qua thiết kế lại hệ thống trợ giúp được gọi là My Support trong đó có hướng dẫn sử dụng chi tiết; video hướng dẫn sử dụng bằng ngôn ngữ bản địa; tùy biến bản địa hóa bằng việc có thể chọn wallpaper và screensaver với các phong cảnh, cờ, thiết kế quen thuộc với người Việt Nam; các thiết lập sẵn sẽ giúp giảm thiểu rắc rối và nhầm lẫn khi cài đặt cho người dùng mới bằng cách thiết lập sẵn các cài đặt cao cấp và tự động ngầm kích hoạt tường lửa Windows Firewall; quản lý đơn giản và có thể mở tới 9 cửa sổ trong 3 chương trình chạy cùng lúc.

Mặc dù với những người sử dụng đã quen thuộc với phần mềm của Microsoft và biết tiếng Anh thì những ưu điểm này không có gì quan trọng nhưng với những người lần đầu tiên sử dụng máy tính thì đây lại là một cuộc cách mạng lớn. Chính vì vậy mà phần mềm này vẫn được xem là một cú hích quan trọng đối với ngành công nghệ thông tin của Việt Nam, giúp đẩy nhanh mục tiêu phổ cập máy tính và Internet đồng thời rút ngắn khoảng cách về công nghệ thông tin giữa các thành phố lớn với các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu và vùng xa.

Cụ thể, phiên bản này vẫn bao gồm các tính năng cơ bản của Windows XP bao gồm: kết nối Internet, giao diện Windows thân thiện; công nghệ bảo mật tiên tiến trong Windows XP Service Back 2; truy cập thời gian thực qua Windows Messenger instant communicator; dễ dàng kết nối với máy ảnh số và dễ dàng truy cập các công cụ xử lý ảnh, hoán đổi file hoặc in ra trên các máy in tương thích; Windows Media Player để nghe nhạc và xem phim; tương thích với phần lớn các phần mềm và thiết bị trên nền tảng Windows bao gồm cả máy in, máy quét, loa...

Theo ông Ken Wye Saw, với phần lớn những người mới làm quen với máy tính, việc tiếp cận công nghệ thông tin vừa khó vừa đắt tiền. Vì vậy, với Windows XP Starter Edition phiên bản tiếng Việt, Microsoft hy vọng có thể cung cấp cho những khách hàng này khả năng truy cập công nghệ một cách đơn giản, dễ dàng với mức giá hợp lý. Trong thời gian trước mắt, phiên bản Windows XP Starter Edition được bản địa hóa này sẽ được cung cấp tới người sử dụng thông qua việc cài đặt sẵn trong máy tính cung cấp ra thị trường của các đối tác của Microsoft tại Việt Nam như CMS và một số các công ty máy tính thương hiệu Việt Nam khác.

Cùng với việc ra mắt phiên bản Windows tiếng Việt, cũng ngay trong lễ kỷ niệm 10 năm có mặt tại Việt Nam, Microsoft cũng công bố chương trình Partner in Learning trong khuôn khổ hợp tác với Bộ GD-ĐT. Chương trình sẽ hỗ trợ việc hợp tác với các nhà giáo dục và ban giám hiệu các trường, đào tạo kỹ năng cho giáo viên, phát triển các đối tác địa phương, bản địa hóa và điều chỉnh nội dung đào tạo cho phù hợp với Việt Nam. Trong 5 năm tới, dự kiến chương trình sẽ đào tạo khoảng 50.000 giáo viên và tiếp cận khoảng 2 triệu học sinh Việt Nam.

“Việc công bố phiên bản Windows tiếng Việt và chương trình hỗ trợ cho GD-ĐT nằm trong định hướng của Microsoft trên toàn thế giới về ứng dụng công nghệ số vào cuộc sống và cũng là bằng chứng cho sự cam kết lâu dài của Microsoft đối với Việt Nam”-ông Ken Wye Saw khẳng định.

Theo Theo Thời báo kinh tế Việt Nam