"Cái chết trắng" ở "thiên đường vàng"
Các Website khác - 28/12/2004
PHÓNG SỰ DỰ THI
"Cái chết trắng" ở "thiên đường vàng"

Lời giới thiệu:
Chuyện đào vàng có ở nhiều nơi và cũng không còn là chuyện mới với độc giả. Gần đây "phong trào" đào vàng có vẻ như lắng xuống. Nhưng không ngờ qua phóng sự này ở miền viễn tây Quảng Nam đào vàng vẫn sôi nổi như cao trào ngày nào.

Tác giả dùng từ "viễn tây" khiến tôi nhớ lại mấy thế kỷ trước người Mỹ cũng đến viễn tây tìm vàng và đã trở thành những triệu phú làm nên nước Mỹ giàu có nhất thế giới. Còn viễn tây Quảng Nam thì buồn thay, đào vàng đi kèm với ma tuý, máu và nước mắt và sự tha hoá, lụi tàn của cả một lớp người! Trần Chinh Đức


Trương Tâm Thư

Một góc "phố vàng" Khâm Đức.
Phước Sơn - miền viễn tây tỉnh Quảng Nam; xứ sở của những bãi vàng sa khoáng giữa rừng sâu núi thẳm; thiên đường của đủ mọi hạng săn vàng trái phép, từ làm thuê cho đến đâm thuê chém mướn và cả những ông trùm vàng, dĩ nhiên. Giấc mộng vàng chưa thỏa và có lẽ không bao giờ thỏa vẫn đang được nuôi dưỡng và bù đắp nữa, bằng ảo giác của ma tuý. Vàng. Ma tuý. Và nước mắt. Hậu hoạ đang đổ xuống đầu không chỉ xứ vàng.

Sáng vừa bảnh mắt ra đã nghe tiếng xe máy gào rú ầm ĩ khắp các ngả đường dọc ngang bàn cờ như muốn xé nát không gian phố núi mờ sương. Thị trấn Khâm Đức (Phước Sơn - Quảng Nam) bắt đầu 1 ngày mới bằng một đoàn cả trăm chiếc xe ôm Minsk đặc chủng lần lượt rồ ga lao về phía các bãi vàng hun hút nhất ở khắp các xã Phước Kim, Phước Đức, Phước Thành, Phước Chánh... Đi bãi xa nhất (chừng 100km): 700 ngàn đồng, gần 50km: 300 ngàn; gặp mưa thêm 200 ngàn, "khứ hồi" tử tế, cô bạn đồng nghiệp lẩm nhẩm, rồi ngúc đầu cả quyết: "Đi bãi... gần nhất thôi! Cái phóng sự "lao vào điểm nóng" này mà "đi" được thì nhuận bút cũng vừa đủ "phí" (!).

Miền đất không yên tĩnh
Hai chiếc xe ôm "đổ" chúng tôi lại lưng chừng núi. "Hết đường phải đi bộ thôi. Bãi Gõ kia kìa" - Xuân, tài xế chở tôi, nói. Phía sườn núi bên kia lô nhô những lán trại căng bằng bạt nylon xanh, vàng, trắng, đỏ như tầm gửi mắc vào lưng chừng cây cối rậm rạp của rừng già. Bãi Gõ (ở thôn 4, xã Phước Đức) mới được "khai canh" chừng 1 tháng, đường độc đạo còn mới tinh và khắp nơi ngổn ngang cây cối ngã đổ vắt ngang vắt dọc, bùn đất đỏ quánh đặc, trơn trượt. Người đón chúng tôi là Sơn - chủ một bưởng bãi Gõ. Dù than rằng lỗ lã, nhưng quân của Sơn không ít hơn 50 con người sống tạm bợ trong 7 chiếc lán căn tùm hum dưới bóng suối. Hầu hết họ đang hì hục xúc, đào, đãi, lắng, gạt... khắp sườn núi cheo leo. Tiếng máy xay đất, đá ràn rạt, ken két rợn người.

Đấy là trên mặt đất, còn trong những miệng hầm khoét vào vách núi tối om om kia cũng cỡ chừng ấy người nữa ra ra vào vào. Miệng hầm đường kính chỉ chừng 1m, vừa chui từ đó ra, chú bé tên Khuyến cứ chống cuốc, mắt nhìn chúng tôi lom lom. Khuyến 14 tuổi, nhưng lăn lộn ở bãi vàng này đã trên năm. Nước da Khuyến, như hầu hết thợ vàng ở đây, xanh tái như người lâu ngày không thấy ánh mặt trời. Hỏi đi hỏi lại, Khuyến cũng chỉ lặp lại điều mà tôi từng nghe ở nhiều thợ vàng nơi này: "Làm cái kiếp chui rúc đục núi đãi vàng như bọn em, nguy hiểm chết chóc cứ treo lơ lửng không biết lúc nào ập xuống. Vào sinh ra tử cũng chỉ vì cái nghèo thôi".

Tôi gạ Sơn đưa vào hầm. Lom khom chui chừng mươi mét, tôi đã nghẹt thở, choáng váng, phải quay lộn ra ngay. Trong hầm thiếu dưỡng khí. ÂÍm ướt. Nước rỉ rả nhỏ giọt. Những thợ vàng quả thật chẳng khác nào "xuyên sơn giác", cứ lần theo vỉa vàng trong lòng núi mà khoét hầm, 50m, 100m... đến dứt vỉa mới thôi. "Không thông khí làm sao thở nổi?" - "Quen rồi, nghề mà đại ca, lâu lâu mới quạt gió xả hơi", Sơn đáp. Bên trên hầm là rừng già. Là khối núi. Ập xuống như chơi.

Bên trong lán bưởng Sơn.
Chuyện sập hầm, chết người xảy ra như cơm bữa ở các bãi vàng Phước Sơn. Tôi rùng mình nhớ lại thảm nạn tang tóc nhất trong lịch sử xứ vàng Phước Sơn, xảy ra cũng vào mùa mưa năm trước (tháng 11.2003): Cả quả núi ở bãi vàng G18 xã Phước Thành bất thần đổ sập xuống, 19 thợ vàng của Công ty TNHH Trường Sơn bị chôn sống, "đi" cả. Nghe nhắc, Sơn vẫn tỉnh queo như không, phanh áo, hét "hậu cần" lo mâm bát, mời chúng tôi... lai rai tí. Tôi phát khiếp khi nhìn thấy khắp ngực và 2 cánh tay Sơn đầy những vết sẹo thịt lồi lên, nám nám, đỏ đỏ. Dấu vết những nhát chích ma tuý và Sơn là 1 con nghiện thượng thừa - về sau tôi được "dân trong nghề" giải mã.

Bi kịch một gia đình
Phố vàng Khâm Đức, huyện Phước Sơn chừng hơn mươi năm nay theo cơn lốc vàng mà giàu hiếm có và cũng trở nên "cao bồi" hiếm thấy trong cách chơi. Gia đình ông Đặng V.G và bà L.T.H ở khối phố 2A Khâm Đức là một bi kịch điển hình. Đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, khi những bãi vàng lậu Phước Sơn mới bước vào thời kỳ khai khẩn, ông G dắt vợ con rời thành phố Đà Nẵng, theo dòng người khai thác vàng trái phép cuồn cuộn đổ về "miền đất hứa" với khát vọng đổi đời. Mà đổi đời thật. Bằng cách "ăn theo vàng". Ở cái thị trấn "đầu ra đầu vào" Khâm Đức không bao giờ đủ hàng hoá từ cây kim sợi chỉ đến những món xa xỉ phẩm để phục vụ cho lực lượng khai thác vàng lậu hùng hậu lúc nào cũng cần đủ thứ, lúc nào cũng chực ngấu nghiến, chỉ sau một thời gian ngắn họ đã ngoi lên thành một trong những nhà cung cấp hàng hoá hàng đầu... Và cùng với cả cái thị trấn "ăn theo vàng" Khâm Đức, nhanh như chớp họ trở nên nhà cao cửa rộng ngay giữa lòng phố núi sầm uất vào bậc nhất Quảng Nam này.

Nhưng rồi, cũng nhanh như vậy, họ Đặng tán gia bại sản, bởi cờ bạc nợ nần và biêu hụi đổ vỡ và "Ngũ đại công tử" "dính" ma tuý từ đời nảo đời nào. Riêng ngũ công tử Xoài, năm nay 20 tuổi, nhưng đã dan díu với Phù Dung tiên tử từ thuở mới 16 tuổi đầu... Ông G buồn thảm nói với chúng tôi: "Con tui lẩn quẩn ở đây rồi cũng phải dính đòn thôi, rồi cũng đến chỗ phải chết thôi. Mất hết rồi. Tui chừ có còn chi nữa đâu anh. Ma tuý là kẻ thù của gia đình tui". Cái chết của Sẹo vào tháng 7.2004, khi mới 30 tuổi và được phát hiện đã nhiễm HIV/AIDS, cũng chưa trở thành dấu chấm hết cho bi kịch của gia đình. Sau cái chết ấy, Tèo, Trọc, Mít, Xoài đều không chịu nổi quản thúc cai nghiện của cha mẹ và Công an Khâm Đức, mang theo cơn nghiện dặt dẹo bỏ thị trấn vàng mà đi tứ tán mỗi người một ngả...

Hậu "thiên đường vàng"
Con đường lầy lội đất đỏ vòng quanh sân bay dã chiến Khâm Đức cũ, dẫn vào một vùng đầy cỏ may và cây hoang dại, rải rác những nấm mồ. Sẹo cũng nằm ở đây. Nghĩa địa Khâm Đức vắng ngắt sau cơn mưa chiều và bầu trời xứ núi như sà thấp u ám hơn trong tiếng đập cánh của bầy quạ đen vội vã bay lên khi nghe tiếng người. Quạ đen nhiều đến bất ngờ. Không quá khó để chúng tôi tìm thấy 2 nấm mộ còn chưa kịp xanh cỏ, khói hương tàn lạnh và không bia mộ. Trên 1 nấm mộ có cắm thanh tre mỏng kẹp mảnh giấy nhỏ chưa bằng bàn tay bọc trong bao nylon nhưng vẫn ướt nhẹp nước mưa, gợi ý niệm về bia mộ. Chúng tôi đọc được ở đó: "Bùi Văn B 15/7/2004 (Hoà Bình)".

Bác sĩ Huỳnh Tấn Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phước Sơn cho biết, những nấm mộ tứ cố vô thân ấy là nơi gửi nắm xương tàn nơi xứ lạ của những con nghiện nhiễm HIV/AIDS không người nhận. Bác sĩ Dũng nói: "Trung tâm cũng đã gánh rất nhiều trường hợp bệnh tật từ các bãi vàng, theo kiểu tương tự. Những kẻ từ các bãi vàng chở con bệnh vào trung tâm thường trốn tránh bằng cách bảo họ gặp con bệnh giữa đường "không thể thấy chết không cứu"(!), hoặc họ chỉ được thuê mướn, hoặc "tồi" nhất là loay hoay một chút chờ dịp mà chạy mất tăm, chẳng hề đoái hoài gì đến con bệnh nữa...". Và cũng không ít con nghiện ma tuý nhiễm HIV/AIDS chết rồi chôn luôn trong các bãi vàng".

Bà mẹ già T.T.A trước bàn thờ
con trai duy nhất chết vì ma tuý.
Không ít người thoát được "thiên đường vàng" nhưng mang tấm thân tàn ma dại trở về làng quê sống dặt dẹo trong cơn đói thuốc. Hàng chục con nghiện nhiễm HIV về quê đã "chuyển giai đoạn" sang AIDS, chết vật vã. Bình Trị - một xã nghèo thuộc huyện Thăng Bình là một trong những "hậu thiên đường vàng" tang tóc nhất. Bà mẹ già tóc bạc 62 tuổi T.T.A ở thôn Vinh Nam đã cạn khô nước mắt khóc tiễn đứa con trai duy nhất 32 tuổi đầu xanh. Khi chúng tôi tìm đến thăm, nhìn bà lập cập thắp nhang lên bàn thờ con, mà chẳng còn bụng dạ nào để hỏi han. Cùng thôn này, gia đình ông Đ.B.T hết tiền hết của chữa chạy để rồi phải bất lực nhìn 2 đứa con trai bị "cái chết trắng" cướp đi chỉ cách nhau chưa đầy nửa tháng...

Các bãi vàng làm "hư" dân địa phương. Câu này tôi nghe rất nhiều lần từ rất nhiều người. Một vị lãnh đạo UBND huyện Phước Sơn mới đây trước diễn đàn hội nghị về ma tuý của tỉnh Quảng Nam cũng lớn tiếng cảnh báo: "Ma tuý đã xâm nhập vào thế hệ con em người dân tộc thiểu số ở các xã vùng cao". Một thông tin "mới cứng", khiến chúng tôi không khỏi sửng sốt: 4 cán bộ xã Phước Kim (1 trong những xã trọng điểm khai thác vàng trái phép của Phước Sơn) cũng bị dính ma tuý, gồm: Xã đội trưởng, trưởng ban tư pháp, công an viên và cán bộ văn phòng, nâng tổng số con nghiện ở Phước Sơn lên 49.

Còn đây là những con số khiến bất cứ ai cũng giật mình: Cả tỉnh hiện có 181 đối tượng nghiện ma tuý. Các huyện có các bãi vàng đào đãi trái phép đều là các vùng trọng điểm ma tuý, mà Phước Sơn chiếm đầu bảng với số con nghiện trên, tiếp theo là Tam Kỳ 47, Tiên Phước 42, Thăng Bình 29 con nghiện. Đấy là số con nghiện quản lý được và chỉ là một phần nhỏ so với con số thực tế ở các bãi vàng mà cơ quan chức năng thừa nhận là không thể kiểm soát được. Ông Hồ Tùng Mậu - Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội Quảng Nam bức xúc nói: "Tình trạng ma tuý "hậu bãi vàng" trên địa bàn tỉnh đã đến mức báo động. Đặc biệt là thanh niên từ các địa phương trong tỉnh tham gia đào đãi vàng tại huyện Phước Sơn mang ma tuý về làng quê ngày càng nhiều. Phải gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh thật cấp thiết".

Nhưng phải làm sao để "hồi chuông cảnh tỉnh cấp thiết" ấy có thể vọng đến các bãi vàng tận cùng rừng sâu núi thẳm, đến với những người đã, đang và chớm bước chân vào cuộc săn vàng đầy cám dỗ? Không dưng tôi chợt nhớ đến "Chuông nguyện hồn ai" của Enest Hemingway, giá mà họ đọc được: "Chuông nguyện hồn ai? Anh đừng hỏi chuông nguyện hồn ai. Chuông nguyện chính linh hồn anh đấy!".