Sống buông thả, giới trẻ sẽ về đâu?
Các Website khác - 26/08/2008

 

“Nổi loạn” tại các điểm kinh doanh trá hình, nhiều thanh thiếu niên chạy trốn khi công an triệt phá. Ảnh: T.TIẾN

Giới trẻ, đặc biệt ở lứa tuổi dậy thì thường có tâm lý chống đối. Không nghe lời cha mẹ, muốn tự làm điều mình thích để chứng tỏ cái tôi, nếu cha mẹ không kịp thời định hướng, chúng sẽ dễ dàng sa ngã

Thấy con đang dán mắt vào màn hình ti vi xem một cảnh hôn nhau, chị Lan vội vàng cầm remote tắt đi. Bé Hà chẳng những không phản ứng mà còn nói: “Những cảnh này còn “nhẹ đô” lắm mẹ ơi!”.

Thoát khỏi sự áp đặt

Hoang mang vì câu nói của con gái chưa đầy 15 tuổi, chị Lan chạy vội vào phòng con. Vẫn những câu nói quen tai, nào là: Con còn nhỏ, chưa đến tuổi để xem những cái đó; nào là hãy chú tâm vào việc học hành; tuổi của con chỉ thích hợp với những phim dạng Harry Potter... Chưa kịp nói hết câu, Hà đã hét lên: “Con đã là một cô gái rồi mẹ biết không?”. Rồi nó đổ vật xuống giường khóc nức nở. Chị Lan đành xin lỗi con rồi trở về phòng mình. Suốt đêm, chị chẳng thể nào chợp mắt nổi vì câu nói của con.

Để hiểu con, chị Lan quyết định tìm hiểu xem nó đang nghĩ gì bằng cách tạo một nick chat mới, bí mật chat với nó hằng ngày. Chỉ trong thời gian ngắn, bao nhiêu tâm sự vơi đầy được Hà kể hết cho “người bạn” mới. Nó đau buồn khi thấy ba mẹ hay ghen tuông, cãi vã. Cuộc sống gia đình vốn không êm thấm nhưng lại được giấu một cách rất vụng về. Tuy là đứa con duy nhất trong nhà nhưng Hà lại luôn được “đặc cách” như người khách lạ. Mỗi khi cần tranh luận điều gì, ba mẹ Hà thường nói bằng tiếng Nga, thứ ngôn ngữ mà họ đã học ở bên đó 7 năm, cốt chỉ để cho con không hiểu gì. Nhưng bằng linh tính, Hà hiểu rằng đó chính là lúc cha mẹ đang khẩu chiến.

Hà luôn phải thực hiện tiêu chuẩn ăn riêng theo ý của mẹ. Buổi sáng, dù ngán sữa đến tận óc vẫn phải gồng mình ực một hơi cho hết ly sữa đầy. Sinh nhật bạn, mẹ chở đi đến tận nơi và ngồi “đồng” chờ cho hết tiệc đưa con về, làm đám bạn chọc quê Hà là đồ chưa “dứt sữa”. Phòng ngủ của Hà không được đóng cửa, máy vi tính bị đem ra phòng khách để kiểm soát... Chị Lan không thể ngờ, đứa con gái bé bỏng của chị đã theo bạn “nổi loạn” tại động lắc mà công an mới triệt phá. “Em muốn bứt phá khỏi cuộc sống tù túng mà mẹ áp đặt. Em đâu còn nhỏ nữa!”- tại cơ quan công an, Hà vừa khóc vừa nói.

Để con bớt “nổi loạn”

Khác với tình cảnh của mẹ con chị Lan, chị Hương lại luôn tìm thấy ở đứa con trai ngấp nghé tuổi 16 những tiếng nói đồng điệu. Khi mới ly dị chồng, chị Hương hiểu con trai mình sẽ mất đi một chỗ dựa tinh thần lớn. Một hôm, chị rủ con trai đi uống cà phê rồi bộc bạch thẳng thắn: “Con biết đấy, trong nhà mình bây giờ chỉ còn con là đàn ông, mọi việc lớn, nhỏ mẹ con mình đều phải bàn với nhau để giải quyết. Ý kiến của con rất quan trọng sẽ giúp mẹ có những quyết định đúng đắn hơn”. Nói đến đây, chị nghẹn ngào không cầm nổi nước mắt khi đôi bàn tay mà thường ngày chị vẫn cho là bé nhỏ của con, xòe rộng ra siết chặt tay mẹ, vững chãi, mạnh mẽ, ấm áp biết nhường nào.

Song cậu con trai của chị vẫn bị ảnh hưởng bởi những cám dỗ bên ngoài khiến chị phải có cách ứng xử tinh tế với con. Một hôm, phát hiện trong USB của con có một đoạn phim sex, thay vì phát hoảng, chị gọi con lại nói bằng giọng rất bình thản: “Chuyện này chẳng có gì là mới đâu, con xem một lần cho biết rồi mẹ tin con sẽ chẳng bao giờ xem nữa”. Biết con bắt đầu có bạn gái, chị động viên con quan tâm đến việc học hành của bạn và để con tự quyết định “liều lượng” tình cảm, coi đó như một động lực khiến con phải tự vượt qua chứ không can thiệp “thô bạo”. Nhờ thế mà mọi biến cố lớn, nhỏ trong cuộc sống riêng, con trai đều tâm sự với mẹ mà không hề giấu giếm.

Giúp trẻ thấy trách nhiệm của mình

Theo tiến sĩ tâm lý Vũ Gia Hiền, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng văn hóa- du lịch Hội Liên hiệp Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, ở tuổi dậy thì, thể xác đã phát triển đầy đủ, song tinh thần trách nhiệm lại chưa có. Người lớn cần phải tôn trọng và chỉ cho con trẻ thấy được trách nhiệm của mình đối với bản thân, gia đình, xã hội; hướng dẫn kỹ năng sống, tạo lòng tin và luôn khơi mở những ý tưởng sống đẹp, sống hướng thiện cho con...

Dễ nhiễm điều xấu

Tôi thấy hiện nay giới trẻ rất dễ tiếp cận với những cái xấu. Chỉ cần lên mạng là có thể xem được phim đen... Thậm chí có nhiều tờ báo mạng còn đưa cả video clip minh họa cho bài viết để câu khách. Có lần, tôi xem cảnh hàng chục học sinh đang vây đánh một học sinh nữ trên một trang web mà sởn cả tóc gáy. Học trò là lứa tuổi nhạy cảm, dễ bị ảnh hưởng nên lối sống sai lầm nhiễm vào chúng rất dễ dàng. Bởi vậy, đừng vì mục đích kinh doanh mà đăng tải những đoạn phim như thế...

Việt Xuân (hẻm 98, đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7- TPHCM)

Nhà trường cũng phải “ra tay”

Tôi nghĩ vai trò của nhà trường trong việc định hướng lối sống lành mạnh cho học sinh là rất quan trọng. Hiện nay, số học sinh sống buông thả rất nhiều nhưng nhà trường đã làm được gì để giúp các em biết được đâu là đường đi đúng? Những bài giảng về đạo đức sáo rỗng sẽ không thuyết phục được các em bằng cách nêu cho các em thấy hậu quả của những việc làm sai trái. Nên có nhiều hơn những buổi sinh hoạt tập thể để nghe các em tâm sự và định hướng tương lai cho các em.

Lê Hoàng (Bùi Thị Xuân, Q.1- TPHCM)

Cần có bản lĩnh

Sau khi đọc bài “Lỗi không phải của riêng em”, tôi thật sự cảm thông với những người vì hoàn cảnh mà sa ngã. Nguyên nhân do đâu? Trước hết do chính các bạn trẻ. Dù có bị cám dỗ tới đâu nhưng nếu các bạn thật sự có bản lĩnh thì sẽ không sa ngã. Nếu các bạn thích những trò chơi mà đồng tiền chi phối thì dù cha mẹ có giám sát chặt chẽ cũng bằng thừa. Hy vọng các bạn trẻ hãy vượt lên chính mình, tìm niềm vui trong học tập và biết chọn những người bạn chân chính để chơi.

Phạm Trọng Nghĩa (lequynh43...@yahoo.com)

Ngọc Mai