![]() |
Bà H chỉ mong khi con trai ra tù đừng đi theo vết xe đổ của con đường cũ nữa
Bà cháu đơn côi
Đó là câu chuyện của bà H (65 tuổi, xã Trung Lập Hạ, huyện Củ Chi, TPHCM). Bà H là giáo viên nghỉ hưu, chồng mất sớm, bà chỉ có một đứa con trai duy nhất nhưng ăn chơi, hút chích từ khi còn học trung học. Bà biết chuyện, khuyên bảo nhưng anh ta gạt phăng, bảo “chuyện của con con tự lo”. Thương con, bà nhờ chính quyền địa phương can thiệp đưa đi cai. Cai chưa xong, anh ta tiếp tục nghiện. Năm 2006, anh ta nhiễm HIV và bị bắt vì tội tàng trữ trái phép chất ma túy. Gạt nước mắt tiễn con vào tù, bà H chỉ mong những năm tháng trong trại giam con trai sẽ hiểu được tình thương và những cực khổ của mẹ mà tu chí làm ăn, sống tốt hơn.
Năm 2011, ra tù, con trai bà lấy vợ. Con dâu bà cũng là một người nghiện hút. “Nó dẫn vợ về, tôi không ưng bụng nhưng vẫn phải đồng ý để chúng là vợ chồng. Con mình đâu có tốt đẹp gì đâu mà kén chọn. Cưới nó về rồi chỉ bảo cho vợ chồng nó làm ăn cũng được”. Thế nhưng, cưới vợ cho con trai xong, “đôi gánh” của bà H trở nên nặng nề hơn.
Đầu năm 2012, con trai bà tiếp tục sử dụng ma túy rồi bị bắt và nhận 4 năm tù, lúc đó vợ đang mang thai 6 tháng. Đau khổ, tuyệt vọng, mất hết niềm tin ở thằng con, bà chỉ mong con dâu sẽ cùng bà vượt qua những giai đoạn khó khăn. Ai ngờ, sau khi sinh con, con dâu bà bí mật đem con cho người khác để đi bán ma túy cùng người tình. Rồi chị ta cũng đi tù vì tội buôn bán trái pháp chất ma túy. Phải nhờ chính quyền can thiệp, bà mới mang được cháu gái về nuôi.
65 tuổi, bà phải nuôi cháu nhỏ bằng những đồng lương hưu ít ỏi của mình. Mỗi tháng, hai bà cháu sống vỏn vẹn với hơn 4 triệu đồng nhưng bao thứ phải lo. Nào là tiền ăn cho hai bà cháu, tiền sữa cho cháu, tiền nợ nần rồi phải dành ra một ít hàng tháng bắt xe vào trại giam thăm con trai.
Ba của ai, mẹ của ai?
Hơn 3 tuổi, cháu gái bà H lúc nào hỏi ba mẹ đâu. Không muốn cháu biết chuyện, bà chỉ biết nói dối con trai, con dâu mình đang đi làm xa. Cháu phải ngoan thì mới được ba mẹ thương và mua quà cho. Thế là, mỗi lần mua quần áo mới, đồ ăn hay đồ chơi cho cháu bà phải nói dối là bố mẹ cháu mua cho. Đứa cháu hồn nhiên đón nhận quà và cái gì cũng bảo mẹ mua. “Cái gì trong nhà này nó cũng bảo mẹ nó mua rồi vui lắm. Lúc nào nó cũng giữ cẩn thận, chờ mẹ về mang ra khoe”, bà kể.
Điều bà chẳng biết giải thích như thế nào cháu hiểu là câu hỏi: “Sao mẹ cháu đi mãi không thấy về?”. Mỗi lần như thế, bà chỉ biết lảng sang chuyện khác để cháu quên đi. Bà gạt nước mắt: “Ai vào nhà chơi nó cũng hỏi nội: “Ba của ai, mẹ của ai?”. Có khi nó hồn nhiên hỏi: “Nội ơi! Nội có mẹ không? Con có mẹ, mà sao không được ở bên mẹ?”. Nghe câu hỏi, bà chỉ biết gạt nước mắt quay đi nơi khác.
Hôm tôi đến nhà, vừa nhìn thấy, em hỏi nội liên hồi: “Ba của ai, mẹ của ai?”. Bà H phải nhẹ nhàng giải thích: “Khách của nhà mình đó con. Cô không phải là mẹ đâu”, con bé mới ngưng để đi chơi cùng nhóm bạn. Nói chuyện với tôi, bà cứ đặt câu hỏi: “Sao mình nuôi nó cực khổ từ nhỏ đến giờ, nó bệnh cũng mình, đói cũng mình, vui vẻ cười đùa cũng mình mà lúc nào nó cũng nhớ đến mẹ nó? Mẹ nó đâu có thương con đâu! Nó bán con cho người ta rồi mà!”. Nói rồi, bà lại đính chính: “Con nào cũng chỉ biết đến mẹ. Thế mà thằng con tui lúc nào nó cũng chống lại lời mẹ. Tui nói gì nó cũng chẳng nghe. Tại sao chứ? Nhiều đứa học trò, tui nói, chúng làm theo, giờ nhiều đứa đến nhà cám ơn cô giáo lắm. Thế mà, thằng con mình thì chẳng ra gì. Giờ, tui chỉ ước nó bị đui, què, hoặc bệnh tật gì đó để mình nuôi và chăm sóc nó suốt đời còn hạnh phúc hơn”. Nước mắt người mẹ ấy cứ thế chảy dài trên má.
Mở lớp học tình thương
65 tuổi, đáng lẽ bà H phải được nghỉ ngơi, hưởng thụ cuộc sống nhàn hạ bên con cháu, thế mà bà chỉ biết tìm niềm vui bằng lớp học tình thương cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn trong xóm. Vài bộ bàn ghế cũ kỹ, chiếc bảng nhỏ, ngày hai buổi bà đứng lớp dạy cho học trò. Học phí cũng chỉ vài trái mướp, mớ rau, vài ký gạo... Để dụ học trò học bài, hôm bà nấu nồi chè, hôm vài cái bánh tráng khô khốc nhưng học trò vẫn ngồi nhai ngấu nghiến. Hôm nào có sẵn tiền trong túi, cô giáo khao học trò bữa kem, bữa bánh kẹo, tùy học trò thích. Cứ như thế, đám học trò ngày nào cũng thích đến lớp bà H để vừa được học, được chơi và được ăn quà của bà cho.
Nhìn đám học trò say sưa học bài, bà H cười rất tươi. “Hoàn cảnh của chúng nó giống như cháu mình vậy. Mình không có tiền nhưng mình có chữ trao lại chúng nó, đó cũng là niềm vui. Có chúng nó đến học nên lúc nào cũng vui, chứ chỉ có hai bà cháu thì buồn lắm”. Bây giờ, bà chỉ ước thời gian sẽ quay lại để con trai mình còn nhỏ như đám học trò để mình thương yêu, dạy bảo đúng cách.
Canh cánh một nỗi lo
Bà H cho biết, không đến 6 tháng nữa là con trai bà sẽ được mãn hạn tù, về nhà sống cùng bà và con gái. “Tôi lo lắm. Không biết ra tù rồi nó sẽ ra sao. Hôm rồi, trại giam cho gọi điện về, nó cứ hỏi thăm sức khỏe hai bà cháu, xin lỗi mẹ vì những việc làm của mình. Nó hứa đi hứa lại, khi ra tù nhất định sẽ không đi theo đường cũ nữa. “Ở trong này, con sẽ gắng chăm sóc sức khỏe, gắng uống thuốc để bệnh không tái phát. Mẹ đừng buồn vì con và hãy tin ở con một lần nữa”. Bà nghe rồi gật đầu nhưng nỗi lo thì chẳng bao giờ nguôi.
Bà nói buồn: “Chẳng thà nó ở miết trong đó, mỗi tháng mình góp tiền đi thăm, xem nó sống thế nào, sức khỏe ra sao, bà cháu tui sống ở ngoài thế này còn tìm thấy niềm vui. Nó ra rồi cũng như lần trước, quậy phá, bán đồ đạc trong nhà rồi lao vào con đường hút chích, vui đâu không thấy chỉ gây thêm nỗi đau cho mình thôi. Lời nó nói bây giờ tôi chẳng tin nữa. Nó nói một đường làm một đường”.
Các cán bộ trong trại giam cho biết, bệnh của con trai bà nếu muốn sống lâu phải giữ sức khỏe, chăm chỉ uống thuốc và nhất định không được sử dụng ma túy nữa. Điều đó làm bà rất lo. “Tôi chỉ mong rằng, về nhà nó ngoan ngoãn ở nhà chăm con, làm ruộng, chăm con gà, con lợn, trồng rau trong vườn, đừng đi theo nhóm bạn lêu lổng. Bệnh của nó như thế không làm được việc gì nặng đâu, mà cũng chẳng ai thuê nó làm gì”, bà nói.
Hôm rồi, bà cũng nhận được lá thư của con dâu. Trong thư, chị ta nói rất hối hận về việc làm của mình và mong nhận được sự tha thứ của mẹ chồng. Đọc lá thư của con dâu, bà vừa giận vừa thương. Nhận lá thư, bà chẳng muốn mở ra đọc một chút nào. “Tôi chẳng tin nó viết thư cho tui. Nó là mẹ mà thoái thác trách nhiệm nuôi con để được sống thoải mái. Giờ nó ở tù, hối lỗi về việc làm của mình, liệu ra tù nó có làm được như lời nói của mình không, hay là đi theo đường cũ. Tui xem như nó như con gái mình vậy. Thế mà, nó làm toàn những điều dối trá”.
Mấy hôm sau, bà H gọi điện cho tôi báo: “Tôi mở lá thư ra đọc và viết thư tha thứ gửi cho nó rồi. Tôi mong rằng, đọc thư tôi, nó sẽ cảm nhận được nỗi nhớ của con mình và tình yêu thương tôi dành cho nó... Giờ, tôi thấy những suy nghĩ của tôi nhẹ nhàng và thoải mái hơn nhiều”.
▪ Hát vì người bệnh (05/04/2016)
▪ Chuyện đời của những “con nghiện” (04/04/2016)
▪ Phụ nữ hoàn lương: Xa xăm đường về (04/04/2016)
▪ Dắt tay em đi về phía mặt trời (04/04/2016)
▪ Những người đẩy đuổi con “ết” tại "thủ phủ ma túy" (04/04/2016)
▪ Bài học nhân ái ở một ngôi trường (02/04/2016)
▪ Đằng sau chiếc áo "Xin đừng đánh" (02/04/2016)
▪ Gặp người có HIV từ cõi chết trở về… (01/04/2016)
▪ Hoàn lương trong vòng tay cộng đồng (31/03/2016)
▪ Vượt qua cám dỗ… (31/03/2016)