Phụ nữ hoàn lương: Xa xăm đường về
Báo Tiếng chuông - 04/04/2016
“Để một phụ nữ hoàn lương, không chỉ là công ăn việc làm lương thiện, tình yêu, những điểm tựa tinh thần, mà cần nhất là sự sẻ chia từ cộng đồng".

19g30 tối, chúng tôi khoác lên mình bộ đầm ngắn hai dây, đứng dưới một gốc cây trên đường Cộng Hòa đoạn sát giao lộ Trường Chinh (TP.HCM) cạnh một phụ nữ tuổi tầm 40 ăn mặc mát mẻ để… rước khách. Bên kia là hàng chục khách sạn giá bình dân sáng rực đèn.

Rong ruổi theo hành trình hoàn lương của những phụ nữ hành “nghề” bán dâm, chúng tôi thấm thía nỗi gian nan và bế tắc của họ.

Bốn lần hoàn lương

Theo hẹn, hơn 20g, hai đồng nghiệp nam rà xe máy quay lại rước chúng tôi. Lúc này, dọc tuyến đường Cộng Hòa đoạn P.12, 13, Q.Tân Bình, chúng tôi đếm được 18 cô gái đang đứng công khai mời khách… Trên những ghế đá trong công viên Hoàng Văn Thụ, nhiều cô gái ăn mặc mát mẻ đang hóng gió một mình. Vòng qua đường Trường Sơn vào sân bay Tân Sơn Nhất, chạy hướng đường Sông Đà, chúng tôi vào những con đường như ô bàn cờ, trở ngược ra Nguyễn Kiệm, chỗ nào cũng thấp thoáng bóng các cô gái đứng chờ khách ven đường…

Tôi gặp chị X., một phụ nữ từng tham gia nhóm giáo dục viên đồng đẳng của Trung tâm Ánh Dương (trực thuộc Hội LHPN TP.HCM) khi chị đang ghé tai một cô gái đứng bên góc đường Hoa Sứ, vừa nói, chị dúi vào tay cô gái món gì đó. Vỗ vai cô, chị mỉm cười, bước tiếp. Nghe tôi gọi tên, chị X. ngỡ ngàng quay lại. Đêm nay, chị lại đi phát bao cao su, dù đã hết hợp đồng làm cộng tác viên giáo dục đồng đẳng. Giọng chị buồn buồn: “Tháng rồi chị sụt cân, rồi sốt quá chừng, uống thuốc không giảm, chị sợ sức chị mỏng quá, AIDS nó tấn công tiếp. Vậy mà câu chuyện đời chị không làm mấy em gái này lo sợ. Cái cô bé mà chị mới phát bao cao su vừa nãy, mới 29 tuổi mà đã bốn lần hoàn lương rồi đó”.

Chị X. dẫn tôi qua gặp chị Thu D. Nước mắt lăn dài trên gương mặt đầy phấn, giọng chị D. chùng xuống: “Tôi làm nghề 13 năm rồi. Hoàn cảnh đưa đẩy thôi cô ơi”. Chị kể, mẹ chị bị ung thư, khi đó chị mới 16 tuổi, bị cha ép bán mình lấy hai chỉ vàng cứu mẹ. Nhiều lần sau đó, chị bị ép quan hệ với người đàn ông giàu có nhất xã để kiếm tiền chạy chữa cho mẹ.

Mẹ qua đời, chưa đầy 19 tuổi, chị phải sinh con, còn người đàn ông giàu có kia phủi trách nhiệm. Quyết làm lại cuộc đời, chị mang con bỏ nhà qua Cần Thơ sống. Rồi để cứu con khỏi bệnh ruột thừa, chị lại sa chân vào “nghề”, chị bị bắt, bị đưa đi giáo dục… Sống không nổi với tiếng đời dị nghị, chị bỏ lên TP.HCM. Không chữ nghĩa, nghề nghiệp, chị lại bán thân nuôi miệng, lại bị bắt.

Chị D. lắc đầu: “Chắc tôi khó hoàn lương. Giờ chỉ cầu mong mình không nhiễm HIV là ngon rồi”.

Nhọc nhằn làm người bình thường

Vừa mở cửa phòng trọ, vừa nhanh tay đẩy xe tôi vào bên trong, chị H. hạ giọng: “Nghe chị gọi điện thoại nói đến nhà, em cứ nơm nớ p lo cán bộ phườ ng tới kêu em đi báo cáo điể n hì nh. Tụi em mới dọn về đây sáu tháng, người quanh khu vực này chưa ai biết chuyện trước kia của em hết”.

Căn phòng trọ của vợ chồng chị H. (sinh năm 1987) ở P.7, Q.Gò Vấp, TP.HCM, khá ẩm thấp, mùi cao su xộc vào mũi làm chúng tôi chảy nước mắt. Anh T. chồng H. nhanh tay lùa đống giày da sang một phía. Bằng giọng rặt miền Tây, chị H. kể nỗi đoạn trường đời mình.

 

 

Vợ chồng chị H. với công việc hàng ngày

Năm H. lên chín tuổi, mẹ chị mất vì tai nạn giao thông, cha rượu chè be bét, ba chị em gái của chị đều phải đi làm thuê kiếm sống. Năm 16 tuổi, H. bị người chủ nhà nơi chị làm thuê cưỡng hiếp. Chị bỏ Trà Vinh, trốn về Sóc Trăng, tính đi làm thuê làm mướn. Nào ngờ lại bị ông chủ ruộng hành sàm sỡ. Sợ chuyện cũ tái diễn, chị H. trốn lên Sài Gòn… Không người thân thích, trong túi chỉ có 600.000đ, chị H. thuê chỗ trọ một tuần gần bến xe Miền Tây, không ngờ đó là ổ mại dâm. H. sa chân vô “nghề”, năm 2006 thì bị bắt, bị đưa đi giáo dục ở Trung tâm giáo dục lao động xã hội Phú Nghĩa, rồi phát hiện mình nhiễm HIV.

Nghĩ đời mình chấm dứt, nhiều lần ở trung tâm, H. đã toan tự tử. Khi hết hạn giáo dục ở Phú Nghĩa, chị được một người bạn rủ về Bình Thạnh đi làm giày da. Ở xưởng giày, chị gặp anh T., cùng quê Trà Vinh, cũng bị AIDS. Họ chỉ thật sự biết mình đồng bệnh khi cùng tham gia buổi sinh hoạt nhóm đồng đẳng. Hiểu hoàn cảnh, họ yêu và cưới nhau. Không lâu sau khi H. và T. thành chồng vợ, vô tình trong một bữa tiệc của chủ xưởng, có người đàn ông từng là “khách” của H. ngày xưa nhận ra H., đòi giết cô vì cô lây HIV cho anh ta. Cả xưởng giày nháo nhào, mọi người nhìn H. và T. đầy nghi kỵ. Ngay đêm đó, chủ xưởng cũng là chủ nhà mời họ dọn đi.

Nỗi nhục nhã, ê chề khiến cả H. và T. suy sụp. Anh kể: “Vợ sốt hâm hấp suốt ngày, chồng nằm liệt, gia cảnh đôi bên đều khó khăn. Vợ tôi đi xin làm việc gì cũng bị người ta xa lánh, xua đuổi. Nhiều lần, hai đứa muốn chết đi cho rồi, nhưng được mấy anh chị giáo dục viên đồng đẳng ở Q.Bình Thạnh, Trung tâm Ánh Dương tìm đến, động viên. Chúng tôi mang ơn họ, nhưng ngoài họ ra, cộng đồng nhìn chúng tôi dè dặt, khinh miệt lắm”.

Cần mở những con đường mới

Chị Nguyễn Thị Thúy Linh ngụ ở P.Bình Trưng Đông, Q.2, nguyên giáo dục viên đồng đẳng thuộc dự án CDC của Ủy ban Phòng chống AIDS TP.HCM cảnh báo: “Đừng nghĩ giúp các chị ấy vốn, trợ giúp học nghề là đủ, vì có rất nhiều lý do kéo họ về đường cũ”.

Còn nhớ mới đây, khi nghe chúng tôi tìm gặp N.T.T.X., người được Hội LHPN P.Tân Thới Hiệp, Q.12 hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng, chị Hồ Thanh Thúy, Chủ tịch Hội LHPN phường này cho biết: “Chị X. do Hội mình quản lý. Thời gian đầu, chị cũng ra sinh hoạt với Hội thường xuyên lắm, nhưng chỉ ra ngồi nghe, không chuyện trò gì. Khi chúng tôi tìm đến hỏi tâm tư, tình cảm, nguyện vọng, chị nói: “Không cần gì hết”. Một thời gian sau, chủ nhà trọ cho biết chị đã dọn đi, giờ chị ở đâu chúng tôi cũng không rõ nữa. Hội đã làm hết sức mình, nhưng tiếp cận chị em khó lắm”.

 

 

Nguyễn Thị Thúy Linh, P.Bình Trưng Đông, Q.2 (trái) đang tư vấn an toàn tình dục cho một phụ nữ mại dâm

BS Trịnh Văn Hiệp (Trung tâm Tư vấn và giáo dục sức khỏe TP.HCM) từng chia sẻ kinh nghiệm với các giáo dục viên đồng đẳng: “Để một phụ nữ hoàn lương, không chỉ là công ăn việc làm lương thiện, là tình yêu, những điểm tựa tinh thần, mà cần nhất là sự sẻ chia từ cộng đồng. Một câu nói vô tình cũng có thể làm nghẽn lối trở về của họ”.

ThS Nguyễn Thị Ngân Hoa, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giới và gia đình thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam cho biết, trong nhiều năm theo dõi về việc tái hòa nhập cộng đồng của người mua bán dâm, bà nhận thấy tỷ lệ hoàn lương thật sự rất thấp. “Cho dù chúng ta làm nhiều cách, nhưng có thể khẳng định những việc mà chúng ta tạo được cho những phụ nữ lỡ lầm này không so được với “việc kia”. Bản thân việc không cần lao động nặng nhọc mà cũng có nhiều tiền đã là một ám ảnh trong nhận thức, khiến họ khó thay đổi hành vi”, bà Ngân Hoa nhận định.

Năm năm qua, TP.HCM đã triển khai nhiều dự án hỗ trợ phụ nữ hoàn lương như giáo dục, dạy nghề, giới thiệu việc làm, cho vay vốn lãi suất ưu đãi, nhưng hiệu quả vẫn còn ở mức khiêm tốn bởi vẫn thiếu sự chung tay của cộng đồng.